Dân Việt

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Lê Trọng Tấn: Vị tướng bình dị, liêm khiết

Gia Tưởng 27/09/2014 07:43 GMT+7
Lê Trọng Tấn (1.10.1914 - 1.10.2014) là một vị tướng sinh ra cho những chiến dịch và đã đánh là thắng ở tất cả các trận mà ông cầm quân. Ông là người tiêu biểu góp công tô thắm truyền thống “đã ra quân là chiến thắng” của quân đội ta.

Vinh dự được làm bại tướng của Lê Trọng Tấn

Sinh ngày 1.10.1914 trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là TP.Hà Nội), Lê Trọng Tấn (tên khai sinh là Lê Trọng Tố) từng là lính không quân của Pháp nhưng sớm giác ngộ cách mạng, tham gia Mặt trận Việt Minh năm 1944. Ông tham gia vào Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông, phụ trách quân sự khi Cách mạng Tháng tám nổ ra. Sau đó ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo hồi tưởng của người bạn chiến đấu- cụ Đặng Văn Việt, 95 tuổi- người cùng Đại tướng Lê Trọng Tấn được cử làm Trung đoàn trưởng đầu tiên của quân đội ta: “Tôi gặp anh Tấn từ chiến dịch Việt Bắc năm 1947, nhưng mãi đến chiến dịch Biên giới Thu Đông tôi và anh mới được sát cánh cùng nhau. Tôi chỉ huy Trung đoàn 174, đánh từ bắc xuống, còn anh Tấn chỉ huy 209 mạn nam lên, tấn công pháo đài Đông Khê. Lệnh nổ súng lúc 6 giờ ngày 16.9.1950 nhưng anh Tấn bị lạc đường, đến 18 giờ chúng tôi mới gặp được nhau. Mặc dù vậy, khi hội quân chúng tôi đã bàn bạc với nhau rất ăn ý. Đến trưa ngày 18.9, hai trung đoàn chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đập tan cứ điểm Đông Khê, mở màn cho thắng lợi chiến dịch Biên giới”.

Với những bài học từ thực tiễn chiến trường và trưởng thành trong chiến đấu, đến chiến dịch Điện Biên Phủ, cánh quân do Lê Trọng Tấn chỉ huy cũng đã được giao nhiệm vụ nổ súng tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch. Sau thắng lợi này, Đại đoàn 312 tiếp tục được lệnh bám sát địch để đón thời cơ tổng công kích. Chiều 7.5.1954, một đơn vị của Đại đoàn 312 đã tấn công vào sở chỉ huy của Pháp, bắt sống Tướng De Castries cùng Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau này, De Castries cho biết, ông ta vinh dự được làm bại tướng dưới tay Lê Trọng Tấn và đại đoàn của ông.

Năm 1964, khi tình hình chiến tranh bắt đầu có những biến đổi lớn cả về mặt chính trị, quân sự, cả ở đô thị, nông thôn và vùng rừng núi, Mỹ buộc phải chuyển hướng chiến lược từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”. Tướng Lê Trọng Tấn và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đặc phái vào miền Nam “giải bài toán” đánh Mỹ.

Đánh giá về 2 chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ và tổng tấn công năm 1975
img
Đại tướng Võ Nguyên GiápĐánh giá về tướng Lê Trọng Tấn
  Lê Trọng Tấn xứng đáng 2 lần anh hùng...  
Vào chiến trường, Tướng Lê Trọng Tấn đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh, Ủy viên Quân ủy Quân giải phóng miền Nam, đồng thời ông trực tiếp làm tư lệnh của nhiều chiến dịch. Theo Đại tá Nguyễn Nhật Minh - thư ký riêng của Đại tướng Lê Trọng Tấn, sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, trong quân đội ta nhiều người đã có tư tưởng đánh Mỹ - Ngụy bằng chiến tranh du kích hay chiến thuật nhỏ lẻ bằng bộ đội đặc công.

Nhưng Lê Trọng Tấn kiên quyết phản đối, mà ông muốn đánh theo phương châm nếu đủ quân số thì phải đánh cấp chiến dịch, quân số cấp sư đoàn phải đánh trận sư đoàn chứ không được đánh trận cấp tiểu đoàn. Nhiều quân nhân cấp dưới khi nghe ông phân tích, rút kinh nghiệm với nhiều cán bộ đã bật khóc, cuối cùng đều tin tưởng vào sự chỉ huy của Lê Trọng Tấn. Chính vì vậy mà chúng ta đã có cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và tổng tiến công năm 1975.

