Dịch giảm ở tất cả các tỉnh
Bác sĩ Trần Văn Dễ - quyền Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ cho biết: Từ đầu năm đến nay, số ca bệnh SXH mà bệnh viện tiếp nhận và điều trị giảm đáng kể so với những năm trước. Cụ thể, bệnh viện đã tiếp nhận 301 trường hợp (bao gồm TP. Cần Thơ và các tỉnh lân cận). Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2013 bệnh viện tiếp nhận đến 712 bệnh nhân, giảm trên 57,7% so với cùng kỳ. Năm nay những trường hợp bệnh nặng cũng giảm, chỉ có 2 ca và không có ca tử vong.
Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.Cần Thơ thông tin, theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng TP.Cần Thơ, từ đầu năm đến nay toàn thành phố có 275 ca SXH, giảm trên 27% so với cùng kỳ 2013 (2013 là 381 ca). Thành phố phát hiện trên 30 ổ dịch nhỏ và đã xử lý triệt để ngay khi vừa phát hiện.
Tại Cà Mau - một trong những điểm “nóng” dịch SXH trong những năm trước, năm nay dịch cũng giảm đáng kể. Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay có trên 100 ca SXH rải rác ở tất cả các địa phương, giảm 147 ca so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu tại TP.Cà Mau, các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, Ðầm Dơi.
Còn tại Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh chỉ có hơn 150 trường hợp mắc bệnh SXH (giảm trên 10% so với cùng kỳ năm 2013 và giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2012). Theo ghi nhận, không có ca tử vong do bệnh này (năm 2013 có 2 trường hợp tử vong).
Chủ động phòng dịch
Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc cho biết: Ngay từ đầu năm TP.Cần thơ đã lên kế hoạch phòng chống dịch SXH và một số dịch bệnh nguy hiểm khác. Cụ thể năm 2014 thành phố tổ chức 4 chiến dịch lớn phòng chống SXH, tập trung vào các tháng cao điểm từ tháng Giêng đến tháng Chín. Các hoạt động được chú trọng là tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc vệ sinh môi trường sống và diệt loăng quăng; kịp thời xử lý các ổ dịch nhỏ, không để lây lan ra diện rộng. Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với cơ sở khi xuất hiện ổ dịch nhỏ lập tức xử lý ngay, không để bùng phát, lan rộng.
Tuy số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ, nhưng bác sĩ Nguyễn Thanh Dân- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau cũng lưu ý đây là thời điểm nhạy cảm (mưa nhiều), dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu không chủ động phòng chống thì nguy cơ bùng phát dịch lớn là rất cao.
Nhận thức được vấn đề này, ngành y tế cùng chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể nhiều địa phương chủ động phối hợp hành động vì sức khoẻ của người dân, tích cực khuyến cáo người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch SXH và các dịch bệnh Ebola, cúm A/H5N6, tay chân miệng…