Dân Việt

Trao nhẫn cho người yêu đã mất để nên duyên vợ chồng

Vụ tai nạn xe khách thảm khốc tại Lào Cai xảy ra vào ngày 1.9 đã qua đi hơn nửa tháng, nhưng dư âm về sự tang thương và cả những câu chuyện trái chiều về tình người, lòng người vẫn không nguôi trong dư luận. Bài viết dưới đây xin gạt bỏ những điều thị phi đó để tôn vinh một giá trị vĩnh cửu của cuộc đời, giá trị đó mang tên: Tình yêu.

Chàng trai Phạm Công Trình ở bài viết dưới đây là một nạn nhân trong vụ tai nạn, anh may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần. Tuy nhiên, người yêu của anh, chị Đỗ Thị Lan lại không có được điều may mắn đó. Lan là một trong số 12 nạn nhân bị tử nạn. Trong đám tang của cô gái, bằng tấm chân tình của mình, Trình đã thuyết phục hai bên gia đình cho mình được trao nhẫn cưới cho người bạn gái xấu số để cả hai thỏa ước nguyện nên vợ, nên chồng.

“Cuối năm này chúng nó cưới nhau!”

Chúng tôi tìm đến nhà nạn nhân Đỗ Thị Lan (24 tuổi) tại làng Hương Mạc, xã Phù Khê, TX.Từ Sơn, Bắc Ninh. Đây là một ngôi làng giao thương và sản xuất tấp nập bởi nghề mộc truyền thống (ngay sát làng Đồng Kỵ). Gia đình Lan cũng theo nghề này. Tuy nhiên, khác với sự nhộn nhịp, sầm uất của những gia đình xung quanh, nhà của Lan nằm ở gần một con đường lớn trong làng nhưng vẫn bị bao trùm bởi sự tang thương, mất mát. Căn nhà lớn chỉ quẩn quanh 3 người: Bà Lan, bố Lan và mẹ Lan. Họ vẫn bần thần vì mất mát đột ngột vừa qua.

img Nạn nhân Đỗ Thị Lan (Ảnh: FB của Lan)

 

Khi biết có phóng viên tới, bà Ngô Thị Tĩnh - mẹ Lan - gắng gượng dậy để ngồi tiếp chuyện tôi. Vẻ mặt vẫn còn hằn sâu đau thương, bà Tĩnh chia sẻ: “Từ ngày con Lan mất, nhà tôi chả thiết làm gì. Lẽ ra, cuối năm nay, nó về nhà chồng rồi. Vậy mà...”. 

Cũng theo lời kể của bà Tĩnh, Lan là con gái cả trong nhà, dưới Lan còn hai em trai nhỏ. Từ nhỏ, Lan đã là niềm tự hào của gia đình bởi sự hiền lành, chịu khó và nhất là thành tích học tập vượt trội của mình so với chúng bạn. “Đi học nó luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đến khi thi vào đại học, nó đậu liền lúc hai trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Hà Nội. Nó chọn học trường kinh tế. Ra trường, cháu nó cũng có công việc ổn định ở một chi cục thuế trên Hà Nội. Gia đình ai cũng mừng cho con bé”, mẹ của Lan chia sẻ.

img Lan và Trình có một tình cảm bền chặt và đáng trân trọng. (Ảnh từ FB của Trình)

 

“Hôm em nó xin đi chơi Sa Pa, nó có gọi điện về xin phép tôi là đi cùng bạn trong cơ quan. Chú đã trả lời là không cho nó đi nhưng sau rồi nó cứ thuyết phục mãi nên chú mới xuôi xuôi. Ai ngờ, đó lại là chuyến đi cuối cùng”, từ trong buồng bước ra, ông Đỗ Văn Kim – bố Lan - nhớ lại.

