Dân Việt

Thơ, văn đã sử dụng trong sách giáo khoa trước năm 2014 có được hưởng nhuận bút?

Thiên Việt (thực hiện) 27/09/2014 10:31 GMT+7
Tiền bản quyền của các tác phẩm văn học sử dụng trong sách giáo khoa (SGK) đang được Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Bộ GDĐT bàn thảo, đây là một việc tuy chậm trễ nhưng cũng là một tin vui với các tác giả.

Phóng viên NTNN đã có cuộc  trao đổi với nhà thơ Đỗ Hàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam về vấn đề này.

Thưa ông, trong năm 2014 sẽ tiến hành việc chi trả bản quyền các tác phẩm văn học được sử dụng trong sách giáo khoa? Những tác phẩm đã sử dụng từ trước năm 2014 thì có được hưởng không?

Quan điểm
img
Nhà thơ Đỗ HànPhó Giám đốc Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam
  Thời gian tới Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc cụ thể, chi tiết với các cơ quan trên để sớm có nhuận bút đến tay các nhà văn. Quan trọng sẽ tạo thành một nếp nghĩ, nếp làm trong việc thực hiện quyền tác giả văn học ở Việt Nam…  
- Sau rất nhiều lần trao đổi bằng công văn và gặp mặt trực tiếp, gần đây nhất, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đã có cuộc làm việc chính thức với lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục.

Tại buổi làm việc, hai bên đã có bản ghi nhớ và thống nhất sẽ ký thỏa thuận hợp tác về việc chi trả nhuận bút cho các tác giả có tác phẩm văn học được sử dụng trong SGK từ lớp 1 đến lớp 12 đang được sử dụng trong nhà trường hiện nay. Như vậy việc trả nhuận bút cho các tác giả kể từ năm 2014 sẽ là khả thi.

Còn các năm từ 2013 trở về trước, chúng tôi thống nhất cử các chuyên viên cùng rà soát, đối soát để đưa ra một phương án tối ưu. Vì chúng tôi sẽ phải phân khúc các giai đoạn khác nhau: Như bộ sách hiện nay đang sử dụng có những cuốn in năm 2002, có những cuốn in các năm tiếp theo; khi đó chưa có Luật Bản quyền và sở hữu trí tuệ, phải áp dụng Nghị định 61/CP, từ năm 2014 này mới áp dụng Nghị định 18/CP. Tiếp nữa là VLCC ra đời năm 2004, từ đó mới có các ủy thác quyền của các tác giả cho VLCC, tiếp nữa chúng tôi sẽ phải đi sâu vào các bộ sách tham khảo, sách hỗ trợ giáo viên... Rồi mức truy thu sẽ là bao nhiêu so với hiện hành, tỷ lệ phần trăm tác quyền của từng lần tái bản lại khác nhau…

Nói tóm lại là rất nhiều việc và chi tiết cần thực hiện. Chúng tôi rất hy vọng sự hợp tác của Nhà xuất bản Giáo dục và sự chia sẻ của các tác giả cũng như bạn đọc quan tâm.

Nguyên tắc chi trả sẽ như thế nào, thưa ông?

- Nghị định 18/2014 là cơ sở để chúng tôi tính nhuận bút cho các tác giả. Ở đây sẽ áp dụng Điều 13 của Nghị định, mục Nhuận bút xuất bản phẩm, chi tiết áp dụng cho nhóm các tác phẩm thuộc loại sáng tác như văn xuôi, sách nhạc, thơ. Trong SGK sử dụng tác phẩm thuộc thể loại nào thì áp mức khung nhuận bút cho thể loại đó.

Ngoài SGK, trong tương lai sẽ có thêm việc chi trả bản quyền ở đâu nữa, thưa ông?

- Tiếp ngay sau cuộc làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục, VLCC đã có cuộc làm việc hết sức cởi mở với Đài Tiếng nói Việt nam về việc chi trả nhuận bút cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya” và “Tiếng thơ”, cũng như các chương trình khác của Đài. Hai bên cũng đã đi đến thống nhất: Việc chi trả nhuận bút cho các tác giả lâu nay thực hiện chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do nhận thức, thao tác nghiệp vụ của cả tác giả và cơ quan sử dụng tác phẩm, cơ quan bảo vệ quyền tác giả còn hạn chế. Vì vậy, đại diện Đài đã ký với VLCC một biên bản ghi nhớ. Qua đó xác định việc chi trả nhuận bút cho các tác giả có tác phẩm sử dụng trên sóng của đài là tất yếu phải thực hiện. Đó là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện luật pháp. Song phương thức chi trả và thời gian chi trả sẽ do hai bên có chương trình làm việc cụ thể, chi tiết trong thời gian tới…

Như vậy, qua chương trình ký kết với Nhà xuất bản Giáo dục và Đài Tiếng nói Việt Nam, VLCC đang có những hoạt động vững chắc, từng bước đi đến hiệu quả để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Xin cảm ơn ông!