Mua hàng bằng một cú nhấp chuột
Bán hàng qua mạng hay bán hàng online đã trở nên rất phổ biến trong vài năm trở lại đây. Trước đây, chỉ những doanh nghiệp có website bán hàng mới có thể kinh doanh trên lĩnh vực này (vì giá thiết kế web bán hàng trước đây khá cao). Thế nhưng, với sự phát triển của mạng xã hội facebook và các bộ máy tìm kiếm như google, yahoo, bing, giờ đây bán hàng qua mạng không còn là miếng bánh dành riêng cho doanh nghiệp mà dành cho tất cả mọi người. Nhấp chuột chọn một món hàng trên trang web, 30 phút sau hàng đã được giao đến.
Chị Kim Chung - giáo viên Trường Cao đẳng Cộng đồng (Hà Nội) - công việc bận rộn, về nhà lại con cái nên chị chọn mua hàng qua mạng cho tiện.
“Ban đầu tôi chỉ mua quần áo, sau đó thì mua từ máy xay sinh tố đến sách vở, chổi lau nhà, đồ dùng gia đình, cái gì cũng mua qua mạng hết, họ mang đến tận nhà cho mình, đỡ mất thời gian đi lại” - chị Chung nói. Chị Tường Vân - cán bộ phòng Thi hành án quận Thanh Xuân (Hà Nội) còn lướt các trang mạng để sắm đồ sơ sinh.
“Tôi thấy hàng hóa rất phong phú, có rất nhiều món hàng mua được trên các siêu thị trực tuyến mà không thấy bán ở các chợ hay siêu thị” - chị Vân chia sẻ.
Chính vì sự tiện lợi ấy mà những cửa hàng, siêu thị trực tuyến được mở ra, phát triển với tốc độ chóng mặt thời gian gần đây. Những cái tên Lazada, Sendo, Beyeu, Lamdieu Cdiscount, Lamido, Tiki hay Thegioididong đã khuấy động thị trường bán lẻ trực tuyến. Có doanh nghiệp tiết lộ, chỉ 6 tháng đầu năm nay, doanh thu bán hàng online của họ đã đạt tới 1.000 tỷ đồng.
Theo thống kê, hiện có trên 1.100 doanh nghiệp đăng ký website bán hàng qua mạng tại Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) và khoảng 150 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch. Trên thực tế, số lượng các địa chỉ bán hàng trên mạng lớn hơn rất nhiều do các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch nhưng không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.
Mua rồi miễn đổi
Là một “tín đồ” hàng hiệu, anh Nguyễn Công Định, nhân viên Ngân hàng Agribank tại quận Tân Phú (TP.HCM) thường xuyên sưu tập các sản phẩm thời trang hàng hiệu từ nước ngoài.
Cách đây hơn một tháng, thông qua website “muahanghieu… .vn”, anh Định đặt mua chiếc đồng hồ Rolex (Thụy Sĩ) với giá 650USD, tương đương khoảng 13 triệu đồng. Thấy địa chỉ bán hàng trên chuyên phân phối một số ít nhãn hàng, lại giới thiệu đây là những mẫu hàng cũ, đã qua mùa hoặc hàng trốn thuế nên giá thấp nên anh Định nghĩ mình vớ được món hời, liền hí hửng khoe với bạn bè.
Thế nhưng, chỉ hơn một tuần sau khi nhận hàng, chiếc đồng hồ của anh Định có biểu hiện không phải hàng xịn. Tức vì bị lừa một số tiền lớn, anh Định liên lạc lại với bên bán để phản ánh, liền nhận được câu trả lời như tát nước vào mặt: “Mua đồng hồ Rolex mà có hơn 600USD thì phải biết chắc đó là hàng fake chứ. Thôi cứ an tâm dùng đi, hàng fake loại 1 nên không ai phân biệt được thật giả đâu”.
Chị Lê Ngọc – nhân viên kế toán của một công ty truyền thông trên đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, do tin tưởng vào uy tín của một trang web bán hàng theo hình thức mua chung, chị đặt mua một chiếc mền nỉ cho gia đình.
Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, chị mới biết sản phẩm vừa cũ, vừa dơ, có cả vết bẩn như vết cà phê đổ trên sản phẩm. Không vừa ý, chị gọi điện cho bên cung cấp đòi trả lại, nhân viên tổng đài bảo rằng, muốn trả hàng thì phải mang lên công ty.
Đồng thời, sẽ không được trả lại tiền mặt mà tiền được nạp vào tài khoản để sử dụng mua một món hàng khác của chính công ty. “Đã không có thời gian mới mua hàng trên mạng, tới hồi họ giao hàng lỗi thì lại vặn vẹo đủ lý do để không giải quyết” - chị Ngọc bức xúc.
Nhận xét về thực trạng này, một chuyên gia về thương mại điện tử nhìn nhận: Hoạt động kinh doanh qua mạng phát triển nhanh chóng vì đây là hình thức tiện lợi, người bán không chịu nhiều chi phí đầu tư mặt bằng, kho bãi và quan trọng nhất là thủ tục hoạt động đơn giản. Trên những diễn đàn hoặc các mạng xã hội, việc giao dịch mua bán của các cá nhân hầu như không chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan nào, việc thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn chưa cao.
Còn theo Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINATAS) Vương Ngọc Tuấn, Hội đã nhận rất nhiều đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và cả những trường hợp lừa đảo khi giao dịch mua bán qua mạng. Đa số là hàng hóa được cung cấp có chất lượng kém, không giống như quảng cáo. Thậm chí, có cả hàng gian, hàng giả với xuất xứ đa số từ Trung Quốc.