 Cũng theo lời của bố mẹ nạn nhân Đỗ Thị Lan, đúng vào hôm xảy ra tai nạn, gia đình không thấy có linh cảm gì bất thường. Ngay cả khi nghe thông tin trên báo chí về vụ tai nạn, bố mẹ Lan vẫn tự trấn an rằng con gái mình không có mặt trên chuyến xe định mệnh hôm đó. “Tối hôm xảy ra tai nạn, có tiếng con chim lợn kêu thất thanh gần nhà, tôi vẫn tự trấn an vì trong xóm cũng mới có người chết. Không ai nghĩ tới chuyện cái Lan có mặt trên chuyến xe đó. Tuy nhiên, sự sốt ruột cứ dần tăng thêm khi bố nó gọi điện thoại cho nó 2 lần mà không thấy nghe máy dù vẫn có chuông, vài tiếng sau cũng không thấy nó gọi lại. Thấy vậy ông ý bảo tôi lấy máy của tôi gọi lại. Tuy nhiên, nó cũng không nghe, lúc này, gia đình bắt đầu sốt ruột”, bà Tĩnh nhớ lại.

“Đến khoảng 22 giờ đêm hôm đó, chồng tôi mở điện thoại để xem tin và bắt đầu biết về vụ tai nạn. Tuy nhiên, ông ý vẫn nói với tôi: “Biết thế mình không cho nó đi. Lần này về phải mắng cho nó một trận”. Còn tôi, tôi cũng nghĩ là xe đi du lịch lên Sa Pa cũng nhiều, có lẽ con mình không đi chuyến xe đó. Nói vậy thôi, cô chú như có lửa đốt trong lòng”, bà Tĩnh kể tiếp.

Đến khoảng 23 giờ, gia đình mới nhận được điện thoại từ một người bạn của Lan báo về nói là Lan và bạn trai tên là Trình có đi trên chuyến xe gặp nạn. Bà Tĩnh vội gọi cho bố mẹ Trình thì được biết bố mẹ Trình cũng đang trên đường lên Sa Pa. Lúc này, gia đình Lan vội vàng thuê xe để đi Sa Pa ngay trong đêm. Đến sáng hôm sau tới Sa Pa. Lúc này, bố của Trình cũng đã có mặt trên đó. “Chúng tôi bắt đầu tỏa đi các bệnh viện có nhận nạn nhân trong vụ tai nạn để tìm cái Lan vì trong danh sách các nạn nhân tử nạn thì không thấy có tên cái Lan. Để cho chắc chắn, gia đình tôi xin phép cho được vào nhận diện các nạn nhân trong nhà xác. Gia đình cử chú Bằng (em chồng bà Tĩnh - PV) vào rồi quay ra nói là không thấy có cái Lan trong số các nạn nhân. Nhưng chú ý có nói có một người con gái cũng trạc tuổi cái Lan nhưng nhìn không giống lắm”, bà Tĩnh nói thêm.

Tuy nhiên, khi dò hỏi hết các danh sách, gia đình vẫn không thấy con mình. Lúc này, như có một linh tính mách bảo, gia đình quyết định quay trở lại nhà xác để nhận diện các nạn nhân lần nữa, bà Tĩnh cũng thuyết phục mọi người để trực tiếp được vào nhận diện. “Lần này, chúng tôi hỏi thêm thằng Trình về quần áo mà Lan mặc khi xảy ra tai nạn. Tôi cũng nhớ cái Lan nhà tôi có một nốt ruồi ở bàn chân. Khi nhìn thấy nạn nhân mà chú Bằng nói là không giống Lan, ngay lập tức đã nhận ra đó là con gái mình. Cả quần áo và nốt ruồi đều đúng. Một chút hy vọng mong manh lúc trước vỡ tan. Cả gia đình tôi lúc đó chết lặng vì đau quá”, bà Tĩnh gạt nước mắt khi kể lại những giây phút đó. “Lẽ ra, nếu không có vụ tai nạn này thì cuối năm nay, con gái tôi sẽ làm đám cưới với cháu Trình. Hai bên gia đình cũng đã cơ bản nhất trí rồi. Vậy mà...”, bà Tĩnh nghẹn lời.

