Mỗi năm có 1.200 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm
Hiệp định Hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực và được triển khai từ 30.6.2004. Theo hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam được hưởng 67.203km2 (chiếm 53,23% diện tích vịnh), phía Trung Quốc được hưởng 59.047km2 chiếm 46,77% diện tích. Đường phân định đi cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý, tức đảo được hưởng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 3 hải lý (25% hiệu lực)...
Hợp tác nghề cá là một trong những nội dung được đề cập đến trong quá trình đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ vì có liên quan đến chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế hai nước trong vịnh. Khác với Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc có thời hạn hiệu lực là đến tháng 6.2019. Cụ thể, hai bên thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 33.500km2, có phạm vi từ vĩ tuyến 20 xuống đến đường đóng cửa vịnh, cách đường phân định 30,5 hải lý về mỗi phía.
Để thực hiện hiệp định, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã cấp phép hoạt động trong vùng nước hiệp định nghề cá chiếm 17% trên tổng số 26.022 tàu cá có công suất từ 20CV trở lên của ngư dân các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định. Chủ yếu tàu nhỏ, vỏ gỗ, trang thiết bị còn hạn chế, công suất từ 60-300CV. Trong khi đó, lượng tàu cá Trung Quốc hiện đại, công suất lớn chiếm số lượng lớn hơn nhiều trong hoạt động đánh bắt ở các vùng nước hiệp định.
Theo số liệu của Cảnh sát biển Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.200 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm hiệp định, khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ta, trong đó có một số tàu dùng thủ đoạn treo biển nhận biết giả để đánh lừa lực lượng kiểm tra, kiểm soát của Việt Nam, gây khó khăn cho cơ quan giám sát của ta.
Chuẩn bị các phương án sau khi hiệp định hết hiệu lực
Ông Nguyễn Văn Trung- đại diện Uỷ ban Liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam cho biết, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá đã xác định rõ phạm vi và tạo ra được một khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác phát triển kinh tế các vùng biển và thềm lục địa của mình trong Vịnh Bắc Bộ.
Theo ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NNPTNT, với tình hình thực tế đang diễn ra trên biển, nhất là những hoạt động vi phạm chủ quyền vùng biển nước ta như việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa biển, kinh tế Việt Nam vừa qua, sắp tới có thể còn nhiều diễn biến khó khăn. “Với số lượng tàu đánh cá lớn thường xuyên hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ, nhất là những tàu không có giấy phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung, họ sẽ lợi dụng công tác kiểm tra, giám sát của ta còn hạn chế mà vi phạm sâu vào vùng biển Việt Nam khai thác thuỷ sản trái phép. Bên cạnh đó, một số tàu cá Trung Quốc lợi dụng giấy phép đánh bắt chung đã hoạt động với mục đích thăm dò, gây rối, phá hoại sản xuất bình thường của ngư dân ta”- ông Tám cho biết. Cũng theo ông Tám, đó là chưa kể tới việc với trang thiết bị ngư cụ hiện đại, Trung Quốc sẽ lấn át ngư trường đối với ngư dân Việt Nam, khai thác quá mức làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản…
Theo nội dung ký kết, Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc chỉ còn 5 năm nữa là hết hiệu lực, sẽ không còn vùng đánh cá chung như hiện tại. Do đó, ông Tám khẳng định, chắc chắn hoạt động khai thác của bà con ngư dân các tỉnh thành ven biển Vịnh Bắc Bộ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Vì vậy, từ bây giờ các địa phương và cơ quan chuyên môn cần triển khai nghiên cứu đánh giá tác động để xác định những giải pháp phù hợp, cần sớm trình Bộ NNPTNT phê duyệt đề án tạm ngừng khai thác có thời hạn để đảm bảo hoạt động nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ phát triển bền vững.
Ông Tám cũng cho biết, trong 5 năm cuối thực hiện hiệp định, Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương nghiên cứu, đề xuất phương án hỗ trợ cho ngư dân, đồng thời khi hiệp định hết hiệu lực ngư dân hai nước tuân thủ nghiêm túc hiệp định đã ký kết cùng với đó đề nghị chính phủ tăng cường đầu tư trang thiết bị cho lực lượng kiểm ngư để đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ ngư dân.