Dân Việt

Trọng Tấn tiết lộ về tuổi thơ học hát theo kiểu "phở ngó"

Lê Tâm 22/09/2014 11:55 GMT+7
Khi những nốt nhạc của bài “Tự nguyện” vừa dứt trên sân khấu, khán giả ào lên tặng hoa Trọng Tấn, có một phụ nữ đứng tuổi chen lên đầu tiên, bà và Trọng Tấn ôm lấy nhau khá lâu. Rồi bà lùi về một góc dưới khán phòng, đứng nhìn lên và rơm rớm nước mắt…

Những cuộc gặp gỡ đặc biệt

Tan chương trình biểu diễn In the Spotlight của ca sĩ Trọng Tấn vào tối 20.9, tôi nán lại ở một góc sân khấu quan sát. Trên sân khấu, người hâm mộ ào lên tặng hoa, chụp ảnh cùng ca sĩ mà mình yêu mến, dưới khán phòng, có một người phụ nữ đứng tuổi lặng yên đứng nhìn khung cảnh ấy với một khuôn mặt xúc động và đôi mắt lấp loáng nước. Đó là giảng viên thanh nhạc Minh Huệ- người thầy đầu tiên của ca sĩ Trọng Tấn khi anh từ Thanh Hóa ra Hà Nội.

Trọng Tấn kể lại, hồi đó anh là một thằng bé đen nhẻm gầy gò từ quê ra Hà Nội, tiền không có, một nốt nhạc bẻ đôi không biết, đi một bước cũng lạc đường. Đến dự thi vào Nhạc viện mới biết, để thi vào thì phải luyện trước từ 2-3 tháng, lúc ấy các lò luyện đều đã đông, chẳng có ai nhận Trọng Tấn, vả lại cậu bé từ quê ra cũng chẳng có tiền. Thế là học theo kiểu “phở ngó”, chờn vờn ở vòng ngoài rồi tự hát theo, thế mà giọng hát ấy, hoàn cảnh ấy đã lọt vào mắt cô Minh Huệ, khi đó đang là vợ của NSND Trần Hiếu. Cô đã đứng ra dìu dắt Trọng Tấn, cùng với NSND Trần Hiếu, đã xem anh như con và là 2 người thầy đầu tiên đưa Trọng Tấn đến với những kỹ thuật đầu tiên của thanh nhạc.

Phải kể ngọn nguồn như thế để thấy vì sao khi chương trình kết thúc, cô Minh Huệ là người lên sân khấu đầu tiên để ôm Trọng Tấn, và nhìn thành công của anh như thành công của con trai mình.

Một cuộc gặp gỡ xúc động khác là NSƯT Kiều Hưng, người tuy chẳng dạy Trọng Tấn ngày nào, nhưng anh đã học từ ông một phong cách hát thính phòng mang đậm chất dân gian. Biết ông từ Đức về nước hát trong Giai điệu Tự hào, Trọng Tấn đã mời ông ở lại để xuất hiện trong chương trình riêng của anh, và nghệ sĩ đã đồng ý, đổi vé bay để ở lại thêm hơn nửa tháng... Và trên sân khấu, một già một trẻ, một tre một măng, một bóng lớn tỏa mát và một cây non đang lừng lững trưởng thành đã cùng nhau cống hiến cho khán giả một màn biểu diễn vô cùng xúc động ca khúc “Bài ca trên núi”, khiến cả khán phòng vỡ òa trong niềm phấn khích.

Tỷ phú trong âm nhạc

Trong liveshow của riêng mình, Trọng Tấn đã làm khán giả thỏa mãn đủ mọi cung bậc, xúc động hào hùng, lắng sâu nồng nàn, khỏe khoắn dày dặn và chứa chan trong trẻo. Nghe Trọng Tấn hát mới thấy hết được sự thích thú của việc chứng kiến một người giàu có… tiêu tiền, nếu có thể ví von kỹ thuật thanh nhạc, cảm xúc và tố chất giọng hát của anh như một gia tài tiền tỷ. Bởi giàu có thật sự, nên bài hát nào của Trọng Tấn cũng hoàn hảo, cũng phô bày hết được mọi vẻ đẹp, những kỹ thuật của thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ được đan xen hòa quyện vào nhau khiến khán giả thực sự đã tai. Sự tự tin đó, người giàu xổi hay hạng trọc phú trong âm nhạc không bao giờ có được, bởi không phải ai cũng như Trọng Tấn, đã cặm cụi nhặt nhạnh từng “đồng xu kỹ thuật”, từng “đồng hào cảm xúc” mà những thế hệ trước đã tin cậy truyền lại cho anh.

Trọng Tấn làm người nghe bất ngờ nhất khi anh hát dòng dân gian, những “Trăng sáng đôi miền”, “Khúc hát sông quê”, “Câu hò bên bờ Hiền Lương”… khiến khán giả lặng đi vì bị chinh phục. Một tiếng hát đẹp đẽ nuột nà như thế, một cảm xúc tinh tế như thế, một kỹ thuật vững vàng như thế, Trọng Tấn có thể soán ngôi của bất cứ ngôi sao nam của dòng nhạc dân gian nào. Bởi vậy giữa những tràng pháo tay của khán giả, là những tiếng xuýt xoa: “Trời ơi hay thế”, “Đã quá”…

Phần kết hợp với Thanh Lam cũng làm sân khấu vỡ òa, song ca với đàn chị 3 ca khúc “Người chiến sĩ ấy”, “Giọt nắng bên thềm” và “Gọi anh” xong, Trọng Tấn dí dỏm thú nhận: “Thật khó để làm một người đàn ông lừng lững phía sau Thanh Lam” để ám chỉ vóc dáng bé nhỏ của mình. Nhưng có hề gì đâu chứ, dù vóc dáng bé hạt tiêu, dù không có ngoại hình Hàn Quốc như các ca sĩ thời thượng bây giờ, Trọng Tấn vẫn là một vị hoàng tử đẹp đẽ và đầy uy quyền của dòng nhạc đỏ.

Tôi đã từng dõi theo Trọng Tấn suốt 15 năm nay, từ khi tôi bước chân vào nghề báo và cũng là khi Tấn có giải Nhất Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1999. 15 năm qua chưa bao giờ Trọng Tấn làm cho nhiều nhà báo, trong đó có tôi thất vọng, kể cả khi anh dính “scandal” bỏ diễn một cách oan uổng làm công chúng xôn xao. Khi Trọng Tấn không còn làm thầy nữa, thương nhất là những học trò của anh, những cậu trai từ quê ra phố, được Tấn đỡ đần về học thuật và đôi khi cả chút ít tiền vì anh quá thấm cảnh nghèo của mình thuở xưa. Sợi dây tình nghệ sĩ và tình người đã được nối dài nhờ những con người như vậy.

Thật hạnh phúc khi trong cuộc đời này, chúng ta có được những người xa lạ, chẳng phải thân thích ruột rà nhưng họ xứng đáng để tin yêu, như là Trọng Tấn.

 Dù vóc dáng bé hạt tiêu, dù không có ngoại hình Hàn Quốc như các ca sĩ thời thượng bây giờ, Trọng Tấn vẫn là một vị hoàng tử đẹp đẽ và đầy uy quyền của dòng nhạc đỏ.