Các đại biểu đã thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy một loạt các quyền lợi của lao động di cư như: Tiền lương; chế độ phúc lợi, giờ làm, nơi ở… Một cuộc điều tra từ Tổ chức Lao động quốc tế trong năm 2010 cho thấy: có gần 13 triệu lao động từ ASEAN rời khỏi khu vực để tìm việc làm và có khoảng 4,1 triệu lao động di cư sang các nước trong khu vực ASEAN làm việc. Đa phần là lao động phổ thông, tay nghề thấp (chiếm 87% lao động di cư). Đây cũng chính là đối tượng lao động dễ bị bóc lột.
Bà Lê Kim Dung – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH) cho biết, Việt Nam hiện là 1 trong 3 quốc gia có lao động di cư nhiều nhất (cùng với Philippines; Indonesia) trong khu vực ASEAN. Hiện tại Việt Nam có khoảng 500.000 người đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc hình thành khối lao động chung ASEAN vào năm 2015 sẽ là tiền đề lớn để thúc đẩy di cư lao động của Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động.