Dân Việt

Kỳ thi THPT quốc gia 2015: “Nhức đầu” với các giải pháp kỹ thuật

Quốc Hải 29/09/2014 07:03 GMT+7
Có trên dưới 50 “vấn đề” về các giải pháp kỹ thuật của kỳ thi THPT quốc gia 2015 mà Bộ GDĐT cần nghiên cứu thấu đáo để có một kỳ thi nghiêm túc, hiệu quả và an toàn…

Khắc phục những giải pháp kỹ thuật còn vướng mắc là vấn đề quan tâm chung của các đại biểu tham dự Hội nghị về kỳ thi THPT quốc gia vừa được tổ chức tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, thì: “Tôi chỉ tính sơ sơ cũng có trên dưới 50 vấn đề liên quan đến các giải pháp kỹ thuật của kỳ thi mà Bộ GDĐT cần nghiên cứu thấu đáo, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục để khắc phục”.

Nhức đầu với chi phí

Ông Hội Nghĩa nêu vấn đề đầu tiên: “Chỉ lấy đơn giản vấn đề tổ chức thi, mọi năm thi theo 3 chung thì các trường ĐH, CĐ tổ chức thi sẽ phải tự bỏ chi phí ra thuê cơ sở thi, thuê GV coi thi, chấm thi… Bây giờ nếu tổ chức theo cụm thì chi phí này ai sẽ chịu? Nếu quy định cho thí sinh đóng chi phí này thì sẽ thu bao nhiêu, ai đứng ra thu? Còn nếu do ngân sách chi thì chi như thế nào vì chi phí ở cụm thi địa phương chắc chắn sẽ rẻ hơn nhiều so với thi ở các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Hoặc, nếu giao cho Bộ Tài chính quản lý khoản thu này thì liệu có xảy ra tình trạng chồng chéo?”.

Một đại biểu đại diện cho khối các trường ĐH công lập thắc mắc: “Năm nay từ thực tế tuyển sinh của trường chúng tôi cho thấy tỷ lệ thí sinh “ảo” rất lớn. Nếu năm tới các thí sinh được thoải mái đăng ký xét tuyển ở các trường thì chắc chắn tỷ lệ ảo còn cao hơn nữa, sẽ khó khăn cho các trường trong khâu tuyển sinh, gây lãng phí chi phí liên quan tới xét tuyển”.

“Đó là chưa kể vấn đề thí sinh muốn phúc khảo bài thi thì sẽ phúc khảo ở đâu. Tôi ví dụ, chẳng hạn thí sinh này thi tại cụm thi TP.HCM, sau khi thi xong sẽ gửi bài thi về ĐHQG TP.HCM chấm thi sau đó gửi dữ liệu về Bộ GDĐT. Sau đó, thí sinh này muốn phúc khảo thì sẽ gửi về đâu để phúc khảo? Chi phí thuê GV chấm phúc khảo ai sẽ chịu?”- đại diện này cho biết.

Lúng túng với môn ngoại ngữ

Nhiều ý kiến từ các Sở GDĐT lại quan tâm đến vấn đề “miễn thi” môn ngoại ngữ và môn thay thế môn ngoại ngữ. Một đại biểu đặt vấn đề: “Nếu miễn thi ngoại ngữ thì sẽ cho thí sinh mấy điểm môn này để xét tuyển vào ĐH-CĐ? Những chứng chỉ của tổ chức nào thì đủ uy tín để công nhận xét tốt nghiệp? Việc xác minh các giấy tờ để miễn ngoại ngữ sẽ do đơn vị nào phụ trách, chi phí ai chịu? Cơ sở nào để xác định trường không đạt chuẩn miễn ngoại ngữ và sử dụng môn thay thế? Giả sử như thí sinh đó giỏi môn ngoại ngữ và quyết định chọn thi trong khi cả trường đều sử dụng môn thay thế thì thí sinh này phải làm sao”…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hội Nghĩa- Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Kỳ thi THPT quốc gia là buộc phải tổ chức rồi vì nó đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Vấn đề bây giờ của chúng ta là phải nghiên cứu kỹ, tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp từ các chuyên gia giáo dục, xã hội để làm sao hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật tối ưu nhất; sẵn sàng cho một kỳ thi an toàn, nghiêm túc”.

Được biết, tất cả ý kiến từ phía các trường ĐHCĐ và các Sở GDĐT sẽ được Bộ GDĐT tiếp thu và nghiên cứu trước khi chính thức ban hành trong quy chế thi và văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.