Dân Việt

Nàng Sita Lâm Bằng và những câu chuyện chưa từng biết sau đỉnh vinh quang

Thanh Hà (Dòng đời) 28/09/2014 07:31 GMT+7
Ít ai có thể quên nàng Sita – Lâm Bằng ngày ấy đã làm sáng đèn các rạp  suốt thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Sau 20 năm vắng bóng trên sân khấu, phóng viên Dòng Đời đã có cuộc trò chuyện cởi mở với nghệ sĩ Lâm Bằng - nàng Sita về chuyện nghề, chuyện đời. Đặc biệt là sự hy sinh ít ai biết, khi chị quyết định ra đi ở đỉnh cao của vinh quang.

Sau rất nhiều lần thuyết phục, nàng Sita – Lâm Bằng mới đồng ý gặp tôi. Bởi chị khá kín tiếng và rất ngại lên báo. 

Ngấm điệu chèo từ khi còn nằm nôi

Gặp chị, điều khiến tôi bất ngờ, bởi ngần ấy thời gian trôi qua, chị vẫn rất xinh đẹp và quý phái như ngày nào, khi chị được ví là “công chúa của 3 nước Đông Dương”. Ở chị tôi thấy sự nhẹ nhàng, duyên dáng, quý phái toát lên trong từng cử chỉ dễ làm nhiều người lầm tưởng chị là con gái Hà Nội gốc, chứ không phải được sinh ra từ vùng quê Hà Nam. 

img “Nàng Sita” Lâm Bằng và hai cô con gái xinh đẹp của chị (ảnh do nhân vật cung cấp).

Chị bảo, chị may mắn vì được sinh ra trong cái nôi nghệ thuật, nên từ bé xíu chị đã được nghe những lời ru của mẹ, tiếng đàn của chú, giọng hát của cô  và  không biết tự bao giờ những làn điệu chèo ngấm vào chị và chị đam mê nó.

Hơn 10 năm chị đảm nhận vai chính của Nhà hát Chèo Hà Nội,  nhiều vở chị đã đoạt huy chương vàng ở nhiều hội diễn, trong đó phải kể đến 3 vở mà sau đó Lâm Bằng được gắn với cái tên là “nàng công chúa của 3 nước Đông Dương”. Đó là các vở “Nàng Sita” (tác giả Lưu Quang Thuận, Lưu Quang Vũ) trong vai công chúa Sita của nước Campuchia; vở “Mối tình Đuông Na-Ly” (tác giả Bùi Vũ Minh, Bùi Đức Hạnh) trong vai công chúa của nước Lào; vở “Ngọc Hân công chúa” (tác giả Lưu Quang Vũ) trong vai công chúa Ngọc Hân của Việt Nam.

Nhớ lại thời kỳ mới nổi trong vai diễn nàng Sita, nghệ sĩ Lâm Bằng chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in, lúc đó tôi mới chỉ 21 tuổi đang còn rất trẻ con, có hôm sau khi diễn xong ở nhà hát, trên đường  về khu tập thể Nguyễn Công Trứ, tôi đi xe đạp mà khán giả ở hai bên đường cứ nhìn, chỉ trỏ và gọi nàng Sita kìa. Có nhiều khán giả nam còn trêu đùa “Sita ơi, Sita, đừng đi xe đạp nữa, bỏ đi, xe này xấu lắm rồi. Hàng ngày để anh chở Sita đi làm, hay anh mua cho Sita xe khác đẹp hơn”. Cứ thế tôi bị trêu suốt dọc đường về, tôi xấu hổ và ngượng vô cùng, không dám ngẩng lên nhìn mọi người”.

Nghệ sĩ Lâm Bằng cho hay, ngày ấy lứa diễn viên mà bây giờ được gọi là thế hệ vàng như NSƯT Quốc Chiêm, Thúy Mùi, Lan Anh, Quốc Sơn…còn rất trẻ và đầy nhiệt huyết với nghề. Tất cả dường như còn quá ngây thơ cả về kinh nghiệm diễn lẫn kinh nghiệm sống. Khi vở diễn “Nàng Sita” thành công, được nhiều khán giả hâm mộ, yêu mến chị không lường trước được những thị phi, ganh ghét của một số người, nên chưa chuẩn bị tinh thần cho những điều đơm đặt, xúc phạm về mình. Chính vì vậy mà Lâm Bằng đã rất sốc, buồn, suy sụp, nếu như không có sự động viên của các thầy cô giáo, các đồng nghiệp và đặc biệt là của anh Lưu Quang Vũ thì không biết chị sẽ thế nào.

“Anh Lưu Quang Vũ là người sống rất nhân hậu, trách nhiệm và quan tâm tới mọi người. Anh sống hết mình với nghệ thuật nên anh rất hiểu, rất  thương và đồng cảm với  nghệ sĩ chúng tôi. Tôi là một trong những nghệ sĩ may mắn được làm việc với anh qua các vở diễn. Với những nhân vật mà tôi đảm nhận  đã lột tả và chuyển tải được phần nào những suy nghĩ, những tâm tư và những trăn trở  anh đã gửi vào những vở diễn qua các nhân vật của mình. Cho đến bây giờ, khi anh ấy đã đi xa, tôi vẫn nhớ và vẫn khắc ghi lời anh: “Là con người, phải biết chịu đựng, biết vươn lên và biết vị tha”. Câu nói đó của anh dường như đã tiếp thêm nghị lực, tiếp sức mạnh cho tôi mỗi khi tôi gặp khó khăn trong cuộc sống”, nghệ sĩ Lâm Bằng tâm sự.

