Hỏi chuyện chị Vàng Thị Dởi (bản Páo Khát), được biết, chị nghiện ma túy đã 4 năm nay. Ban đầu là do đau ốm, chị sử dụng heroin làm thuốc giảm đau, dùng nhiều lần thành nghiện. Trước khi tham gia lớp cai nghiện tại cộng đồng do huyện tổ chức, mỗi ngày trung bình chị Dởi sử dụng hết 50.000 đồng để mua thuốc. Để có tiền mua thuốc, chị Dởi đã phải làm thuê đủ mọi việc, nhưng vẫn không đủ nuôi những cơn nghiện. Nỗi khổ càng nhân lên khi chồng chị Dởi – anh Giàng A Khài - cũng nghiện ma túy. Vì nghiện mà nhà cửa gia đình chị Dởi tan hoang, 4 đứa con đói khổ, xấu hổ vì cha mẹ nghiện ngập. Chính vì vậy, khi được Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Giàng Thị Dở đến tuyên truyền, vận động, 2 vợ chồng chị Dởi đã tham gia vào lớp cai nghiện. Ngoài chị Dởi, lớp cai nghiện tại cộng đồng của xã Nậm Khắt còn có 6 chị em khác cùng tham gia cai nghiện.
Ở Nậm Khắt, nổi tiếng nhất về ma tuý phải kể đến bản Pú Cang, hay còn được gọi là bản “chờ chồng”, vì hầu hết đàn ông, trai tráng trong bản đều bị đi tù vì buôn bán ma tuý. Chủ tịch UBND xã Chang Thế Sửu cho hay: “Do nằm giáp ranh với xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) nên nhiều năm nay Pú Cang đã trở thành “cái rốn” ma túy không riêng của xã Nậm Khắt mà còn của cả huyện Mù Cang Chải. Hiện cả bản có hơn 10 trường hợp đang cải tạo trong trại giam chỉ vì ma túy. Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ, bản Pú Cang có gần 30 trường hợp nghiện ma túy”.
Trong 98 hộ của bản Pú Cang, có tới 89 hộ nghèo và thiếu đói từ 5 đến 6 tháng trong năm. Nhiều gia đình cả vợ và chồng bị bắt, bỏ lại đàn con không nơi nương tựa. Cảnh con không cha, vợ không chồng đã không còn là chuyện lạ ở nơi này.
Nhận thức được những hậu quả do nghiện ngập gây ra, nhiều người nghiện đã tham gia các lớp cai nghiện. Sau 3 tháng tham gia lớp học, chị Dởi cùng các học viên trong lớp đều đã thấy khỏe hơn và không còn cảm giác thèm thuốc. Chị Dởi chia sẻ: “Mình nghiện ma tuý rồi mới biết mình khổ mà con cái mình cũng phải khổ theo. Giờ được Nhà nước cho cai nghiện tại chỗ, mình sẽ cố gắng”.