Dân Việt

Đạo diễn Lê Hoàng “vỗ mặt” diva Hà Trần

Mai An 27/09/2014 07:54 GMT+7
Một mình đạo diễn Lê Hoàng đóng “vai ác” trong Hội đồng bình luận của Giai điệu Tự hào, ông chê thẳng thừng, chê “vỗ mặt” kể cả tiết mục của diva Hà Trần.   

Tối 26.9, chương trình Giai điệu Tự hào chủ đề “Bài ca hy vọng” phát sóng trên VTV1, Hội đồng bình luận lớn tuổi vắng mặt “chuyên gia phản biện” là PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái, bù lại, đạo diễn Lê Hoàng đã đảm nhiệm rất tốt vai trò này. Những lời bình luận của ông mang đậm cá tính Lê Hoàng: thẳng thắn, sắc nhọn và có tính… “sát thương”.

Quan điểm
img
Đạo diễn Lê HoàngThành viên Hội đồng bình luận của Giai điệu tự hào
  Tôi nghe cô Trần Thu Hà hát mà chẳng có được cảm xúc gì, vì cô hát thế này tôi chỉ thấy sự tươi trẻ, náo nức, bay bổng mà không có được những day dứt của tinh thần bài hát. Tiết mục này không làm sống lại trong tôi những cảm xúc tôi từng có với bài hát trước đó...  
Sau tiết mục của ca sĩ Trần Thu Hà với bản phối mới của “Bài ca hy vọng”, khi khán phòng còn chưa tan hết bầu không khí âm nhạc du dương thì đạo diễn Lê Hoàng đã “nổ phát súng” đại bác.

 

“Tôi nghe cô Trần Thu Hà hát mà chẳng có được cảm xúc gì, vì cô hát thế này tôi chỉ thấy sự tươi trẻ, náo nức, bay bổng mà không có được những day dứt của tinh thần bài hát. Tiết mục này không làm sống lại trong tôi những cảm xúc tôi từng có với bài hát trước đó”, đạo diễn Lê Hoàng "vỗ mặt" diva Trần Thu Hà.

Tất nhiên nghe nhạc cũng như thưởng thức món ăn, “9 người 10 ý”, nên phản ứng của đạo diễn Lê Hoàng với bản phối mới và phong cách hát của Trần Thu Hà cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, với phần đông khán giả ở độ tuổi U40, phần trình diễn “Bài ca hy vọng” trên sân khấu Giai điệu Tự hào có lẽ cũng đã mang đến một cảm xúc mới. Thay vì chọn lối hát đậm chất thính phòng với các cung quãng được vo tròn, nắn nót và cảm xúc được “rèn luyện” đến mức điêu luyện của những người từng hát trước đó, Trần Thu Hà mang đến một con đường mới cho cách tiếp cận ca khúc này. Cô hát bằng sự trải nghiệm của một người chưa hề trải qua chiến tranh, của một người cất bước chân đi nhưng không hề đặt nặng đích đến mà tận hưởng từng hương hoa thơm, ngọn gió lạ trên mỗi chặng đường. Cô đem đến một chút trẻ trung của pop, một chút dân dã của dân gian đương đại vào sự chuẩn mực của thính phòng, tạo nên một hương vị rất lạ. 

Việc Trần Thu Hà làm mới một ca khúc đã trở thành kinh điển, làm nhẹ đi yếu tố phô diễn kỹ thuật trước đó của  “Bài ca hy vọng” là một điểm nhấn thú vị của Giai điệu Tự hào tháng 9.

Một tiết mục khác cũng bị đạo diễn Lê Hoàng chê vỗ mặt là phần dàn dựng ca khúc “Nối vòng tay lớn”. Trong khi các thành viên Hội đồng bình luận lớn tuổi khác còn đang rưng rưng khi nhớ về niềm vui, nỗi xúc động của thời điểm lịch sử khi bài hát ra đời 39 năm về trước, khi đất nước hoàn toàn thống nhất thì đạo diễn Lê Hoàng đưa ra những lời nhận xét như một xô nước đá: “Bài hát này đã thất bại hoàn toàn”.

Rồi ông giải thích thêm về sự thẳng thắn của mình: “Tôi thấy chúng ta đôi khi vì bài hát quá nổi tiếng, tác giả quá nổi tiếng mà không dám đưa ra những lời chê, chúng ta cứ chọn cách khen cho an toàn. Nhưng không phải, những lời chê này không nhằm vào giá trị của bài hát hay tác giả mà chỉ nói về tiết mục trình diễn trên sân khấu này”.

img Ca khúc “Hát cho dân tôi nghe”.

Có lẽ vì được sự khích lệ của đạo diễn Lê Hoàng, nhạc sĩ Phú Quang- một thành viên khác của Hội đồng bình luận lớn tuổi cũng mạnh dạn bày tỏ cảm xúc của ông: “Tôi không thích bài này” cho dù sự không đồng tình thể hiện rõ trên khuôn mặt của nhạc sĩ Trần Xuân Tiến.

Có thêm Lê Hoàng trong Hội đồng bình chọn lớn tuổi, các màn bình luận có vẻ hoạt hơn, cá tính hơn trước rất nhiều, có lẽ từ sự thẳng thắn của ông, khán giả sẽ được nghe nhiều hơn những lời nhận xét gai góc hơi hiếm thấy của các khách mời trong Giai điệu Tự hào.

Ngoài những tiết mục gây tranh cãi đã kể trên, chương trình tháng 9 đã đem đến những màn trình diễn khá xúc động như ca khúc “Dậy mà đi” của tốp ca 2 thế hệ, “Tự nguyện” của 3 thế hệ gia đình NSND Trung Kiên, “Hát cho dân tôi nghe” của Âu Bảo Ngân và Sơn Hải. Khán giả đã có những phút lắng lại và tuôn trào cảm xúc khi được sống với không khí đấu tranh cách mạng của sinh viên, người dân Sài Gòn trước năm 1975, những mất mát, hy sinh của từng số phận đơn lẻ đã làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30.4.

Chỉ tiếc một điều là Giai điệu Tự hào vẫn “tham” trong việc mời quá nhiều khách mời bình luận. Giá như đạo diễn triệt để áp dụng phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa” để cô đọng số khách mời hai Hội đồng sẽ khiến phần bình luận trở nên sắc sảo, cá tính hơn. Bởi việc quá nhiều khách mời sẽ dẫn đến việc chương trình bị loãng bởi những bình luận chỉ xuất hiện “cho có mặt”, nhạt nhòa không đem lại ấn tượng gì cho khán giả.