Dân Việt

Xây dựng nông thôn mới: Cần cơ chế đặc thù cho huyện nghèo

31/08/2012 07:26 GMT+7
(Dân Việt) - Là địa phương khó khăn vào hàng bậc nhất của tỉnh Gia Lai, huyện Kông Chro tiến hành Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trong điều kiện dựa vào nguồn đầu tư của Nhà nước là chính.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế đầu tư và huyện nghèo cần có cách làm như thế nào để chương trình đạt hiệu quả. Phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Phan Văn Trung – Chủ tịch UBND huyện Kông Chro xung quanh vấn đề này.

Nói đến Kông Chro có lẽ ai cũng biết đây là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Gia Lai. Ông có thể cho biết đôi nét khái quát về những khó khăn của huyện trong cuộc vận động xây dựng NTM?

- Kông Chro là huyện mới của tỉnh Gia Lai, được tách ra từ huyện An Khê cũ; là vùng căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến với hơn 75% dân số là đồng bào dân tộc Ba Na, Jrai. Kông Chro hiện đang là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Gia Lai.

img
Một ngôi trường mới được xây dựng ở vùng sâu Kông Chro.

Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng tiềm năng đất đai lại không thể phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như các huyện bạn. Một số loại cây được coi là phù hợp như điều, bông vải thực tế năng suất kém, do vậy nguồn thu nhập chủ yếu của nông dân vẫn dựa vào các loại cây ngắn ngày. Tuy nhiên do đầu ra không ổn định, 13 công trình thủy lợi vừa và nhỏ của huyện chỉ đảm bảo tưới được 332ha lúa nước nên việc canh tác cây ngắn ngày chủ yếu vẫn dựa vào thời tiết tự nhiên, hiệu quả kinh tế thấp.

Thu nhập bình quân của các hộ sản xuất nông nghiệp hiện chỉ đạt khoảng 4,4 triệu đồng/ người/ năm – bằng 0,3 lần so với mức bình quân chung của khu vực nông thôn trong tỉnh… Công nghiệp, TTCN chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, khai thác vật liệu xây dựng là chủ yếu; thu ngân sách của huyện hiện mới đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm.

Trong điều kiện đó, học vấn của đội ngũ cán bộ cơ sở lại rất hạn chế, chỉ tính đến trình độ trung cấp cũng đã rất hiếm hoi… Toàn huyện có 13 xã thì 9 xã đã xếp diện đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo trên 47%. Qua kết quả rà soát, đánh giá hiện trạng của huyện so với 19 tiêu chí về NTM thì hiện tại huyện chỉ có 2 tiêu chí và 9 chỉ tiêu đạt từ 80 đến 100%; 5 chỉ tiêu đạt được từ 50% đến dưới 80%; 7 tiêu chí và 14 chỉ tiêu đạt dưới 50% so với chỉ tiêu tiêu chí quy định...

Trong tình hình khó khăn như vậy, huyện dựa vào những nguồn lực nào để xây dựng NTM?

- Như đã nói ở trên, với mức thu nhập hiện tại thì rất khó huy động được nguồn tài chính do dân đóng góp. Về phía các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, với số lượng ít, quy mô sản xuất nhỏ, lại trong điều kiện kinh tế khó khăn chung như hiện nay, việc đóng góp của họ nếu có cũng sẽ rất hạn chế. Chúng tôi đã tính toán và thấy rằng để đạt tất cả tiêu chí NTM, nguồn lực tài chính cần cho mỗi xã phải tới 200 tỷ đồng. Nhân lên toàn huyện quả là một nguồn vốn không hề nhỏ…

Tuy nhiên với ý nghĩa lớn lao về chính trị - kinh tế - xã hội của công cuộc xây dựng NTM, huyện xác định phải huy động tối đa tiềm lực có thể, không trông chờ, ỷ lại sự đầu tư của Nhà nước… Trước hết phải triển khai thật tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về sự nghiệp xây dựng NTM. Đồng thời huy động chủ thể hộ gia đình, dòng họ, cộng đồng làng, xã phát huy tối đa vai trò trong việc vận động toàn dân chung tay xây dựng NTM…

Có thể nói nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, không kể 2 xã chọn điểm là Nam Yang và Đăk Kơ Ning, các xã khác trong huyện đều đã đạt được những kết quả nhất định. Trước hết là sự chuyển biến về nhận thức: Toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến xã đã triển khai kịp thời chủ trương, chính sách về xây dựng NTM ở địa phương mình.

