Ông Bế Trường Thành khẳng định: Chính sách dân tộc, đại đoàn kết dân tộc là nhân tố góp phần quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, làm nên những thành quả to lớn của cách mạng dân tộc ta.
Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được chú trọng nâng cao trong những năm gần đây. |
Ông có thể nói rõ hơn những đóng góp của Ủy ban Dân tộc (UBDT) trong việc tham mưu với Đảng về quản lý nhà nước công tác dân tộc trong 25 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước?
- Cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc có 3 chức năng cơ bản, đó là nghiên cứu, tham mưu cho T.Ư Đảng và Chính phủ hoạch định các chính sách dân tộc theo các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cụ thể phù hợp đặc thù của các vùng miền và phù hợp yêu cầu phát triển đất nước trong từng thời kỳ, giai đoạn cụ thể; kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc ở các cấp, các ngành; chỉ đạo tổ chức thực hiện một số chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc...
Công tác dân tộc thực sự đổi mới và đi vào chiều sâu từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 22/NQ-TW, ngày 27.11.1989 về “Một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế-xã hội miền núi”.
Tiếp theo đó, UBDT tham mưu, chuẩn bị nội dung để Hội nghị lần thứ 7 (khoá IX) BCH T.Ư Đảng ban hành Nghị quyết chuyên đề số 24/NQ-TW về công tác dân tộc; đồng thời giúp Chính phủ xây dựng các chương trình, hành động nhằm cụ thể hoá các nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc.
Tác động của các chính sách quan trọng về lĩnh vực công tác dân tộc vào phát triển kinh tế- xã hội khu vực dân tộc, miền núi như thế nào, thưa ông?
Những mốc lịch sử
Ngày 3.5.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58 thành lập Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số- tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay.
Phòng Quốc dân thiểu số (1947-1954).
Tiểu ban Dân tộc (1955-1959).
Ban Dân tộc (1955-1959).
Ủy ban Dân tộc Chính phủ (1959-1986).
Văn phòng Miền núi và Dân tộc (1987).
Ban Dân tộc T.Ư (1979-1993).
Ủy ban Dân tộc và Miền núi (1993-2003).
Ủy ban Dân tộc (2003 đến nay).
- Với hiệu quả của một số chính sách hỗ trợ, đặc biệt là Chương trình 135, 134 cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, đời sống của nhân dân các DTTS và miền núi cả nước đã có chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, hệ thống chính trị được quan tâm và tăng cường đầu tư.
Tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc đạt 8-10%/năm; hiện thu nhập bình quân đầu người 4,2 triệu đồng/năm; không còn hộ đói kinh niên; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn từ 47% ở năm 2006 xuống 28,8% năm 2010... Thành tựu giảm nghèo nói chung và khu vực dân tộc và miền núi nước ta được quốc tế đánh giá cao.
Việc hoạch định chính sách dân tộc tới đây cần theo hướng nào để hạn chế khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS và miền núi với các vùng khác?
- Trước đây, chính sách dân tộc thường theo lộ trình “dễ làm trước, tiến dần đến nơi khó khăn hơn”, nay tập trung làm nơi khó khăn nhất, nghèo nhất theo phương châm “Nơi nào khó khăn hơn được quan tâm, ưu tiên hơn”.
Chính sách dân tộc còn bao gồm cả bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc; tăng cường củng cố đội ngũ cán bộ cơ sở người dân tộc; chính sách giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; chính sách với người có uy tín trong cộng đồng các DTTS...
Nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN (khoá III), ông đánh giá gì về vai trò của Hội NDVN và Báo NTNN tham gia thực hiện các chính sách dân tộc, đại đoàn kết dân tộc?
- UBDT và T.Ư Hội NDVN đã có nhiều chương trình phối hợp công tác; tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả như nghiên cứu, khảo sát các chuyên đề về ND là người DTTS; điều tra đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc ở nông thôn, miền núi; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho bà con các dân tộc thiểu số địa bàn khó khăn...
Đặc biệt, Ban chấp hành Hội NDVN khoá IV có Nghị quyết chuyên đề “Hội NDVN tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi khó khăn”, giai đoạn 2005-2010. Theo đó, từ nhiều nguồn lực, Hội đã đầu tư nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc và miền núi. Tới đây, UBDT và T.Ư Hội NDVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới...
Báo Nông Thôn Ngày Nay là người bạn thân thiết của cán bộ, người dân vùng dân tộc, miền núi. Cùng với phản ánh sinh động đổi thay; những khó khăn của vùng đồng bào dân tộc, miền núi, báo đã chuyển tải nhiều nội dung thiết thực, hữu ích đối với bà con như kiến thức khuyến nông, khuyến lâm; kinh nghiệm sản xuất, cách làm ăn... góp phần vào phát triển vùng DTTS và miền núi với mục tiêu “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển” giữa các dân tộc và đại gia đình các dân tộc Việt Nam...
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyễn Công (thực hiện)