Dân Việt

Gia tăng “ma men” cầm lái

Minh Phong 27/09/2014 14:01 GMT+7
Số liệu thống kê chính thức về nguyên nhân trực tiếp xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) do rượu bia chưa cao nhưng số liệu thực tế ở các bệnh viện lớn lại chỉ ra điều ngược lại. Không ít trường hợp tử vong do sử dụng rượu bia quá mức, và đây là vấn đề đáng báo động.

Hiện trạng báo động

Tại buổi tọa đàm “Cách nào giảm TNGT do uống rượu, bia?”, mới đây ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã chỉ ra hiện trạng đáng báo động của việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Ông Hùng cho hay: “Tình trạng điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say xỉn có chiều hướng gia tăng. Số liệu thống kê chính thức nguyên nhân trực tiếp xảy ra TNGT do rượu bia chưa cao, có địa phương chỉ khoảng 10%, thậm chí còn thấp hơn. Nhưng số liệu chúng tôi có được qua một số cơ quan chức năng, nhất là các bệnh viện lớn thì số liệu cao hơn nhiều”.

Như tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) có tới 60% số ca cấp cứu do TNGT có liên quan đến sử dụng rượu bia. Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) bác sĩ Trương Thế Hiệp – Phó Trưởng khoa Cấp cứu cho biết: “Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 250 – 270 ca, trong đó TNGT do uống rượu bia là 10%. Thậm chí có nhiều bệnh nhân có nồng độ cồn cao hơn 10 lần so với quy định”.

Một thực trạng nữa của việc lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông là nạn nhân tự gây tai nạn cho bản thân mình dẫn đến tử vong. Ông Khuất Việt Hùng dẫn chứng hiện trạng trên tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong số 198 người chết do TNGT trong 6 tháng đầu năm có đến 52 người chết do tự gây ra, nghĩa là không va chạm với ai. Nguyên nhân chủ yếu là đi xe máy tự đâm vào dải phân cách, tự ngã gây tử vong. Đây là vấn đề rất đáng báo động”.

Có quy định, vẫn lạm dụng



Ông Khuất Việt Hùng
 
Dự thảo luật về phòng chống rượu bia Bộ Y tế soạn thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành cần có quy định chặt chẽ, cụ thể về sử dụng rượu bia trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện, bổ sung NĐ 94  về kinh doanh rượu bia để siết chặt hơn điều kiện kinh doanh và có hướng dẫn cụ thể để triển khai, giám sát của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất”.
 
Ông Nguyễn Văn Thuấn – Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho rằng: “Việc kiểm soát ngăn chặn TNGT do rượu bia mới làm được phần ngọn, đó là trông chờ vào lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý sau khi vi phạm đã xảy ra rồi. Do vậy, muốn phòng chống tác hại rượu, bia phải làm ngay từ gốc, nghĩa là làm thế nào để người điều khiển trước đó không sử dụng rượu bia”.

Ông Thuấn cũng cho rằng mức xử phạt đối với việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông từ 2 – 3 triệu đồng cho đến mức cao nhất là 15 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô là mức cao, vấn đề có kiểm tra, xử phạt đến nơi đến chốn hay không.

 

“Tài xế hay sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện lại là những người lái xe con, xe cá nhân và xe mô tô” – ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay. Trong khi, tỷ lệ vi phạm của lái xe chuyên nghiệp như xe khách, xe tải rất thấp. Vì vậy, ông Thái đề xuất xác định giải pháp cho từng đối tượng. Cụ thể, với lái xe cá nhân phải kiểm soát mạnh, tăng cường kiểm tra xử phạt. Còn lái xe tại doanh nghiệp vận tải, tỷ lệ vi phạm thấp nhưng nếu để xảy ra tai nạn thì thiệt hại là rất lớn nên cần tiếp tục tuyên truyền, ngăn ngừa và xử phạt nghiêm minh.

Ông Khuất Việt Hùng cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia và Chính phủ để có giải pháp thực hiện nghiêm chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của đồ uống có cồn. Trước tiên phải hoàn thiện các quy định của pháp luật để chặt chẽ, nghiêm minh”.