“Bar du thuyền” băm nát vườn hoa Lý Tự Trọng
Cứ 21h30 mỗi đêm, khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng trở nên tấp nập dòng phương tiện xe máy, ô tô nối đuối nhau lao lên phần nền gạch của vườn hoa Lý Tự Trọng đi xuyên qua mặt của tòa nhà Ban quản lý Hồ Tây để đi tới du thuyền bar Taboo.
Nhiều người dân khi chứng kiến cảnh tượng trên đã bày tỏ bức xúc rằng: “Ban ngày tất cả các “cửa ngõ” vào vườn hoa được chắn bằng rào sắt khiến người đi bộ cũng gặp khó khăn thế mà cứ đến đêm là để cho nhóm bảo vệ của nhà hàng Taboo tự tung tự tác dựng hẳn một biển hiệu sáng rực ngay trước vườn hoa rồi thản nhiên đón khách và lấy vườn hoa làm “con đường giao thông” cực kỳ thuận tiện”.
Cũng theo người dân thì hình như cơ quan quản lý quận Tây Hồ "kém mắt" khi để hiện tượng này xảy ra trong nhiều năm trời hoặc đã có sự thỏa thuận ngầm giữa đôi bên. Lần theo dòng phương tiện đi vào “Bar du thuyền”, khi vừa đi lên vỉa hè chỗ dựng biển hiệu Taboo, hai bảo vệ mặc áo trắng nhanh như chớp đứng sát lại hỏi “Đi vào Taboo hay vệ hồ”.
Một người dân đi ngay sau xe của phóng viên nói rằng muốn đi ra vệ hồ ngay lập tức bị 2 bảo vệ yêu cầu đi lối khác vì con đường này chỉ dành cho các dân chơi vào quán bar để chứ không cho dân thường đi vào.
Chỉ vừa đi tới khu nhà để xe được thiết kế ở phần ngoài rìa của bar Taboo, tiếng nhạc đập chát chúa đã dội mạnh từ bên trong du thuyền vọng ra. Sau khi gửi xe, khách chỉ cần đi bộ thêm vài chục bước là tới khu “bar du thuyền”. Đứng trong quán bar Taboo, không ai nghĩ mình đang ở trong một nhà hàng nổi vì quán bar được thiết kế y hệt những chốn vũ trường ăn chơi trên cạn. Màn hình lớn, hệ thống đèn nháy, âm thanh cực đại bố trí khắp khoảng không gian chỉ rộng vài chục mét.
Khác với những năm trước, thời gian gần đây, bar Taboo tập trung khách hàng chủ yếu là các nam thanh, nữ tú. Không chỉ có rượu manh, nhạc bốc, ở Taboo cũng có những DJ sexy chơi nhạc và những dịch vụ tổ chức sinh nhật cho nhóm nên thu hút đông đảo người tui tới.
Bất chấp hết hạn đăng kiểm để kinh doanh
Do làm quán bar trên du thuyền nên hằng đêm, tiếng nhạc đập mạnh vang vọng khắp một góc Hồ Tây, đi trên đường Thanh Niên cũng có thể nghe thấy những tiếng “ùng ùng, ịch ịch” liên hồi. Hàng loạt nhà dân phía đường Thụy Khê và Hoàng Hoa Thám kêu trời vì mất ngủ khi cứ phải chịu đựng những âm thanh nhức nhối từ bar Taboo vọng tới. Thêm nữa, quán bar Taboo này đang bất chấp lệnh đình chỉ hoạt động của cơ quan chức năng.
Phòng Cảnh sát chống tội phạm về môi trường (PC49) đã kết hợp cùng với công an quận Tây Hồ đã vào cuộc điều tra, rà soát và phát hiện ra hàng loạt sai phạm của các nhà hàng đang kinh doanh trên mặt nước hồ Tây.
Trong số đó, nổi cộm là nhà hàng của Công ty xúc tiến thương mại và dịch vụ Tây Hồ không quan trắc, giám sát môi trường theo định kỳ và xả thải vào nguồn nước không có giấy phép theo quy định của pháp luật với lưu lượng từ 5m3/ngày, đêm, ban đêm con số xả thải lên tới 50m3/ngày, đêm.
Du thuyền của công ty này cũng đã hết hạn đăng kiểm và đang làm thủ tục xin cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ quán bar từ nhiều năm nay mà không hề có sự can thiệp của cơ quan chức năng nào.
Từ lâu nay, việc kinh doanh nhà hàng du thuyền trên hồ Tây đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, hoạt động của các nhà hàng kinh doanh này đang thiếu sự quản lý chặt chẽ. Hiện trên hồ Tây có đến hàng chục tàu thuyền sử dụng vào mục đích kinh doanh. Các tàu thuyền chủ yếu tập trung ở khu vực Thụy Khuê, dọc đường Thanh Niên, trên mặt hồ Tây và hồ Trúc Bạch...
Điều đáng chú ý là ở góc hồ Tây gần đường Thuỵ Khê (quận Tây Hồ, Hà Nội), nơi tập trung lượng nhà hàng lớn nhất đang gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước. Các du thuyền, nhà nổi hoạt động tại khu vực này đã thải dầu mỡ ra mặt hồ. Bên cạnh đó, các nhà hàng kinh doanh ăn uống trên mặt hồ không có hệ thống xử lý rác thải.
Tại đây, mặt nước đen đặc, bốc mùi hôi thối, rác thải đọng kết thành mảng dạt vào gần bờ. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã tới mức báo động. Một khung cảnh hồ Tây đẹp đẽ đã không còn mà thay vào đó là sự dơ bẩn ở khu vực này.
Trước tình trạng gây ô nhiễm nghiêm trọng từ các tàu thuyền, Sở GTVT Hà Nội đã nhiều lần ra quyết định tháo dỡ tàu thuyền kinh doanh trên mặt hồ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, nhà nổi, du thuyền lại tập trung kinh doanh trở lại và tiếp tục xả rác xuống hồ Tây.