Dân Việt

Đua nhau bán đất mặt ruộng lúa

Huỳnh Xây 25/09/2014 06:56 GMT+7
Do không có đất nung gạch nên một số chủ cơ sở làm gạch ở các địa phương vùng ĐBSCL, nhất là tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre tìm đến một số xã thuộc huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) để mua đất sét mặt ruộng (đất sản xuất lúa). 

Khai thác hơn 100ha đất mặt ruộng

Ngày 24.9, theo ghi nhận của phóng viên NTNN tại các ấp thuộc xã Song Lộc (huyện Châu Thành) như: Nê Có, Trà Uôn, Láng Khoét… nhiều diện tích đất mặt ruộng đã bị bán cho các chủ cối (chủ máy cối, phương tiện dùng để ép đất sét ra thành từng khối). Sau khi ép đất ra từng khối, các chủ cối dùng ghe vận chuyển ra sông lớn bán lại cho các chủ cơ sở làm gạch.

Bà Huỳnh Thị Thu, người dân ở ấp Nê Có có bán đất sét mặt ruộng cho các chủ cối, cho biết: “Các chủ cối mua đất với giá cao, nếu ruộng gần sông, vận chuyển dễ dàng sẽ có giá từ 11 – 12 triệu đồng/1.000m2, nếu nằm xa hơn sẽ có giá từ 5 – 6 triệu đồng/1.000m2. Các chủ cối sẽ thuê nhân công đào bỏ lớp đất mặt từ 8 – 10 cm, sau đó mới thu đất sét ở độ sâu khoảng 40 – 45 cm”.

Theo thống kê của UBND xã Song Lộc, trên địa bàn xã có đến 23 máy cối được các chủ cối đặt cặp các tuyến sông nơi có phương tiện ghe vận chuyển ra vào chở đất đi. Một số chủ cối thông tin, nguyên nhân khai thác đất mặt ruộng ở xã Song Lộc nhiều là do đất khu vực này tốt, ít có tạp chất, ít phèn…Từ tháng 9.2010 đến nay, đã có hơn trăm ha đất mặt ruộng được khai thác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, ngoài xã Song Lộc, các hộ dân ở các xã: Lương Hòa, Lương Hòa A cũng bán đất mặt ruộng cho các chủ cối. Điều đáng quan tâm là ở một số khu vực đất tốt, người dân bán đất và chủ cối còn thỏa thuận lấy đất sét sâu hơn độ sâu 45cm, khiến mặt bằng ruộng không đồng đều, việc điều tiết nước cho lúa trong khu vực sẽ gặp khó khăn.

Như bắt cóc bỏ đĩa



Ông Trần Văn Điều
  
Ngăn chặn bán mặt đất ruộng  gặp nhiều khó khăn, bởi khi kiểm tra, xử phạt chủ cối này thì các chủ cối khác đối phó bằng cách ngưng hoạt động, khi đoàn kiểm tra về thì hoạt động trở lại”.
 
Ngành chức năng các địa phương cho biết, việc khai thác đất sét mặt ruộng sẽ dẫn đến việc xì phèn, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất lúa. Ngoài ra, tình trạng dùng phương tiện ghe vận chuyển đất cũng đã và đang làm sạt lở nhiều khu vực bờ sông. Theo thống kê của Phòng TNMT huyện Châu Thành, từ đầu năm 2013 đến nay, đã kiểm tra, xử lý 31 trường hợp khai thác đất sét trái phép. Qua đó, đã tịch thu nhiều phương tiện, tang vật vi phạm và xử phạt hành chính với số tiền 323 triệu đồng.

 

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với việc khai thác lớp đất mặt, cát giồng và đất sét dưới dạng cải tạo đất sản xuất nông nghiệp. Theo tinh thần chỉ thị trên, UBND huyện Châu Thành đã chỉ đạo các xã tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm.

Thế nhưng, đến nay tình trạng này vẫn còn xảy ra. Ông Trần Văn Điều - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: “Huyện đã giao Phòng TNMT phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất sét trái phép.

Tuy nhiên, việc làm này gặp nhiều khó khăn, bởi khi kiểm tra, xử phạt chủ cối này thì các chủ cối khác đối phó bằng cách ngừng hoạt động, khi đoàn kiểm tra về thì hoạt động trở lại. Hiện công an huyện cũng đang bàn giải pháp xử lý các ghe vận chuyển đất gây sạt lở”.