Hy sinh vì gia đình

Khi được hỏi vì sao đang ở đỉnh cao của vinh quang, chị lại quyết định lui về ở ẩn, từ chối niềm đam mê, ánh đèn sân khấu. Mỉm cười rất ý nhị, chị cho hay, có 3 lý do để chị dừng bước:
img

 

Lý do thứ nhất và cũng là lý do chính chị muốn hy sinh sự nghiệp của mình để lo cho gia đình. Thời điểm đó con gái Lâm Ngọc của chị mới hơn 1 tuổi, chồng chị lại hay đi công tác,  mỗi lần chị đi diễn lại phải gửi con cho hàng xóm, có những lúc cháu sốt cao chị vẫn không thể bỏ diễn để ở nhà chăm sóc con.

Cũng thời điểm đó mẹ chồng chị bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, bố chồng thì già yếu, dù vẫn có người chăm sóc, vẫn có giúp việc, nhưng bà lại muốn có chị ở bên cạnh, chăm sóc cho bà. Trước chuyến lưu diễn dài ngày trong TP.Hồ Chí Minh, bà vừa khóc vừa nói với chị rằng: “Nếu con đi đợt dài như vậy, ai chăm sóc mẹ”. Câu nói của mẹ chồng rất nhẹ nhàng, không hàm ý trách móc, giận hờn, nhưng trong chị lúc đó trào dâng một niềm thương bà và chị không thể đi lưu diễn. 

“Bố mẹ chồng tôi là người trí thức, bố tôi là  nhà giáo. Ông bà là những người rất nhân hậu, đã rất mực yêu thương tôi kể từ ngày tôi về làm dâu, khi ông bà ốm đau tôi luôn bên cạnh nên khi bố mẹ tôi nằm viện các y bác sĩ đã tưởng tôi là con gái. Chính vì vậy tôi quyết định nghỉ diễn để lo cho gia đình”- chị cho hay.

Lý do thứ 2, nghệ sĩ Lâm Bằng cho biết, chị muốn dừng đúng lúc khi mà chị đang ở đỉnh cao của vinh quang, đang được công chúng ái mộ, chị muốn  khán giả  nhớ mãi hình ảnh nàng Sita xinh đẹp, nhân hậu, một công chúa Đuông-Na-Ly ngây thơ trong trắng, một Ngọc Hân công chúa kiêu kỳ, tài sắc vẹn toàn chứ không phải công chúa của 3 nước Đông Dương - Lâm Bằng già nua, xấu xí của mấy chục năm về sau.

- Lý do cuối cùng mà tôi quyết định dừng bước nghệ thuật là trong quá trình tập luyện do không biết cách nên giọng bị giập và không thể hát kéo dài trong một đêm diễn được. Sợ khán giả nhìn thấy “công chúa của 3 nước Đông Dương” xấu là vậy, nhưng cách đây 2 năm, khi Nhà hát chèo Hà Nội kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, chị vẫn nhiệt tình nhận lời tham gia cho dù đến lúc đó là 18 năm chị chưa một lần bước chân lên sân khấu.

Trong nỗi bồi hồi và rưng rưng xúc động, nghệ sĩ Lâm Bằng chia sẻ, chị đã rất hồi hộp, khi đứng đằng sau cánh gà, với bộ y phục của nàng Sita để lại được nhập vai, lại được đắm mình trong giai điệu chèo thuở nào. “Khi ngồi hóa trang và chờ đến lượt mình ra biểu diễn, tôi xúc động lắm, nghĩ lại thời gian tôi tập vở với cả ê kíp gồm đạo diễn, nhà biên kịch, nhạc sĩ; họa sĩ, các bạn diễn, các đồng nghiệp… sau chừng ấy năm, giờ nhìn lại đội ngũ có người còn, có người đã chuyển sang làm công việc khác và cũng có nhiều người đã ra đi mãi mãi không bao giờ gặp lại. Nghĩ đến đấy tôi không sao kìm lại được cảm xúc”- nghệ sĩ Lâm Bằng tâm sự.

Và niềm vui lớn nhất sau 18 năm trở lại sân khấu đối với chị là được diễn cho 2 con gái xem, được cảm nhận mẹ vào vai diễn nàng Sita nổi tiếng một thời mà trước đó 2 con gái chỉ được nghe qua mọi người nói về thời vàng son của mẹ (chị diễn cùng Nghệ sĩ ưu tú Quốc Chiêm cảnh Sita bị mang đi giết và cảnh Sita về chịu tang khi biết tin vua Poliem mất).

Vẫn còn nhiều đam mê với nghệ thuật là vậy, nhưng hỏi chị, chị có ân hận hay tiếc nuối, Lâm Bằng trả lời “ chị không ân hận. Bởi chị cũng hiểu bất cứ quyết định nào cũng có cái được và cái mất. Khi chị quyết định ra đi là chị cũng có thiệt thòi, không được xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ, nhưng cái được của chị lại quá lớn- được khán giả nhớ mãi những vai diễn của mình. Lâm Bằng cho biết, quyết định dừng bước trong thời điểm được khán giả yêu mến nhất là điều không hề dễ đối với chị. Chị đã phải mất rất nhiều đêm trăn trở, mất ngủ và khóc rất nhiều. Thậm chí, sau khi đã nghỉ diễn, đã làm việc tại Ngân hàng Nhà nước VN, nhưng vì quá nhớ nghề nên nhiều  lần chị đã có ý định quay lại sân khấu. 

Bây giờ bên cạnh chị là 2 cô con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn và học giỏi, với người chồng rất mực yêu thương và quan tâm đến chị. Có vẻ sự dừng bước, quyết định chia tay với sân khấu của chị đã khiến chị may mắn và hạnh phúc hơn.