Phát biểu tại hội thảo, một lãnh đạo của Ban Tuyên giáo T.Ư đã nói: “Mỗi ngư dân hoạt động trên biển là một người lính biên phòng, là tai mắt của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ an ninh biên giới quốc gia”.
Nói đến tư cách “người lính” của ngư dân không có nghĩa ngư dân Việt Nam khi đánh cá trên biển phải mang theo vũ khí. Cái mà họ mang theo là tình yêu biển quê hương, là mục tiêu lao động để nuôi sống gia đình, là khát vọng hoà bình và hữu nghị giữa những người lao động trên biển thuộc các quốc gia khác nhau.
Trong Chiến lược biển VN tới năm 2020 không chỉ có đánh bắt hải sản, nhưng đánh bắt hải sản luôn là một mục tiêu rất quan trọng, vì nó gắn liền với cuộc sống của hàng triệu ngư dân và gia đình họ. Những tranh chấp trên biển không thể được giải quyết xong ngày một ngày hai, nhưng việc đánh bắt hải sản của ngư dân thì chỉ tạm thời gián đoạn khi những vùng biển họ lao động có bão tố. Còn lại, gần như hơn 9 tháng trong năm, ngư dân đều sống và làm việc trên biển, gắn liền với biển.
Những ngăn trở, vây bắt, đòi tiền chuộc nhiều khi thô bạo của nước ngoài đối với ngư dân đảo Lý Sơn khi đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa không chỉ nhằm hạn chế dẫn tới triệt tiêu những con thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trên chính những vùng biển đảo thuộc chủ quyền Tổ quốc mình, mà còn khiến đời sống ngư dân Lý Sơn nhiều phen khốn đốn.
Nhưng bất chấp những rủi ro, kể cả hiểm nguy, ngư dân Lý Sơn vẫn kiên trì bám vùng biển Hoàng Sa là ngư trường quen thuộc với mình từ bao đời nay. Chỉ riêng sự kiên trì và bền chí đó thôi đã khiến mọi người Việt Nam yêu nước đều xúc động và tự hào.
Rất nhiều sự hỗ trợ vật chất cũng như tinh thần đã và đang tới với những gia đình ngư dân đảo Lý Sơn gặp nạn khi đánh cá ở Hoàng Sa. Và những sẻ chia ấy cũng góp phần làm cho Chiến lược biển VN được thực hiện một cách hiện thực.
Vươn ra biển lớn không chỉ còn là khát vọng, mà đã thành mục tiêu của kinh tế biển Việt Nam. Trong việc thực hiện Chiến lược biển, thì sự đầu tư và trợ giúp cho ngư dân, đặc biệt là ngư dân đang khai thác hải sản ở những vùng biển khơi xa thuộc chủ quyền Việt Nam trở thành một yêu cầu bắt buộc, nếu chúng ta muốn VN hoàn thành được những mục tiêu trong Chiến lược ấy.
Quốc gia nào sở hữu biển cũng đều có những Chiến lược biển của mình. Việt Nam không là ngoại lệ. Và quốc gia nào khi muốn phát triển kinh tế biển, muốn “vươn ra biển lớn” cũng đều chú trọng lực lượng ngư dân của họ, và cũng đều trợ giúp bằng nhiều cách để ngư dân có đủ phương tiện và vốn liếng nhằm khai thác hải sản ngoài khơi xa có hiệu quả nhất.
Thanh Thảo