Dân Việt

Hiểm nguy từ những cây cầu tre vùng rốn lũ

Ngọc Vũ 20/09/2014 05:09 GMT+7
Hàng chục năm qua, người dân ở vùng rốn lũ huyện Hải Lăng (Quảng Trị) luôn nơm nớp lo sợ khi đi qua những cây cầu tre, cầu ván bắc qua sông trên địa bàn.

Hơn 2.000 con người ở thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng chỉ có duy nhất chiếc cầu tre sơ sài làm phương tiện qua lại con sông Nhùng. Vào mùa nắng, nước sông Nhùng cạn dòng, bà con có thể vận chuyển hàng hóa, nông sản qua lại, các em học sinh vượt sông đến trường. Nhưng đến mùa lũ, cây cầu này bị nước cuốn trôi, thôn Mai Đàn bị chia cắt làm đôi, các em học sinh phải nghỉ học nhiều ngày.

Ông Lê Tiến Hằng - Trưởng thôn Mai Đàn cho biết: “Mỗi năm chúng tôi phải làm cầu 7-8 lần vì đi lại vài tháng là cầu bị trôi”. Tay run run bước chân qua cầu, bà Phạm Thị Thiệp (64 tuổi, ở đội 3, thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm) than: “Nhiều lúc muốn qua bên kia cầu thăm con cháu nhưng không dám vì sợ rơi xuống cầu thì chết chắc. Mỗi lần tui qua cầu, tim gan cứ bay lên trời vì sợ”.

Em Hoàng Viết Minh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Hải Lâm (Hải Lăng) cho biết: “Bạn em nhiều đứa đã rơi xuống sông chết nên mỗi lần đi qua cầu tre này em rất sợ. Em mong sao có cây cầu bê tông chắc chắn để chúng em có thể đến trường an toàn”.

Cây cầu bắc qua sông Tân Vĩnh Định, thuộc thôn Đông Dương, xã Hải Dương, Hải Lăng, cũng là cây cầu tre cực kỳ nguy hiểm. Do có hàng trăm ha lúa bên kia sông nên người dân nơi đây đã tự bỏ tiền, bỏ công làm cầu tre phục vụ cho việc đi lại của mình.

Ông Phan Văn Quang - Chủ nhiệm HTX Đông Dương, Hải Dương (Hải Lăng) cho hay: “Cầu tre chỉ tồn tại trong mấy tháng mùa nắng, còn mùa mưa lũ, bị nước cuốn trôi. Biết nguy hiểm đến tính mạng của bà con nên chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp xin xây cầu nhưng vì không có kinh phí nên đành chịu”.

Hiện địa bàn huyện Hải Lăng có hàng chục cây cầu tre, cầu ván không an toàn. Người dân, chính quyền nơi đây đang rất cần sự quan tâm từ các cấp các ngành, nhà hảo tâm xây dựng những cây cầu kiên cố để đảm bảo an toàn tính mạng, lao động sản xuất.