Dân Việt

Kỳ án vườn mít: Một nhân chứng tố cáo Lê Bá Mai bị đổ tội oan

24/09/2014 19:45 GMT+7
“Nếu không nói ra sẽ day dứt lương tâm, dù không hề có bà con thân thích gì với thằng Mai”, nhân chứng Nguyễn Thị Hảo nói.
Bà Nguyễn Thị Hảo (quê ở Bắc Giang) vào xã An Khương, huyện Bình Long (nay là huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) sống từ năm 1990. Bà lấy một người chồng dân tộc Stiêng và rất rành tiếng dân tộc. Trong kỳ án vườn mít mà Lê Bá Mai bị cho là bị can hiếp dâm rồi giết người, bà Hảo cho biết bà là nhân chứng rất đặc biệt về những tình tiết chứng minh Mai bị oan.

img
Bà Nguyễn Thị Hảo (bên phải) cho biết bà là nhân chứng rất đặc biệt về những tình tiết chứng minh Mai bị oan.


Trước phiên xử phúc thẩm lần thứ ba vào tháng 8.2013, bà Hảo có đơn gửi luật sư nêu rõ bà sẵn sàng ra trước tòa làm nhân chứng, luật sư đã nộp cho tòa nhưng lá đơn này không được cả viện kiểm sát lẫn tòa án xem xét. Nay bà Hảo lại tiếp tục làm đơn xin nói ra những điều bà biết được trong quá trình 10 năm theo dõi vụ án để minh oan cho Mai. “Nếu không nói ra sẽ day dứt lương tâm, dù không hề có bà con thân thích gì với thằng Mai”, bà nói.

Buổi nhậu bàn kế đổ tội

Bà Hảo biết về nạn nhân Thị Út khá rõ. Theo bà Hảo, ngày Thị Út bị cơ quan tố tụng xác định là mất tích (ngày 2.11.2004), trong sóc (làng) mọi sinh hoạt vẫn bình thường, không có gì lạ. Bà nhớ lại: “Hổng có ai biết tới nữa, gia đình có ai nói đâu mà biết. Nói chung là ngày 12, 13, 14 không có vấn đề gì hết, không ai thông báo cho đầu làng cuối làng biết…".

Tối hôm 15, bà vô tình đi qua nhà ông Ky (tức Điểu Ky, nhân chứng trong kỳ án vườn mít), bà nghe trong đó nhậu đông lắm, bảy - tám người gì đó, nói chuyện bằng tiếng dân tộc: “Ngày mai đổ hết cho thằng Mai”. “Ngày mai đổ hết cho thằng Mai thì mới đuổi ông Tuân ra khỏi đất này”.

"Tại vì người dân tộc cho rằng ông Tuân chiếm đất của dân tộc không hà” - bà nói. Bà nghe được những lời này là khi đi ngang nhà ông Điểu Ky vào khoảng 19h tối ngày 15.11.2004.

Khi nghe thấy sự bàn tán bất thường như vậy tại nhà ông Điểu Ky, bà Hảo nghĩ: “Ủa, thằng Mai nó làm cái gì mà đổ hết tội cho nó?”. Bà không biết vụ cháu Thị Út mất tích. Đám nhậu ồn ào quá nên bà Hảo không nhận ra giọng của người nào với người nào. Một hồi chó sủa lớn, sợ bị lộ nên bà bỏ đi.

Lý giải mâu thuẫn giữa người dân tộc với ông Dương Bá Tuân, chủ trang trại nơi Lê Bá Mai làm công, bà Hảo cho biết khi bà đi vào trong sóc của người dân tộc Stiêng, có người dân tộc hỏi bà: “Sao mợ cứ binh (bênh - PV) ông Tuân, binh lính của ông Tuân?”. Bà nói: “Người ta làm gì mà mày ghét?”. Người đó đáp: “Chiếm đất”.

