Sau mùa lũ, đất thường bị đóng váng bề mặt. Điều này khiến đất không còn thoáng khí, không còn đủ oxy cung cấp cho rễ hô hấp.
Rễ thiếu oxy, đồng thời bị ngộ độc CO2 cùng các độc chất khác, làm bị “nghẹt”, sau đó thối và làm lá bị vàng rụng. Hậu quả là các loài nấm bệnh trong đất (chủ yếu là Fusarium và Phytophthora) dễ tấn công gây hại cho cây trong và sau mùa lũ. Chính vì thế cần chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật để giúp cây phục hồi sau lũ.
Bảo vệ tốt vườn cây sau mưa lũ để giữ vững năng suất cho những vụ sau. |
Xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (dài 8 - 10cm) để phá váng, giúp đất được thông thoáng. Đào mương để nước rút nhanh ra khỏi vườn cây. Dùng cây tre, nứa... buộc chéo để chống đỡ cho những cây bị nước lũ làm ruỗng gốc rễ không bị đổ ngã. Khai rãnh ở mặt liếp, thoát nước trong mương để hạ nhanh mực thuỷ cấp trong liếp, giúp rễ mau thông thoáng hơn.
Bón thêm phân để kích thích cây ra rễ mới, kịp thời hút nước và dinh dưỡng cung cấp cho cây, giúp cây phục hồi nhanh. Có thể trộn 2/3 phân DAP với 1/3 phân clorua kali rồi rải bón khoảng 0,3 - 1kg hỗn hợp này cho một cây (tùy theo cây đã lớn hay còn nhỏ). Cần cung cấp thêm chất vôi cho vườn cây ăn trái trong giai đoạn này với liều lượng từ 0,5 - 1kg cho mỗi gốc (khoảng 500kg – 1.000kg/ha).
Mặt khác, cần bổ sung kịp thời dinh dưỡng cho cây bằng các phân bón qua lá. Phun phân NKP (100g/10 lít nước) đều lên thân, lá; sau 5 ngày phun lại lần 2. Nên sử dụng phân bón lá có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cây trồng như: N, P, K, Ca, Mg, S, Fe... Có thể phun tổ hợp phân: 4 phần phân NKP + 1 phần phân urê, trộn đều, sau đó lấy từ 100 - 150g hoà tan trong một bình 10 lít và phun đều lên trên lá.
Khi phun đường gluco thì nên cộng thêm phân urê với tỷ lệ: 4 phần gluco + 1 phần urê để cây dễ hấp thụ. Trộn đều và lấy ra khoảng 50g hoà tan trong bình 10 lít phun đều lên lá.
Chú ý trị các loại bệnh do nấm tấn công ở vùng gốc và rễ cây bằng các loại thuốc thích hợp.
ThS Khánh Thị Bích Thủy