Anh Nguyễn Quang Vinh - cán bộ Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam, người được Hàn Quốc mời sang hợp tác cho biết: “Chúng tôi đã có được nhiều bài học kinh nghiệm về việc tổ chức cán bộ, sắp xếp nhân lực sao cho hoàn thành nhiệm vụ lấy mẫu, kiểm tra doping một cách khoa học nhất.
Đây là một dây chuyền làm việc quy mô lớn, khối lượng công việc khổng lồ và đòi hỏi sự chính xác cao độ. Sẽ có tổng cộng có 1.920 mẫu thử được tiến hành kiểm tra. Đây là số lượng mẫu kiểm tra cao nhất từ trước đến nay qua các kỳ ASIAD (vượt kỷ lục của ASIAD 2010 là 1.500 mẫu). Hoạt động này là một những biện pháp cứng rắn của nước chủ nhà nhằm tạo ra một kỳ Đại hội nói không với doping”.
Trong số 1.920 mẫu thử kiểm tra, Ban tổ chức tiến hành kiểm tra 1.600 mẫu nước tiểu, 160 mẫu máu, 160 mẫu kiểm tra về việc sử dụng erythropoietin (EPO) - một hình thức doping máu nhằm tăng cường sức chịu đựng. Việc kiểm tra được tiến hành ngẫu nhiên, trong đó tất cả các VĐV giành huy chương, phá kỷ lục được tiến hành kiểm tra đầu tiên.
Để việc kiểm tra doping được tiến hành nghiêm túc, Ban tổ chức đã bố trí gần 600 tình nguyện viên phục vụ cho việc xét nghiệm tại 45 địa điểm thi đấu, tập huấn và ở 2 làng VĐV tại Inchoen, Chungju - phía bắc tỉnh Chungcheong, cách Seoul 150km về phía nam.
Một điểm đặc biệt là Ban tổ chức đã cho phép rất nhiều học sinh tiểu học vào quan sát một số công đoạn của quá trình kiểm tra doping. Ban tổ chức nước chủ nhà hy vọng kết thúc chuyến tham quan, các bé sẽ được trang bị nhận thức cơ bản về phòng chống doping. Quan trọng hơn, các bé sẽ hiểu được hành vi gian lận trong thể thao nói riêng và trong cuộc sống nói chung là đáng ghét!