“Với những huyện nghèo như Kông Chro, việc đầu tư của Nhà nước tuy đã được chú trọng nhưng cần được nâng lên ở tầm cơ chế đặc thù”.

Nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về một chương trình lớn của Đảng và Nhà nước đã được quán triệt sâu sắc, tạo được sự đồng thuận có thể nói là tuyệt đối. Đây là những tiền đề có tính quyết định để toàn huyện phát huy nội lực, khắc phục khó khăn hoàn thành những chỉ tiêu của chặng đường trước mắt và những giai đoạn tiếp sau.

Về nguồn lực vật chất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện chỉ tập trung ưu tiên vốn cho các công trình mang tính trọng yếu, cấp thiết – đặc biệt chú trọng lĩnh vực giao thông nông thôn – lĩnh vực cấp thiết để phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Huyện cũng chủ trương tập trung nguồn vốn, lồng ghép các chương trình để nâng cao hiệu quả...

Ngoài ra trên địa bàn huyện có 9 xã đặc biệt khó khăn, được Nhà nước đầu tư Chương trình 135 nên các công trình cơ sở hạ tầng tại những xã này đã được nhẹ gánh về cơ bản. Tóm lại, với việc tiếp nhận, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, công tác triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cho NTM của huyện cũng đã đạt được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 3 xã đạt tiêu chí NTM. 10 xã còn lại sẽ đạt vào năm 2020.

Theo ông, với những huyện nghèo mang tính đặc thù như Kông Chro, phải chăng cần có một cơ chế đặc thù về phía Nhà nước?

- Xây dựng NTM là sự nghiệp “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó nguồn lực đầu tư của Nhà nước là quan trọng; nguồn lực đầu tư, đóng góp của nhân dân là quyết định thành công… Là một huyện nghèo, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp ở trình độ thấp, thế nhưng cho đến nay Kông Chro vẫn chưa được đầu tư một dự án nông nghiệp lớn nào. Sản xuất kém phát triển, manh mún, hiệu quả kinh tế chưa cao, tất nhiên việc xã hội hóa xây dựng NTM sẽ rất khó khăn. Thực tế hiện nay huyện gần như chưa huy động được sự đóng góp tài chính đáng kể nào từ phía người dân.

Do đó, vấn đề có tính cấp bách hàng đầu trong việc xây dựng NTM hiện nay của huyện là phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân – nhất là với bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư – nhất là đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế; Phát triển các hoạt động văn hoá, xã hội và xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội.

Với những huyện nghèo như Kông Chro, việc đầu tư của Nhà nước tuy đã được chú trọng nhưng cần được nâng lên ở tầm cơ chế đặc thù. Theo đề án xây dựng NTM, để đạt được các tiêu chí yêu cầu phải có nguồn tài chính lớn, trong khi đó nguồn vốn đầu tư cho chương trình cũng như các chương trình dự án khác cho huyện hàng năm còn rất thấp, dàn trải, dễ dẫn đến tình trạng lãng phí hoặc kém hiệu quả.

Điều cuối cùng là công tác cán bộ: Nhà nước cần có chính sách đào tạo, thu hút lực lượng cán bộ được đào tạo bài bản – nhất là tầng lớp trí thức trẻ về cơ sở công tác. Chương trình xây dựng NTM với những huyện như Kông Chro sẽ gánh thêm nhiều khó khăn khi thiếu một đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ sở ngang tầm.

Xin cảm ơn ông!