Dân Việt

Nông dân thờ ơ với bệnh vô sinh

29/04/2011 19:06 GMT+7
(Dân Việt) - Bệnh viện Phụ sản T.Ư vừa công bố thông tin tỷ lệ vô sinh ở nông thôn cao gần gấp đôi thành thị. Đặc biệt, nhóm đối tượng là nông dân có nguy cơ mắc vô sinh cao hơn nhiều lần so với các đối tượng khác.

Chủ quan với bệnh

img

Việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở nông thôn còn bị bỏ ngỏ.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoà (Yên Sơn, Tuyên Quang) lấy nhau đã 5 năm mà chưa có con. Chị Hoà tâm sự: "Vợ chồng mình làm ruộng, nhà nghèo lại thiếu thông tin nên cũng không đi khám, chữa gì". May mắn cho vợ chồng chị khi vừa rồi có đoàn công tác lên điều tra về tỷ lệ vô sinh và anh chị được tư vấn xuống Hà Nội điều trị bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản T.Ư), người trực tiếp tư vấn hỗ trợ sinh sản cho vợ chồng chị Hoà cho biết: Kết quả khám, xét nghiệm cho thấy chị Hoà bị tắc vòi trứng cần phải phẫu thuật nội soi thông vòi trứng.

Không riêng gì chị Hoà, nhiều cặp vợ chồng ở nông thôn vì điều kiện khó khăn, hoặc ít hiểu biết nên tặc lưỡi cho qua khi vợ chồng có "quan hệ" một hai năm mà chưa có con. Anh Hà Quang Hùng cùng vợ là Nguyễn Ngọc Tâm (Nho Quan, Ninh Bình) lên khám tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản T.Ư than thở: "Vợ chồng lấy nhau đã hai năm, do mải làm ăn nên cũng chưa muốn có con ngay. Mới đây kinh tế đỡ khó khăn mới nghĩ đến chuyện sinh con thì không sinh được, đi khám, các bác sĩ bảo bị vô sinh, chúng tôi cũng chẳng biết vì sao mà vô sinh".

Theo kết quả nghiên cứu "Phân bố tỷ lệ vô sinh và các yếu tố ảnh hưởng tại Việt Nam", trong số 14.396 cặp vợ chồng được điều tra, có 5.457 người bị vô sinh là nông dân (chiếm 37%), xếp sau đó là nhóm đối tượng công nhân và người hành nghề buôn bán tự do. Còn xếp tỷ lệ theo địa bàn thì có tới 9.733 người (chiếm 67%) vô sinh đang ở khu vực nông thôn.

Lý giải về sự chênh lệch trong tỷ lệ vô sinh ở nông thôn và thành thị, PGS-TS Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, người chủ trì nghiên cứu cho rằng: "Nhận thức về bệnh tật, trong đó có bệnh vô sinh của nông dân còn nhiều hạn chế. Trong khi đó họ lại sống ở những vùng khó khăn, thường xuyên phải tiếp xúc với hoá chất, thuốc trừ sâu độc hại. Cộng thêm vào đó là khoảng cách về địa lý, văn hoá, nghèo khó… đã cản trở họ đi chữa bệnh. Vì vậy mà tỷ lệ vô sinh cao".

Quá nhiều khó khăn trong việc điều trị

img Yếu tố hàng đầu dẫn đến nguy cơ gây vô sinh là do mất vệ sinh (vệ sinh trong quan hệ tình dục, điều kiện vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt) và hạn chế trong việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sản phụ khoa. img

Nhận định này được chứng minh bằng chính kết quả điều tra khi có tới 70% số cặp vợ chồng tại khu vực nông thôn được hỏi khẳng định chưa từng đi khám vô sinh dù đã có "quan hệ" bình thường đến 2-3 năm.

Bản thân các cặp vợ chồng cũng không có những hiểu biết nhất định về bệnh vô sinh, không được khám sức khoẻ sinh sản trước khi kết hôn.

GS Ngô Trọng Toàn của Trường ĐH Y Hà Nội khẳng định: "Khi phát hiện bị vô sinh, tỷ lệ điều trị vô sinh ở các cặp vợ chồng nông thôn cũng thấp. Với những cặp vợ chồng vô sinh ở thành thị, tỷ lệ điều trị thành công là khá cao do họ có kiến thức và được khám sàng lọc trước khi kết hôn. Trong khi đó việc khám và điều trị vô sinh ở nông thôn hầu như bị bỏ ngỏ. Rất hiếm bệnh viện tuyến huyện có bác sĩ chuyên khoa, may ra có 1-2 bác sĩ sản phụ khoa, nhưng lại không chuyên".