Dân Việt

Ung thư và... lợi ích nhóm

Nguyễn Quang A 20/09/2014 06:05 GMT+7
Việt Nam là nước tiêu thụ amiăng lớn thứ 10 thế giới về lượng. Nó được dùng chủ yếu làm tấm lợp fibro xi măng, khi tấm lợp hỏng, các sợi amiăng nhỏ có thể phát tán trong không khí, nước, đất và gây ung thư trong thời gian rất dài.

Chúng ta đã có quyết định cấm sử dụng amiăng trong sản xuất tấm lợp từ năm 2004, nhưng rồi đã hoãn đến 2010, rồi sau đó lại hoãn đến 2020, mới đây lại hoãn đến 2030.

Trong một báo cáo, TS.Lê Vĩnh Giang, Đại học Y Hà Nội, dẫn số liệu của hải quan, theo đó đến nay Việt Nam đã nhập hơn 1 triệu tấn amiăng, từ năm 2000 đến 2011 đều đặn mỗi năm nhập cỡ 65.000 tấn. Nói cách khác, việc nhập amiăng chủ yếu là trong các năm mà Chính phủ đã dự định cấm! Hơn 1 triệu tấn chất gây ung thư với hàng chục triệu người phơi nhiễm vì tiếp xúc với chất gây ung thư này liên tục trong tương lai chủ yếu là do sự nhập nhằng chính sách của những năm đó!

Tại sao có những chuyện kỳ quặc như vậy? Người ta hẳn phải nghĩ đến nhóm lợi ích đứng đằng sau. Các doanh nghiệp nhập khẩu amiăng, một số nhà sản xuất vật liệu xây dựng có lợi ích nếu việc hoãn kéo dài.

Trong tháng 7.2014 đã có hàng loạt hội thảo và rất nhiều bài báo nói về sự nguy hại của chất gây ung thư này. Ngày 5.8.2014 các giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã có thư chung gửi ngành chức năng bác bỏ các lập luận bênh vực cho việc trì hoãn đến năm 2030 và cảnh báo về mối nguy hiểm, những tai họa từ amiăng.

Đáng tiếc, những tiếng nói của các nhà khoa học, của các tổ chức quốc tế… đã không mạnh bằng tiếng nói của nhóm lợi ích. Mạnh vì gạo bạo vì tiền mà. Việc vẫn cho nhập amiăng liệu chúng ta có nghĩ đến việc hàng chục triệu người có nguy cơ nhiễm amiăng và có thể bị ung thư, nhất là hàng ngàn công nhân hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với nó trong 50-100 năm tới?

Những người ở dưới những mái lợp fibro-xi măng có biết về việc họ sống dưới chất gây ung thư vô cùng nguy hiểm không? Những người xây dựng (lợp mái) có biết về nguy cơ ung thư của họ? Các công nhân trong các nhà máy sản xuất tấm lợp có sử dụng amiăng có biết về nguy cơ của mình?

Để tránh tai họa “giết tương lai” (tên báo cáo do Ban thư ký cấm amiăng quốc tế, IBAS, công bố) thì có lẽ chúng ta nên nghĩ ngay đến việc cấm nhập và việc dùng amiăng.