Bà nói: “Mày có biết nguồn gốc đất ở đâu ra hông? Đất đó là đất của lâm trường, Lâm trường Bình Long”. Ông Tuân mua lại đất Lâm trường Bình Long, được cấp giấy đỏ hợp pháp. Người dân tộc thì không thấu hiểu được, họ chỉ nghĩ khu đất đó hồi xưa là của lâm trường, người dân tộc phá cây làm rẫy, làm một năm lại bỏ rồi sang chỗ khác phá cây làm rẫy tiếp… mà cứ nghĩ mình phá xong là đất của mình.

Rồi vụ Mai xịt thuốc diệt cỏ, trước khi xịt Mai đã nói với mấy thằng chăn trâu: “Mình xịt thuốc rồi nha, đừng có thả trâu ra đây ha”. Nhưng kiểu trâu bầy thì chúng tạt qua không, giữ không được. Sau vụ đó thì tới vụ án cháu Thị Út chết.

Bất thường trong ngày phát hiện thi thể nạn nhân

Theo lời bà Hảo, ngày 16.11.2004, khoảng 9h, bà đang ngồi uống nước tại quán cà phê của bà Tư ở gần vườn mít, có người nói: “Trời, sao dưới nhà ông Ky đông quá trời, đông lắm”. Bà Hảo hỏi: “Ở đâu? Tổ chức gì vậy?”. Bà nghĩ tối hôm qua nhóm người ở nhà ông Điểu Ky nói vậy không biết Lê Bá Mai có bị gì không. Bà liền đi bộ xuống thấy nhà ông Điểu Ky tụ tập rất đông người. Ông Điểu Ky nói chia làm hai nhóm: Một nhóm xuống chòi của ông Tuân, một nhóm đi thẳng tới chỗ có thi thể cháu Thị Út.

Bà Hảo kể: “Lúc bấy giờ làm sao biết được xác ở đâu mà kiếm. Tôi lẳng lặng đi theo sau. Tôi đi xuống trang trại ông Tuân, tôi tưởng tụi nó vô trang trại mà tụi nó không vô. Nó đi ngang qua thôi, một đám nó đi thẳng ra đám mì mà ông Dùm đang mướn ở ngoài trồng. Thì ra ngoài đó tôi thấy thằng Mai đang trồng mì, tụi nó quây, tụi nó đánh ngoài đó. Lâu quá rồi, khoảng 9 giờ, 9 giờ mấy là cao, tôi hỏi: “Ủa sao tụi bây quýnh (đánh – PV) thằng Mai vậy?” thì có người dân tộc nói: “Tại vì thằng Mai nó chở con Út đi nó bỏ ở đâu rồi”. Tôi nói: “Hồi nào, sao tao hông nghe?”. Nó nói: “Chở từ hôm 12 rồi”. Tôi nói: “Hôm 12 sao hôm 12 không đi kiếm, giờ uýnh người ta?”. Tôi nói dứt câu cái tôi thấy đám ông Ky đi, tôi theo sau. Đi ra tới chỗ cây da, tại vì cái đường đi ra đó có cái suối, rồi cái suối nữa, nước tới đây làm sao lội được, chảng ngã ba suối đó, còn nước nhiều lắm. Tụi nó đi vòng qua đường bên này, lô đó hồi ông Tuân trồng mấy cây tràm, tôi đi đến đó tôi chẳng đi nữa, tôi mệt tôi ngồi lại bỏ gói thuốc tôi hút, hút chưa hết điếu thuốc thì tôi nghe thấy bên đó kêu “thấy rồi”, lúc bấy giờ tôi mới đi theo qua”.

Theo lời kể này của bà Hảo, tình tiết bất ngờ là không phải sau khi phát hiện thi thể cháu Thị Út thì người dân tộc mới đánh Lê Bá Mai, mà ngay khi chia làm hai nhóm, nhóm đi tìm cháu Thị Út chưa phát hiện ra thi thể của cháu thì nhóm đến chòi ông Tuân đã vây đánh Mai rồi...