Với thắng lợi lớn từ đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên, làm suy sụp tinh thần chế độ Việt Nam cộng hòa và quân đội Sài Gòn, Bộ Chính trị chỉ thị nhanh chóng đánh chiếm Huế, Đà Nẵng và Tướng Lê Trọng Tấn được chỉ định làm tư lệnh cả hai chiến dịch.

Thắng lợi liên tiếp của hai chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng đã phá tan âm mưu co cụm chiến lược của địch, không cho chúng rút lực lượng về phòng thủ xung quanh Sài Gòn. Tháng 4.1975, Tướng Lê Trọng Tấn được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân phía Đông (gồm Quân đoàn 2, Quân đoàn 4, Sư đoàn 3) tấn công vào Sài Gòn.

Theo kế hoạch chiến dịch Hồ Chí Minh, 5 giờ 30 sáng 30.4.1975, các hướng đồng loạt nổ súng tiến công vào Sài Gòn. Với óc phán đoán, phân tích chiến lược tài tình, Trung tướng Lê Trọng Tấn đã đề nghị Quân ủy cho cánh quân của mình nổ súng trước các hướng khác. Lý do là lực lượng ta còn cách vùng ven từ 15 - 20km, phải vừa đánh vừa tiến quân, lại phải vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu cùng nổ súng sẽ không đến kịp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ đã chuẩn y cho cánh quân phía đông đánh vào 18 giờ chiều 29.4 theo lời đề nghị của Trung tướng Lê Trọng Tấn, sớm hơn giờ G 12 tiếng. Cánh quân của Tướng Lê Trọng Tấn là lực lượng khai hỏa đầu tiên và cũng là một trong những lực lượng tiến vào Sài Gòn sớm nhất, chiếm giữ Dinh Độc Lập và bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Việt Nam cộng hòa, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Một vị tướng đời thường

Tuy làm tới chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng Đại tướng Lê Trọng Tấn lại có một cuộc sống hết sức bình dị và liêm khiết.

Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại - nguyên Cục phó Cục Tác chiến kể lại: “Năm 1984 tôi có đến nhà thăm vợ chồng anh Tấn và chị Sơn, đúng lúc cả hai đang lịch kịch chăm 2 chú lợn. Tôi thắc mắc sao anh chị phải làm vậy thì chị Sơn cho biết: “Anh Tấn nhà tôi nghiêm như thế nào thì chú biết rồi đấy? Tuy là lương tướng nhưng nhà tôi hay có khách ở quê ra, chi tiêu đôi khi cũng tốn kém mà sinh hoạt hàng ngày anh Tấn chỉ ước ao, sáng được một ly cà phê nhỏ, mỗi bữa ăn có được 1 cốc bia hơi và một ngày có bao thuốc Sông Cầu. Nói thật với chú, nếu không nuôi lợn tăng gia thêm thì có lẽ gia đình tôi khó duy trì được cuộc sống, đảm bảo sức khỏe để anh công tác”.

Nói về người cha lỗi lạc của mình, ông Lê Đông Hải (70 tuổi) - đại tá quân đội về hưu, bồi hồi: “Cả cuộc đời cha tôi dành cho chiến trường. Tuổi thơ của tôi rất ít khi được gặp cha nhưng tôi vẫn nhớ như in cách ông dạy tôi. Trước khi sang chiến trường Campuchia, ông đưa cho tôi khẩu súng ngắn rất đẹp và nói: Nếu có mệnh hệ gì thì tự bảo vệ mình, còn nếu không bảo vệ được thì dùng súng này tự xử chứ nhất định không để mình bị nhục...”.

Ông Hải xúc động nói thêm: “Cha tôi nghiêm khắc thế nào ở chiến trường thì cũng nghiêm khắc như thế với gia đình, ông nói phải nghiêm từ gia đình nghiêm đi có thế mới chỉ huy và chỉ đạo được người khác hết lòng. Và cho tới bây giờ tôi chỉ có thể nói, tôi và những người đồng đội của ông luôn nghiêng mình trước ông cả trong chiến đấu và cuộc sống đời thường”.

Sau này Tướng Lê Trọng Tấn cũng là “kiến trúc sư” trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt tại Campuchia, và là người có công trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông đi đến đâu là bộ đội yên tâm chiến đấu hết mình và chiến thắng tới đó.