Dân Việt

“Cổ tích” về tình yêu lính biển

29/04/2011 19:14 GMT+7
(Dân Việt) - Không biết trong chuyện riêng của mỗi người còn có những mối tình nào đẹp hơn thế, nhưng trong cảm nhận của tôi thì mối tình của những người lính hải quân mà tôi được biết, được gặp có lẽ là những mối tình đẹp nhất.

Nhiều lúc tưởng chừng như chuyện tình của họ như chuyện cổ tích, nhưng nó lại là sự thật ngay giữa đời thường...

img
Gia đình trung úy Lâm Văn Thiều hạnh phúc bên nhau ngày anh nghỉ phép đầu năm 2011.

Thử chữ nhận người

Nên duyên chồng vợ và đã có con được 6 năm nhưng chuyện tình của chiến sĩ Nguyễn Văn Chinh cùng cô giáo mầm non Hoàng Thị Mai vẫn còn nóng hổi như mới ngày nào và đẹp như một “thiên tình sử” mà những đồng đội của anh ở Trường Sa cũng như bà con xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng vẫn truyền tai nhau mỗi khi có dịp nhắc về họ.

Năm 2004, trên đảo Trường Sa chưa phủ sóng điện thoại nên nguồn động viên lớn nhất, khích lệ nhất đối với cánh lính không gì khác hơn là những lá thư kết bạn qua báo chí. Mối tình của chiến sĩ Chinh bắt đầu nảy nở từ đó. Hàng ngày thấy đồng đội lúi húi viết thư kết bạn qua báo, Chinh cũng “liều mình” viết thư làm quen với người con gái có cái tên đẹp như hoa ở cùng huyện. Thấp thỏm chờ đợi và rồi niềm vui khôn tả với người chiến sĩ trẻ cũng đã đến.

Từ ngày nhận được lá thư của người con gái nơi đất liền, Chinh thường xuyên viết thư hồi âm mặc dù 2 người chưa một lần gặp mặt. 6 tháng sau, Chinh về nghỉ phép và đã đi tìm gặp Mai. Lúc đó Mai mới chỉ là cô học trò cấp 3 đang ôn thi đại học.

Như chưa tin được gặp anh lính đảo “bằng xương bằng thịt” là thật, cô học trò cấp 3 ấy bắt Chinh viết thử chữ trên giấy để so chữ với hàng chục bức thư nhận được. Run lắm, nhưng có lẽ vui nhiều hơn bởi đấy là lần đầu được gặp người con gái mong nhớ nên Chinh đồng ý thử ngay, bởi đấy là niềm tin duy nhất của người con gái với Chinh.

Và có một điều đặc biệt, trong mỗi bức thư Chinh viết bao giờ cũng có 2 nét chữ chỉ có Mai mới biết. Những dòng đầu lúc nào Chinh cũng nắn nót kiểu chữ viết báo cáo (bởi Chinh hay viết báo cáo) và những dòng sau thì “dòng cảm xúc vào cầu” nên đổ nghiêng ngả. Khi nhận ra anh thì cô nữ sinh vui sướng thốt lên: Đúng là anh rồi, chẳng chạy vào đâu được!

Từ bạn sang yêu

Tình cảm của Chinh và Mai bắt đầu chỉ là anh em bình thường, nhưng rồi sau hơn một năm thư đi thư về đã “đơm hoa kết trái” cho tình yêu từ khi nào chẳng hay. Không nhận được thư của Mai là Chinh thấp thỏm ngóng trông.

Chẳng thể đành, một ngày Chinh quyết định viết thư tỏ tình với người con gái mà anh thầm yêu trộm nhớ bao ngày qua. Những tháng ngày thư đi là những tháng ngày chờ đợi hồi hộp của chàng trai trẻ, chỉ nhỡ... Nhưng “chỉ nhỡ” ấy đã vụt biến khi Chinh đọc được dòng thư nhận lời yêu của cô sinh viên mầm non.

Một người ở tận hải đảo xa xôi và một cô sinh viên trẻ trung nơi đất liền tưởng chừng như khó đến với nhau được. Nhưng qua bao thử thách của thời gian và niềm cảm phục người lính biển của cô gái trẻ, Mai đã yêu và chờ Chinh. Tình yêu của 2 người ngày càng nồng thắm hơn bao giờ hết.

Và năm 2005, tại quê nhà Đồng Minh, Vĩnh Bảo, họ đã nên duyên vợ chồng. Trong ngày vui của mình, Chinh đã hát một bài. Và khi anh cất lời “Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...”, cả rạp cưới như lặng thinh, có những người vội lau giọt nước mắt bởi họ biết rằng sau ngày cưới ít ngày là anh lại lên đường đi làm nhiệm vụ.

Một năm sau đó, người vợ trẻ được hội tụ cùng chồng trên đảo Trường Sa lồng lộng gió khi VTV3 thực hiện Chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”. Giờ đây, Chinh vẫn hăng say làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương, còn Mai là cô giáo làng ngày ngày vui vầy bên đàn trẻ thơ.

