Dân Việt

Mỏ than nuốt ruộng, bắt dân dùng nước bẩn

Minh Phong 27/09/2014 09:48 GMT+7
Người dân sống trong khu vực hoạt động của mỏ than Khánh Hòa, Nhà máy Xi măng Quán Triều (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) phải chịu cảnh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn do hoạt động vận chuyển than, đổ thải đất đá từ nhiều năm nay.

Xã kêu trời, doanh nghiệp vẫn xả thải

Cứ mỗi kỳ họp HĐND các cấp ở địa phương, người dân các xã Phúc Hà (TP.Thái Nguyên), xã An Khánh (huyện Đại Từ) lại “tố khổ” đến các cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm tại địa phương. Khi được hỏi về tình hình ô nhiễm trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Oanh – Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh (huyện Đại Từ) phải thốt lên: “Người dân kêu nhiều, xã cũng kiến nghị quá nhiều lần nhưng không giải quyết được dứt điểm. Doanh nghiệp (DN) vẫn đổ thải ngày đêm ầm ầm, mở rộng bãi thải. Người dân hít bụi, bị mất nước sinh hoạt giờ chẳng biết kêu đâu”.

Hiện nay, mỏ than Khánh Hòa đã tiến hành mở rộng khu vực đổ thải và đây cũng là đơn vị được Sở TNMT Thái Nguyên xác định là nơi có hoạt động gây ô nhiễm chính tại khu vực. Trong hai năm 2013 – 2014, Sở TNMT Thái Nguyên đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện môi trường đối với đơn vị này và phát hiện nhiều tồn tại.

Cụ thể, DN này đang thực hiện đầu tư nâng công suất khai thác lên 800.000 tấn/năm. Tuy chưa được phê duyệt dự án và chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng ngay trong năm 2013 Công ty đã khai thác than với sản lượng trên 700.000 tấn/năm (công suất được cấp phép là 600.000 tấn/năm).

Việc tăng công suất khai thác đồng nghĩa với việc gia tăng mức độ tác động ảnh hưởng đến môi trường. Theo quan sát, dù DN này đã áp dụng nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nhưng đất đá thải vẫn rơi vãi dọc các tuyến đường trong khu vực, đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi. Sở TNMT Thái Nguyên còn phát hiện bãi thải Tây đã đổ lấn ranh giới khoảng cách an toàn chùa Làng Ngò nhưng chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, bãi thải Nam đã đổ thải cao vượt 100 mét so với công suất thiết kế. Không những thế, đơn vị này còn nắn suối Làng Ngò để mở rộng khai trường, ảnh hưởng đến hoạt động canh tác của người dân.

Ông Trần Văn Linh – người dân xóm Làng Ngò cho biết: “Ruộng canh tác chúng tôi đã giành lại cho khai trường gần hết, giờ đến nước sinh hoạt, nước canh tác cũng bị mất. Có những lúc, người dân phải bỏ tiền ra mua cả xe chở nước về để dùng”. Bà Nguyễn Thị Oanh – Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết xã đã tiến hành lập biên bản tình trạng mất nước mặt, nước ngầm để tiếp tục kiến nghị lên cấp trên, tìm cách giải quyết.

Cần sớm giải quyết bức xúc của người dân

Những kiến nghị về tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn của người dân trong khu vực trong nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để đã khiến nhiều người có “ác cảm” đối với đơn vị gây ô nhiễm. Đầu năm 2014, khi đại diện doanh nghiệp xuống địa bàn mục sở thị tình trạng mất nước, nhiều người dân đã manh động đòi gây hấn. Gần đây nhất, một người dân nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của bãi thải mỏ than Khánh Hòa dù đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn bức xúc tấn công một phó giám đốc Công ty khi vị này xuống hiện trường đôn đốc giải phóng mặt bằng. Bà Nguyễn Thị Oanh xác nhận có tình trạng người dân rất bức xúc về hiện trạng môi trường và đã gửi đơn đi khắp nơi mong được giải quyết.

Hiện Sở TNMT Thái Nguyên đã có văn bản yêu cầu các đơn vị gây ô nhiễm nêu trên tăng cường thực hiện hợp đồng vệ sinh của khu dân cư và chủ động sử dụng phương tiện cơ giới để dọn dẹp. Đối với hoạt động của Công ty Than Khánh Hòa, UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Sở TNMT tham mưu để có văn bản đề nghị Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam đánh giá lại nhu cầu, quy hoạch khai thác. Đồng thời, đánh giá tác động môi trường trước khi phê duyệt dự án nâng công suất, thậm chí dừng các hoạt động đầu tư nâng công suất khi chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bên cạnh tâm điểm ô nhiễm là mỏ than Khánh Hòa, việc vận chuyển nguyên liệu phục vụ Nhà máy Xi măng Quán Triều cũng phát sinh ô nhiễm bụi với người dân trong khu vực. Sở TNMT Thái Nguyên đã phải có văn bản yêu cầu công ty đảm bảo vệ sinh công nghiệp, thu gom vật liệu rơi vãi.