Sau 12 giờ đêm ngày 3.9, câu chuyện chưa từng có trong tiền lệ diễn ra: Gia đình Lan đã mở nắp quan tài để Trình đeo vào tay Lan chiếc nhẫn cầu hôn. Họ chính thức nên duyên vợ chồng. Giây phút đó, chẳng ai cầm nổi nước mắt. Hạnh phúc của đôi bạn trẻ tưởng sắp viên mãn đã bị đứt đoạn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, giá trị của tình yêu, tình người được trân trọng đến vô ngần.

“Đám cưới” trong đám tang

Cũng theo bố mẹ Lan, sau khi nhận diện được con gái mình, các cơ quan chức năng tiến hành làm thủ tục tổ chức tang lễ tại bệnh viện cho Lan. Sau đó, họ còn cẩn thận nhờ các nhà sư tụng kinh cầu siêu, rồi mới tiến hành nhập quan. Khoảng hơn 13 giờ chiều ngày 2.9, gia đình bắt đầu đưa Lan trở về quê nhà Bắc Ninh. Sau khi các thủ tục tổ chức tang lễ được tiến hành xong thì một chuyện bất ngờ xảy ra: Trình xin phép bố mẹ gia đình hai bên được trao nhẫn cưới cho Lan để thỏa ước nguyện nên vợ, nên chồng.
img Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc.

Kể về tình yêu của con gái mình, bố mẹ Lan cho biết: Trình và Lan học cùng trường đại học và yêu nhau từ thời còn là sinh viên. Khi cả hai tốt nghiệp ra trường, tình yêu đó vẫn được nuôi dưỡng và phát triển. “Hai đứa nó có thưa chuyện với hai bên gia đình để cuối năm nay sẽ tính làm lễ cưới. Hai bên gia đình cơ bản đồng thuận. Tôi cũng đã có lời mời bố mẹ, gia đình Trình xuống thăm nhà tôi”, ông Đỗ Văn Kim, bố Lan cho hay.

Lan và Trình cũng đã trình bày với gia đình về việc bố mẹ Trình có ý xin việc cho Lan về làm tại một ngân hàng ở Ninh Bình vì nhà Trình ở Ninh Bình, Trình cũng đang làm việc tại đây. Thấy đôi trẻ yêu nhau đã lâu, lại đã đến tuổi dựng vợ, gả chồng nên gia đình Lan cũng đồng thuận với việc tiến tới hôn nhân của Lan và Trình. “Tôi có lời mời bố mẹ, ông bà cháu Trình có dịp về thăm nhà tôi để hai gia đình chính thức đặt quan hệ đi lại. Ở quê tôi, việc hai bên đến thăm nhà nhau chỉ cần trước khi cưới khoảng 1 tháng cũng là đúng tục lệ, ông Kim tiếp lời.

“Suy xét mọi thứ, hai bên thống nhất kế hoạch cuối năm nay sẽ dựng vợ gả chồng cho hai đứa, vậy mà….”, mẹ Lan thở dài.

Tai nạn bất ngờ xảy ra là điều không ai muốn và cũng không ai lường trước được. Chuyện đám cưới tưởng rằng đành gác lại vì mất mát quá lớn. Tuy nhiên, gia đình nhà Lan không ai ngờ Trình đã quyết định xin cưới Lan, ngay trong đám tang để được giữ trọn chữ tình. Một “đám cưới” không trầu cau, không tiếng cười, nhưng cái cốt lõi của nó là sự kết tinh của tình yêu đôi lứa thì vẫn vẹn nguyên. Trình trao cho Lan chiếc nhẫn cưới để thỏa nguyện ước muốn nên vợ, nên chồng.

