Vào làng để ăn đòn oan
Chiều tối, chúng tôi đến xóm 2, xã Nghi Long (Nghi Lộc) thì thấy đầu xóm có một chiếc barie được làm bằng sắt vững chắc chắn ngang đường. Ông Phan Văn, sống gần barie này cho biết: Sáng kiến lập barie chống cẩu tặc của xóm 2 đã được chính quyền xã nhân rộng. Chưa đầy 2 năm, xã Nghi Long đã xây dựng được hơn 100 barie chống trộm chó.
Một barie chống cẩu tặc ở Nghi Lộc. |
Theo quy định, các vào 22 giờ hàng ngày là các barie sẽ có người khóa lại cho đến 5 giờ ngày hôm sau mới mở ra. Người dân các xóm có việc muốn ra ngoài trong "giờ giới nghiêm" này nhiều khi cũng gặp rắc rối. Các trường hợp ốm đau, bệnh tật phải đi cấp cứu gấp trong đêm thì phải báo cho người giữ khóa để mở cửa. Khách đến chơi thì 22 giờ đêm phải về vì sau giờ đó barie đã khóa.
Chị Phan M sống ở cuối xóm, cười như mếu: “Cứ như thế này thì có khi con gái trong làng ế chồng mất thôi!”.
Tại xóm Xuân Phúc (xã Nghi Xuân) người dân vừa sáng tạo biện pháp chống trộm chó chẳng giống ai. Đó là huấn luyện chó không được sủa vì sợ bị cẩu tặc phát hiện, bắt mất.
Còn tại đầu xóm Bùi, xã Công Thành (huyện Yên Thành) hiện vẫn còn chiếc khung xe máy của bọn trộm chó bị đốt cháy kèm tấm bảng ghi dòng chữ: “Xe ăn trộm chó” được treo trên cột điện. Người dân xóm này cho biết họ làm vậy để thị uy, cảnh cáo những tên trộm chó khác. Có nhiều làng khác trên địa bàn Nghệ An, người dân còn sắm gậy, tuýp sắt, câu liêm thủ sẵn trong nhà. Mỗi khi nghe kẻng báo động có trộm chó là dân làng cầm vũ khí chạy ra đường để diệt cẩu tặc.
Nhiều làng hễ thấy có người lạ chạy xe máy vào là lập tức người dân nhìn săm soi xem kẻ lạ có mang theo đồ nghề trộm chó hay không. Chuyện cảnh giác này từng khiến một thầy giáo suýt mất mạng oan.
Chuyện xảy ra vào đêm 2.9.2011, anh Phạm Văn Tấn - giáo viên Trường Tiểu học xã Mã Thành, huyện Yên Thành đi lạc đường vào xóm 3, xã Văn Thành (huyện Yên Thành). Người dân tưởng thầy Tấn là cẩu tặc nên đã hô hoán rồi bao vây và đánh thầy Tấn đến ngất xỉu. Chiếc xe máy của thầy Tấn bị người dân mang rơm châm lửa đốt cháy trơ khung sắt.
Mức án chưa thích đáng
Người dân xứ Nghệ có ngàn lẻ một cách chống cẩu tặc nhưng nạn trộm chó vẫn không hề thuyên giảm. Tình trạng này đã nhen nhóm thành ngọn lửa phẫn nộ trong cộng đồng dân cư và là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ án mạng xảy ra trên địa bàn.
Theo nhiều luật sư, nạn trộm chó sở dĩ không ngăn chặn được là do bản án không làm tội phạm chùn tay. Do định tội, định khung tội trộm mà định lượng tài sản thấp, hành vi trộm chó không thể xử ở mức án cao như mong muốn của số đông. Trên thực tế, đối tượng trộm chó thường nhận mức án từ 6 tháng đến 3 năm tù nên chúng không chùn tay.
Trung tá Cao Bá Tuyết- Đội phó Đội cảnh sát hình sự Công an huyện Nghi Lộc cho biết: Từ năm 2011 đến nay, đơn vị đã bắt, xử lý gần 40 vụ trộm chó, rất nhiều thanh niên bị truy tố. Nhưng do giá trị tài sản không lớn nên thủ phạm khi bị xét xử chỉ ngồi tù một thời gian ngắn.
Theo ông Tuyết, tất cả các vụ đánh chết người trộm chó, cơ quan công an đều khởi tố vụ án để điều tra nhưng vì "đánh hội đồng" nên rất khó tìm được hung thủ gây án chính. "Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho người dân hiểu đánh người là vi phạm pháp luật, nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến" - ông Tuyết nói.
Nhiều luật sư cho rằng không chỉ có những vấn đề về pháp lý cần phải điều chỉnh mà còn cần có những biện pháp khác để ngăn chặn vấn nạn trộm chó.
Hàng quán bán thịt chó quá nhiều nhưng rất thiếu nguồn cung vì người nuôi chó để bán rất hiếm hoi. Việc thiếu nguồn cung dẫn tới hình thành một đường dây từ việc trộm chó đến thu mua, phân phối cho thị trường.
Do đó cần phải đưa thịt chó vào diện thực phẩm có kiểm soát, thịt chó đều phải có nguồn gốc chăn nuôi, kiểm dịch. Khi đầu vào của các quán thịt chó không còn dễ dàng thì cẩu tặc không còn đất sống.
Lê Hà