Dân Việt

"Bạn tù" của ông Chấn được kháng nghị giám đốc thẩm

Xuân Lực 23/09/2014 15:27 GMT+7
Viện KSND Tối cao vừa có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy bản án hình sự phúc thẩm đối với Nguyễn Văn Hoà (SN 1973, trú tại huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh), người bị kết án chung thần về tội “giết người” để điều tra lại từ đầu. Phạm nhân Hòa hiện đã thụ án tù chung thân hơn 10 năm tại trại Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc), nơi ông Nguyễn Thanh Chấn từng thụ án oan.

Mới đây, ông Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao vừa thay mặt Viện trưởng VKSND Tối cao ký bản kháng nghị giám đốc thẩm số 27/QĐ-VKS về việc kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 1115/2005/HSPT ngày 26.10.2005 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội để đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm số 92/2005/HSST ngày 20.5.2005 của TAND tỉnh Quảng Ninh để điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.

Kháng nghị của Viện KSND Tối cao cho biết, tại Bản án Hình sự phúc thẩm số 1115/2005/HSPT ngày 26.10.2005 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân (TAND) Tối cao tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm số 92/2005/HSST ngày 20.5.2005 của TAND tỉnh Quảng Ninh đã kết án bị cáo Nguyễn Văn Hòa (SN 1973, ở xã Hà An, Yên Hưng (nay là Thị xã Quảng Yên), Quảng Ninh) tù chung thân về tội "giết người".

img

Phạm nhân Hòa hiện đang thụ án tại Trại giam Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo bản án phúc thẩm số 1115/2005/HSPT ngày 26.10.2005 của Toà Phúc thẩm TAND Tối cao thì nội dung vụ án như sau:

Trưa 1.8.2014, gia đình ông Nguyễn Văn Lãm ở xã Hà An, huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên), tỉnh Quảng Ninh có khách nên để nhờ một chiếc xe taxi tại quán nhà anh Nguyễn Hữu Chiến cùng xóm.

Khoảng 13h cùng ngày, anh Chiến cùng Vũ Trọng Hiển, Bùi Huy Tuyên và một số người khác đi uống rượu về thấy xe ô tô trong quán, Chiến và Hiển gọi Vũ Công Sơn (cháu họ ông Lãm) và Nguyễn Hợp Tác (lái xe taxi) đòi tiền gửi xe, dẫn đến xô xát đánh nhau. Sơn chạy vào nhà ông Lãm kể lại sự việc. Ông Lãm cùng con trai là Nguyễn Văn Hòa và một số người trong gia đình đi ra. Hòa gặp Chiến ở sát cây cột điện trước cửa quán nhà Chiến, Hòa hỏi: “Mày cần gì?”, Chiến nói: “Ông kia đánh tôi”. Lập tức, Hòa tiến lại gần Chiến, rút dao nhọn mang sẵn trong người đâm một nhát vào ngực Chiến. Lúc này, Hiển và Tuyên lao vào đánh Hòa nên ông Lãm xông vào đánh Hiển, Tuyên. Chiến bị đâm bỏ chạy được một đoạn thì gục ngã, sau đó tử vong trên đường đi cấp cứu.

Quá trình điều tra, Cơ quan VKSND Tối cao đã xét thấy, toà án 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào lời khai của những người làm chứng như Bùi Huy Tuyên, Vũ Trọng Hiển, Vũ Thị Thu, Phạm Thị Quyên, Vũ Thị Trinh để kết tội Nguyễn Văn Hòa về tội “giết người”. Tuy nhiên, lời khai của các nhân chứng có nhiều mâu thuẫn.

“Trong những người làm chứng ở trên, Vũ Trọng Hiển và Bùi Huy Tuyên đứng rất gần Hòa và Chiến, đồng thời là người vào đẩy Hòa ra, vật lộn với Hòa nhưng nhưng Hiển và Tuyên không nhìn thấy Hòa cầm dao, trong khi những người khác lại nhìn rất rõ Hòa cầm dao và mô tả chi tiết đặc điểm con dao là không thuyết phục”, bản kháng nghị giám đốc thẩm số 27/QĐ-VKS ghi rõ.

Kháng nghị của VKSND Tối cao đã khẳng định, hồ sơ vụ án còn một số vấn đề chưa được làm rõ như: Quá trình điều tra không thu giữ được hung khí gây án, Cơ quan điều tra thu giữ chiếc áo của Hòa có dính máu nhưng không tiến hành giám định mẫu máu xem có dính máu nạn nhân hay không.

Đối với Nguyễn Văn Hòa, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án, Hòa không nhận tội và chỉ khai: Khi Hòa đi ra thì gặp Hiển, đánh nhau với Hiển và bị 3-4 thanh niên đánh. Sau đó, Hòa được bà Miến là mẹ của Hòa kéo về nhà. Từ khi ra hiện trường cho đến lúc đánh nhau xong, Hòa không hề tiếp xúc với Chiến. Bị cáo không nhận tội, lời khai của bị cáo và các nhân chứng có nhiều mâu thuẫn nhưng không tiến hành đối chất giữa bị cáo với các nhân chứng, giữa các nhân chứng với nhau.

Cũng theo kháng nghị của VKSND Tối cao: Nguyễn Hợp Tác và Vũ Công Sơn là những người xô xát với anh Chiến đầu tiên, đồng thời có nhân chứng khẳng định Tác và Sơn là người tiếp xúc với Chiến trước khi anh Chiến bị đâm (Tác cầm tô vít). Tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo Hòa và ông Lãm cho rằng, Tác và Sơn mới là người đâm chết Chiến nhưng Nguyễn Hợp Tác không có mặt tại phiên tòa.

Ngoài ra, theo thống kê tài liệu có trong hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh lập ngày 29.11.2004, và mục lục tài liệu trong hồ sơ do VKSND tỉnh Quảng Ninh lập ngày 12.2.2005 đều có thống kê biên bản ghi lời khai của Vũ Công Sơn và Nguyễn Hợp Tác. Nhưng hiện nay hồ sơ vụ án thiếu nhiều bút lục trong đó có biên bản ghi lời khai của Nguyễn Hợp Tác và Vũ Công Sơn.

Từ những căn cứ trên, Viện KSND Tối cao cho rằng, để có căn cứ vững chắc xác định hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Hòa cần phải huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên trước đó để điều tra lại.