“Tối ngày 2.9, khi cháu Lan đã nhập quan, Trình có đến gặp tôi và một người chú nữa của Lan và trình bày: Bọn con yêu nhau đã lâu và đã tính tới chuyện thành hôn. Tuy nhiên, vì việc không may này mà Lan ra đi. Con vẫn muốn hai đứa được thỏa ước nguyện nên vợ, nên chồng. Nếu được gia đình cho phép, con xin được trao nhẫn cưới cho Lan. Mong gia đình từ nay về sau coi con như con cái trong nhà”, ông Kim nghẹn ngào kể lại cái giây phút con trẻ nói những lời tuy buồn đau nhưng vẫn tràn đầy tình thương yêu như vậy.
 Bọn con yêu nhau đã lâu và đã tính tới chuyện thành hôn. Tuy nhiên, vì việc không may này mà Lan ra đi. Con vẫn muốn hai đứa được thỏa ước nguyện nên vợ, nên chồng. Nếu được gia đình cho phép, con xin được trao nhẫn cưới cho Lan...” - Phạm Công Trình

“Nó xin phép từ giờ trở đi, nó được coi là con trong nhà chúng tôi và coi cái Lan như vợ mình. Tôi thì rất bất ngờ, nhưng vẫn bảo con phải xin phép gia đình mình về việc này. Nếu được gia đình bên đó đồng ý thì tôi mới đồng ý”, ông Kim cho hay.

Lúc đầu, gia đình Lan không khỏi bất ngờ và bối rối vì đây là chuyện chưa có tiền lệ, lại giữa lúc đau thương. Ông Kim cũng nghĩ là Trình trong lúc đau thương nên không tránh khỏi bồng bột, sốc nổi. Tuy nhiên, ngẫm kỹ lại mọi người cũng thấy hai đứa yêu nhau sâu đậm như vậy, đã tính tới chuyện hôn nhân thì mọi suy nghĩ của con trẻ cũng nên tôn trọng. Người mất thì cũng đã mất rồi, nếu thêm người được thì tốt chứ sao.

Trình có nói là đã xin ý kiến gia đình, và rằng đây cũng không phải là suy nghĩ sốc nổi của Trình mà là ước nguyện của cả Trình và Lan lúc Lan còn sống. Vì thế, gia đình Lan đồng ý để Trình làm thủ tục trao nhẫn cho Lan. Sau 12 giờ đêm ngày 3.9, câu chuyện chưa từng có trong tiền lệ diễn ra: Gia đình Lan đã mở nắp quan tài để Trình đeo vào tay Lan chiếc nhẫn cầu hôn. Họ chính thức nên duyên vợ chồng. 

Giây phút đó, chẳng ai cầm nổi nước mắt. Hạnh phúc của đôi bạn trẻ tưởng sắp viên mãn đã bị đứt đoạn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, giá trị của tình yêu, tình người được trân trọng đến vô ngần.

“Từ đó, gia đình tôi coi Trình như con trong nhà. Tuy nhiên, tôi cũng mong thời gian trôi qua, nỗi đau vơi đi, Trình tìm được hạnh phúc riêng cho mình. Mọi đau thương rồi cũng sẽ qua đi”, ông Kim trải lòng. 
Người Việt mình tốt lắm!

Khi hỏi chuyện, bố mẹ Lan có xác nhận chuyện con gái mình có mất điện thoại sau vụ tai nạn. Và gia đình ông phải rất vất vả mới chuộc lại được chiếc điện thoại này.

Trả lời về những thông tin trái chiều liên quan tới đoàn phượt Phong Vân, cả bà Lan và ông Kim đều đồng tình cho rằng đoàn phượt đã bất chấp nguy hiểm để cứu người. “Gia đình tôi luôn biết ơn và trân trọng những hành động dũng cảm của các thành viên trong đoàn phượt Phong Vân. Việc mất mát, thất lạc về của cải vật chất có xảy ra theo tôi là do một số ít những kẻ xấu lợi dụng hoàn cảnh để trục lợi. Những kẻ này thì thời nào, ở đâu cũng có nhưng chỉ là số ít thôi cháu ạ! Người Việt Nam mình tốt và nhân hậu lắm, nhất là trong lúc hoạn nạn” - ông Đỗ Văn Kim nhìn nhận.
img Nhóm phượt Phong Vân cứu người bị nạn. (Ảnh: Facebook)