Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang không trả lời trực tiếp câu hỏi, không nói là có hay không, ông vẫn quả quyết một câu là đã chỉ đạo quyết liệt và sổ đỏ được cấp đạt trên 85%. Tuy không khẳng định có “bôi trơn”, nhưng bộ trưởng thừa nhận có nhiều nguyên nhân gây ra chậm trễ, trong đó “có cả việc nhũng nhiễu, phức tạp ở đô thị”.
Có lẽ các quốc gia có nền hành chính văn minh sẽ không hiểu nổi vì sao cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất lại khó khăn phức tạp đến độ phải đưa ra để chất vấn tại Quốc hội. Chuyện quá bình thường, giản đơn, là công việc đương nhiên của cơ quan chính quyền. Công dân nào có đầy đủ hồ sơ thì chính quyền phải có trách nhiệm cấp sổ đỏ, chấm hết. Thậm chí, nếu ai còn thiếu giấy tờ cần thiết thì phải hướng dẫn, giúp đỡ để họ có thể nhận được giấy chứng nhận nhanh nhất có thể. Một chính quyền do dân, vì dân không phải là hô khẩu hiệu mà phải phục vụ dân hiệu quả, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.
Thế nhưng, cái mà đáng lẽ công dân thụ hưởng nền hành chính văn minh có được như cơm ăn nước uống, thì ở Việt Nam nhiều khi phải chi phí “bôi trơn” vì bị nhũng nhiều, hạch sách. Mỗi lần đến cửa công để liên hệ thủ tục nhà đất, “ông chủ” phải khúm núm trước các “đầy tớ” và sẵn sàng chịu mọi sự cư xử hách dịch chỉ để xin cho được cái của mình. Chi 8 triệu đồng để được cấp sổ đỏ là bỏ tiền mua cái của mình. Đó là một thực tế ai cũng biết, chỉ có điều không ai dám nói ra. May thay, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã nói thay cho dân.
Cấp sổ đỏ đạt 85% chẳng có chi là đáng khen, vậy mà xem như là thành tích. Vô lý như vậy đó. Nhưng đau cho dân - những người trong cuộc - là ở chỗ, trong 85% trường hợp được cấp sổ đỏ, có bao nhiêu phần trăm phải đóng phí “bôi trơn”. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đưa ra con số 8 triệu đồng là một điển hình, và nó cho thấy đường dây cấp sổ đỏ này đã khai thác dân để làm giàu. Tham nhũng dự án công trình tính con số tiền tỷ, tham nhũng cấp sổ đỏ mỗi sổ 8 triệu đồng gọi là “tham nhũng vặt”, nhưng nếu tính hết hàng ngàn sổ thì không còn là “vặt” nữa.
Dân nộp thuế là để trả lương cho cán bộ công chức chính quyền làm việc cho mình, nhưng đến khi dân cần thì phải hối lộ mới được việc. Đây cũng là một bằng chứng cho thấy, người ta kêu ca lương nhà nước thấp, nhưng nhiều người “chạy” trối chết để có một chân trong nhà nước, kể cả gian lận trong thi tuyển công chức
Thực ra, để dẹp “loạn” này quá dễ. Đơn vị nào để tồn đọng, chậm trễ cấp sổ đỏ so với thời hạn quy định thì cách chức, đuổi việc những người có trách nhiệm là xong. Thế nhưng người ta đã không làm, cứ mỗi lần họp Quốc hội lại đem ra chất vấn.