Cơ hội để quảng bá du lịch
Incheon nằm ở phía tây Seoul và là thành phố lớn thứ ba của Hàn Quốc với dân số 3 triệu người. Trước đây, nó là một trung tâm công nghiệp ảm đạm, còn thành phố hiện nay luôn tấp nập, đông vui. Ở đây có trung tâm thương mại Songdo cực kỳ hiện đại, được xây dựng trên bãi đất khai hoang, được coi là hình ảnh thu nhỏ của thành phố Incheon.
Tuy vậy, lãnh đạo thành phố muốn Incheon tấp nập hơn nữa và họ coi tổ chức ASIAD là cơ hội để quảng bá hiệu quả. Các nhà tổ chức muốn thu hút 200.000 du khách tới thành phố trong dịp Á vận hội. Và họ cũng hy vọng qua ASIAD sẽ đưa hình ảnh của thành phố ra khắp thế giới.
Sân vận động chính là 1 trong 17 địa điểm được xây dựng mới phục vụ cho thi đấu. Ngoài ra nước chủ nhà còn đầu tư xây một Khu liên hiệp thể thao dưới nước hiện đại bậc nhất thế giới, một sân golf mới được "phủ xanh" trên nền một bãi rác cũ và một sân cricket cũng đạt chuẩn quốc tế…
Lễ khai mạc sẽ là bộ mặt cho cả kỳ ASIAD và các nhà tổ chức rất kỳ công thực hiện. Theo báo chí Hàn Quốc, cả Lễ khai mạc và bế mạc sẽ được dàn dựng bởi đạo diễn phim kỳ cựu Im Kwon Taek. Lễ khai mạc có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi danh như ca sĩ opera Sumi Jo, nghệ sĩ dương cầm Trung Quốc Yang Yang và đặc biệt là chàng ca sĩ nổi tiếng khắp giới với điệu nhảy Gangnam Style, PSY.
“ASIAD sẽ là một cơ hội tốt để thúc đẩy một quốc gia còn chưa hết nỗi buồn sau sự cố đắm phà Sewol. Đăng cai một sự kiện quốc tế lớn như ASIAD cũng sẽ giúp chúng tôi chuẩn bị chu đáo hơn cho Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018”- Chủ tịch Ủy ban Olympic Hàn Quốc Kim Jung Haeng cho biết.
Nặng gánh nợ nần...
Tuy nhiên, sau lễ khai mạc được dự báo là hoành tráng và cuộc tranh tài sôi nổi của 10.000 VĐV cũng là nỗi lo của thành phố chủ nhà. Năm ngoái, Incheon có tỷ lệ nợ công cao nhất trong số 6 thành phố lớn của Hàn Quốc. Một phần lớn nguyên nhân là do chi tiêu hoang phí vào công tác xây dựng phục vụ ASIAD.
Khi Hàn Quốc tổ chức Olympic tại Seoul năm 1988, World Cup 2002 hay Á vận hội 1986 (tại Seoul), 2002 (tại Busan), Chính phủ trung ương rót tiền nhiều vào cho công tác tổ chức. Còn lần này kinh phí tổ chức (tổng cộng khoảng 2 tỷ USD) chủ yếu do thành phố Incheon tự chịu (70%). Các chính trị gia địa phương, trong đó có Thị trưởng Incheon Yoo Jeong-bok tin rằng những lợi ích lâu dài trong ngành du lịch sẽ giúp bù đắp chi phí này. Họ cho rằng ASIAD sẽ giới thiệu thành phố ra khắp thế giới để thu hút du lịch lâu dài.
Kim Young-soo - Giám đốc của Ban tổ chức Á vận hội Incheon cho biết, Chính phủ Hàn Quốc rót đầu tư cho ASIAD 2014 ít hơn rất nhiều so với các sự kiện thể thao lớn trước đó. Ông nói rằng địa phương đã phải chi phí rất linh hoạt, thông minh để thu được hiệu quả tối đa.
Dù vậy, có không ít người lo lắng rằng sau khi Á vận hội kết thúc, nguồn thu du lịch thì chưa thấy đâu nhưng người dân địa phương lại lo phải è cổ đóng thuế chi tiền bảo dưỡng các địa điểm thi đấu. Xem ra tổ chức “tiệc” mời bạn bè đến thì vui thật, nhưng sau đó lo dọn dẹp và trả nợ thì cũng rất phiền!