Cưới nhanh như lính... đi phép

Cũng là người lính đảo Trường Sa như Chinh, trung uý trẻ Lâm Văn Thiều (quê Nghĩa Tân, Nghĩa Hưng, Nam Định) phải tranh thủ thời gian nghỉ phép để thực hiện chiến dịch “đánh nhanh thắng nhanh” với cô giáo cấp hai trường làng. Chẳng thể chần chừ, anh Thiều chân thành thưa với bố mẹ vợ tương lai: “Con đã 32 tuổi rồi, mà điều kiện của con không cho phép ở nhà lâu, hai bác cho phép con cưới em Lan”. Thế là 15 ngày nghỉ phép trong năm 2006, đám cưới của họ đã được tổ chức mà chẳng kiêng kị ngày xấu tốt, tuổi tác ra sao, mặc cho người ta bảo cô dâu đang ở tuổi “kim lâu” (26). Cưới xong hơn tuần, anh trở lại canh giữ biển đảo Tổ quốc.

13 năm đi lính thì cũng đến 3 năm anh Thiều ra giữ đảo Trường Sa. Cái nắng cái gió nơi ấy đã làm đen nhánh làn da anh, nhưng nụ cười của anh lúc nào cũng lấp lánh, yêu đời. Anh bảo: “Mình khâm phục vợ mình thật, từ lúc có bầu đến khi sinh thằng cu Thiên đều một tay cô ấy chăm sóc. Thương nhất là lúc con ốm đau mà không có chồng bên cạnh để chia sẻ, gánh vác cùng. Nếu có bằng khen tặng vợ, mình xin xung phong tặng vợ mình ngay”.

13 tháng trời, con sinh ra mà cha chưa được một lần gặp con. Anh Thiều chỉ biết mặt con qua vẻn vẹn tấm ảnh thằng cu 4 tháng tuổi bụ bẫm mà vợ anh gửi ra đảo. Càng ngắm ảnh con, nỗi nhớ vợ nhớ con càng da diết trong lòng người lính trẻ. Nỗi nhớ ấy như sóng biển Trường Sa chẳng lúc nào thôi đập. Dịp có đoàn công tác ra thăm đảo, một chị làm ở Hội Phụ nữ TP.Hà Nội đã bật khóc khi nghe anh kể về cậu con trai chưa gặp từ khi mẹ cháu mang bầu đến lúc hơn 1 tuổi. Chính anh an ủi lại chị và cũng tự an ủi mình: “Lính đảo bọn em lúc nào cũng đặt nhiệm vụ lên hàng đầu mà chị”.

Lâu mới về, bố lại quát con...

Ngày thằng cu ốm nằm viện, nó khóc suốt, vợ anh tủi thân gọi điện cho chồng để dỗ con. Nghe con khóc mà ruột gan anh nóng như lửa đốt, cố gạt dòng nước mắt để an ủi vợ và vỗ về con. Lần đó, anh xin về đất liền thăm con ốm.

Cái ngày trở về gặp con, hạnh phúc sung sướng và hồi hộp chẳng gì diễn tả nổi. Đi xe khách từ Nam ra Bắc, đến Ninh Bình thì xe vào trạm nghỉ ít phút, nhưng mong ước gặp con bấy lâu nay dồn nén trong lòng khiến người cha ấy không thể dừng được nữa, anh chạy thẳng ra đường bắt xe ngay về Nam Định. Bà cố, mẹ anh, vợ anh, gia đình anh và con anh đang đợi anh về.

Thấm thoắt, cu Thiên đã được 4 tuổi rồi nhưng những đồng đội, người thân của anh chẳng thể quên nổi câu chuyện “con không nhận ra cha” của trung uý Lâm Văn Thiều.

Gần nửa đêm bước chân vào căn nhà quá đỗi quen thuộc, quá đỗi nhớ thương, vội thả bịch ba lô xuống nền nhà, chạy thẳng đến ôm chầm lấy con và bật khóc như chưa bao giờ được khóc, chẳng còn để ý đến ai. Vợ anh tủi thân đứng nép mình bên cột nhà nước mắt cứ chảy tràn...

Đến giờ anh Thiều vẫn nhớ như in: “Chưa bao giờ gặp mặt cha, nhưng hình như trong tiềm thức của đứa trẻ mới gần 2 tuổi cũng cảm nhận được tình máu mủ đêm đó, nó nằm im trong vòng tay bố. Nhưng phải cười ra nước mắt, sáng hôm sau ngủ dậy, thằng cu nhìn thấy mình nằm bên cạnh, tự nhiên khóc ré lên làm mẹ nó đang nấu cơm dưới bếp hoảng hốt chạy lên xem có chuyện gì. Bởi từ trước chỉ có 2 mẹ con ngủ cùng nhau, nay tự dưng có một người đàn ông xa lạ nằm trên giường với nó”.

Từ ngày vào đất liền với con, anh Thiều được chuyển về kho 703 Hải quân. Cha con được gần nhau hơn, tình cảm máu thịt của người cha dành cho con đã đủ để nó cảm nhận. Mỗi dịp hè và Tết, anh lại đón vợ con ra đơn vị chơi để con quen hơi bố, để anh có dịp bù đắp tình cảm với vợ con mà bấy lâu nay không thể làm. Còn ngày thường, thi thoảng về nghỉ phép, thấy con lười không chịu ăn, anh quát con thì cu cậu lại sụt sùi tủi thân “lâu bố mới về lại quát con”. Những lúc như thế, anh lại thương con đến nghẹn lòng.