Những năm gần đây, Việt Nam đã nhập khoảng bao nhiêu máy móc từ nước ngoài, thưa ông?
- Con số chính xác đến nay chúng tôi vẫn chưa nắm được. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2013 Việt Nam đã chi khoảng 18,6 tỷ USD để nhập các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, trong đó có một phần là máy móc nông nghiệp, tuy nhiên cho đến nay chúng tôi vẫn chưa bóc tách được số liệu này. Nhưng có thể thấy, trên đồng ruộng Việt Nam phần lớn vẫn là máy của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...
Cụ thể, máy nông nghiệp đắt nhất hiện nay là máy trồng mía, mới xuất hiện tại Việt Nam vài chiếc vì giá trị máy lên tới 8 tỷ đồng, năm ngoái cũng mới có 2 công ty mua được 2 chiếc. Còn máy móc phổ biến nhất vẫn là máy gặt đập liên hợp; máy cấy lúa; máy kéo..., tuy nhiên mức độ mua sắm của bà con chưa nhiều bởi giá máy không hề rẻ, ví dụ máy gặt đập liên hợp của Kobuta (Nhật Bản) giá khoảng 500 – 600 triệu đồng/chiếc; máy cấy lúa loại rẻ nhất cũng phải 90 triệu đồng/chiếc.
Mặc dù bà con rất muốn mua máy, nhưng do đồng ruộng nước ta chủ yếu nhỏ hẹp, mỗi vụ máy móc chỉ hoạt động khoảng 15 – 20 ngày, khó thu hồi vốn nên bà con cũng ngại đầu tư. Còn về máy kéo, ở Việt Nam hiện mới sản xuất được máy có công suất đến 30CV, máy trên 30CV đều là của Kobuta, máy Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga...
Nước ta có diện tích trồng lúa hàng năm rất lớn, chưa kể nhiều loại cây trồng khác, nhưng tại sao máy móc nội địa vẫn không phát triển được mà để cho máy nước ngoài chiếm lĩnh?
- Trên thực tế, quá trình cơ giới hóa ngành nông nghiệp không phải bây giờ ta mới thực hiện, mới quan tâm mà đã được chú ý từ những năm sau 1975, hồi đó chủ yếu là máy móc của Liên Xô, chứ ta cũng chưa tự sản xuất được. Cho đến nay, khâu làm đất cơ bản đã được cơ giới hóa, trừ những vùng khó khăn như miền núi, vùng cao thì vẫn phải dùng sức người, động vật, mà những vùng đó kể cả có máy móc thì áp dụng cũng không hiệu quả.
Trong khâu thu hoạch lúa, hiện cả nước có gần 20.000 máy gặt đập liên hợp nên đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của bà con, trong đó khâu gặt lúa ở vùng ĐBSCL đã được cơ giới hóa rất mạnh mẽ, bình quân đạt 60-70%, riêng Long An đã cơ giới hóa tới 90%.
Về việc vì sao đồng ruộng tràn ngập máy ngoại mà vắng bóng máy nội, tôi cho rằng không phải do các doanh nghiệp trong nước không có khả năng, mà họ cũng đã khảo sát rất kỹ nhu cầu thị trường để xác định xem nhu cầu của từng loại sản phẩm, chất lượng thế nào... Dĩ nhiên ai cũng muốn có máy tốt, giá rẻ, nhưng do khả năng đầu tư, trình độ công nghệ của ta còn hạn chế nên thị trường máy nông nghiệp ở nước ta cũng chậm phát triển.
Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để có thể đẩy mạnh sản xuất máy móc trong nước, từ đó giảm dần nhập khẩu?
- Hiện nay Chính phủ đang có một số chương trình đầu tư cho công nghiệp hóa ngành nông nghiệp, trong đó có chương trình hợp tác Việt Nam – Nhật Bản với nội dung thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, bao gồm nhiều chính sách quan trọng như hỗ trợ vốn cho người mua máy; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; xây dựng quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng đồng ruộng để dễ dàng đưa máy móc vào ứng dụng, cũng như phát triển các hình thức dịch vụ để mảng cầu máy móc tăng lên, trên cơ sở đó mảng cung sẽ đẩy mạnh đầu tư, có thể là sản xuất, liên doanh hoặc nhập khẩu. Kể cả là nhập khẩu mà hiệu quả thì theo tôi, chúng ta vẫn nên khuyến khích bởi nó sẽ tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường, giúp nông dân có lựa chọn tốt nhất.
Xin cảm ơn ông!