Theo đó, cuối năm 2014 đề án đổi mới cách tiếp cận nghèo sẽ được trình Chính phủ. Trên cơ sở đó, nếu Chính phủ thông qua thì sẽ xây dựng luôn các tiêu chí chuẩn, ban hành thực hiện vào đầu quý I/2015.
Ông Ngô Trường Thi – Vụ trưởng, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho biết trọng tâm của việc chuyển đổi nghèo đơn chiều sang đa chiều chính là việc phân loại hộ nghèo theo hai góc độ là hộ nghèo chính sách và nghèo xã hội. Thước đo nghèo đa chiều sẽ được tính thông qua 6 chỉ số là: Giáo dục; y tế; điều kiện sống; thông tin; bảo hiểm và trợ giúp xã hội; việc làm. Việc tiếp cận theo phương pháp mới là nghèo đa chiều sẽ giúp công cuộc xóa nghèo được hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để làm được việc này cần phải có sự đồng thuận rất cao trong người dân.
“Dự kiến thời gian tới, Ban chỉ đạo giảm nghèo sẽ xây dựng mức sống tối thiểu. Chuẩn này không phụ thuộc vào ngân sách mà dựa trên việc đáp ứng nhu cầu của con người cần phải có. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nên chúng ta cần phải làm từng bước” – ông Thi nói.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội thì cho rằng, chuẩn nghèo đa chiều phải đảm bảo được hai nhu cầu cơ bản. Thứ nhất là phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Mà muốn có mức sống tối thiểu thì người nghèo phải có thu nhập nhất định. Hiện nay, các chính sách của Nhà nước ta đang hướng tới hỗ trợ người dân tìm kiếm việc việc làm, tạo ra thu nhập. Trong trường hợp người nghèo không làm được, Nhà nước mới hỗ trợ. Thứ hai, chuẩn nghèo đa chiều phải đảm bảo để người nghèo được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục; y tế; nhà ở; nước sạch; tiếp cận thông tin.
“Thực hiện tốt giảm nghèo đa chiều không chỉ là lo bữa ăn, lo áo mặc mà còn mang đến nhiều tiếp cận mới như được thông tin, được đi học” – ông Hùng nói thêm.
Bản thân ông Hùng cũng nhấn mạnh, muốn thực hiện giảm nghèo đa chiều, cơ quan chức năng cần phải hoàn thiện đề án thực hiện với những khái niệm theo hướng gần gũi, đơn giản, dễ hiểu hơn nữa, có vậy người dân mới hiểu đúng, tham gia một cách hiệu quả.
Hiện nay, nguồn lực để thực hiện công cuộc giảm nghèo phụ thuộc vào hai kênh. Kênh thứ nhất là huy động nguồn lực của nhà nước trong việc huy động kịp thời các hoạt động, kinh phí để giảm nghèo theo địa chỉ. Kênh thứ hai, cũng là kênh có vai trò quan trọng nhất, chính là sự nỗ lực vươn lên của người nghèo chính quyền địa phương trong việc thực hiện giảm nghèo đa chiều.