Sáng kiến này đang được thực hiện ở Quảng Trị và cho hiệu quả khá tốt.
Kiểm soát chặt chẽ các lò mổ
Phường 1, TP. Đông Hà (Quảng Trị), nơi tập trung gần 20 hộ tham gia hoạt động giết mổ gia cầm, được biết đến là điểm ô nhiễm môi trường khá nặng. Hàng ngày, một lượng lớn gia cầm được giết mổ tại đây được đưa vào bày bán công khai tại chợ Đông Hà cách đó hơn 1km.
Chỉ số ít hộ giết mổ nhỏ lẻ ở TP. Đông Hà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc kiểm soát gia cầm đã qua giết mổ vào chợ Đông Hà chưa được quản lý chặt chẽ mặc dù trước đó UBND TP. Đông Hà đã đầu tư gần 1 tỷ đồng nâng cấp khu vực giết mổ gia cầm. Tuy nhiên, ông Hồ Công Tiễn - chủ cơ sở giết mổ phường 1 cho biết: Từ tháng 7, khi dịch cúm gia cầm bùng phát, việc kiểm soát giết mổ đã chặt chẽ hơn, thậm chí gia đình ông phải đầu tư hàng trăm triệu để nâng cấp cơ sở giết mổ, trong đó chú trọng vào việc xử lý nước và chất thải trước khi thải ra môi trường.
“Nhờ sự giúp đỡ của Ban điều phối Dự án Sáng kiến cúm gia cầm và đại dịch của tỉnh Quảng Trị, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp cơ sở để vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”- ông Tiễn cho biết thêm.
Theo bà Lê Thị Nga- Chi cục trưởng Chi cục Thú y, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 10 điểm giết mổ tập trung gia súc và khoảng 300 điểm nhỏ lẻ. Quảng Trị chưa có bất cứ một lò giết mổ gia cầm tập trung nào. Do vậy, bà Nga cho rằng: “Trước mắt, trên cơ sở phân tích những tồn tại, nguy cơ lây nhiễm tại khu vực giết mổ quy mô hộ gia đình, đảm bảo thực hiện đầy đủ các điều kiện về vệ sinh thú y, Chi cục Thú y đề xuất các biện pháp can thiệp nhằm khắc phục và nâng cấp về điều kiện cơ sở vật chất cũng như quy trình vận hành cho các hộ giết mổ”.
Đưa các lò mổ ra xa khu dân cư
“Thực tế, trong điều kiện dịch CGC đã và vẫn đang lan rộng ở 4 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, việc siết chặt quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn khi chưa có những lò giết mổ tập trung”- ông Trần Đức Nhu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết.
Theo ông Nhu, hiện nay Chi cục Thú y tỉnh đang soạn thảo đề án quy hoạch các lò giết mổ gia súc, gia cầm từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Đề án sẽ xây dựng theo hướng di dời các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ra xa khu dân cư, mỗi xã, phường, thị trấn phải đảm bảo có một khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung…
Ths Võ Ngân Giang- Giám đốc kỹ thuật về thú y (Dự án Sáng kiến cúm gia cầm và đại dịch) cho rằng: “Quảng Trị cần sớm hoàn thành việc phê duyệt đề án quy hoạch lò mổ gia súc, gia cầm”. Còn theo ông Trần Công Xuân -Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam: “Ngay ở TP. Đông Hà, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Để có thể kiểm soát được tình trạng giết mổ như hiện nay ở các huyện thị khác không thể nóng vội, làm một sớm một chiều. Vì thế, trong quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, Quảng Trị nhất thiết phải đảm bảo được việc tách rời việc giết mổ ra khỏi khu dân cư”.
Hữu Thông