Dân Việt

Cảm động người thương binh nặng 40 năm sống trong chòi thắp hương cúng đồng đội

Phan Phương (Dòng Đời) 05/10/2014 06:32 GMT+7
Ông có một ngôi nhà tình nghĩa khang trang do Bộ Quốc phòng xây tặng nhưng ông chẳng ở trong đó bao giờ. Hơn 40 năm qua, ông sống trong căn chòi lá do chính tay mình tự làm. Căn chòi đó là thế giới của riêng ông; ở đó ông sống với một “di chứng ám ảnh” của cuộc chiến tranh ác liệt mà dường như nó chưa hề kết thúc trong cuộc đời ông…

Ông tên là Hoàng Huy Đồng, năm nay tròn 70 tuổi, nhưng người dân thôn Văn La (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) vẫn quen gọi là ông Còng bởi đã từ lâu cái lưng của ông đã gập song song với mặt đất…

Căn nhà của tiềm thức

Ông Đồng không vợ, không con. Người thân duy nhất của ông hiện nay là  gia đình người em dâu ở cách nhà ông khoảng 500m. Bà Lê Thị Dứ, người em dâu của ông, kể: Ông Đồng là bộ đội đi B. Năm 1973, ông bị bom vùi trong một trận đánh tại chiến trường miền Nam ác liệt. Do bị thương nặng, ông Đồng xuất ngũ, nhưng cũng từ đó thần kinh ông không được bình thường nữa, lúc tỉnh lúc mê. Ông mê, tỉnh với nỗi ám ảnh thường trực là bom nổ, bom vùi.

Ông Đồng luôn ở trong trạng thái sợ chiến tranh cho dù cuộc chiến đã kết thúc gần nửa thế kỷ. Vì sợ bom nổ, sợ chiến tranh nên ông Đồng đã tự tay làm căn nhà tranh, đúng hơn là cái chòi mà ở dưới nền nhà ông đào luôn một cái hầm để…tránh bom. Căn nhà đó, do một mình ông tự làm nên nó rất bé, chỉ một mình ông chui lọt và chỉ một mình ông ở trong ấy.

img

Hàng ngày ông Đồng ra vào trong căn chòi của mình.

Theo lời bà Dứ, trước đây lúc còn khỏe, một mình ông Đồng lên núi chặt cây, bứt tranh về, rồi một mình ông dựng khung, đan tranh lợp nhà. Một mình ông cặm cụi như thế nhưng phải mất cả tháng trời “căn nhà” mới làm xong. Do nhà làm bằng cây rất nhỏ, lợp bằng tranh lá, nó không đủ sức chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của miền Trung nên hầu như một năm hai bận, năm nào ông Đồng cũng đều phải sửa “nhà”. 

Anh Hoàng Đức Trung, con trai bà Dứ, cháu gọi ông Đồng bằng bác tâm sự: “Thương bác côi cút một mình, đã bao lần gia đình bảo bác về đây ở hẳn trong nhà để tiện bề chăm sóc nhưng bác đâu có chịu. Cũng không dưới 3 lần tự tay tui châm lửa đốt cái chòi của bác với hy vọng, không còn chỗ chui ra chui vào nữa thì bác đành chịu mà về đây ở. Rứa mà, tui đốt chòi xong, bác lại cặm cụi làm lại, lại còn giận tui cả tháng trời không thèm nói chuyện, không thèm về nhà ăn cơm nữa.

Năm 2010, Bộ Quốc phòng hỗ trợ làm cho bác một căn nhà tình nghĩa khang trang nhưng mọi người thuyết phục mãi bác cũng không chịu vào ở, chỉ ở ngoài cái chòi thôi. Cơn bão số 10 năm ngoái đã thổi bay toàn bộ cái chòi của bác. Tui mừng thầm vì bây giờ sức khỏe của bác cũng đã yếu, cây rừng, tranh, tóc (gốc lúa) cũng không còn, chắc bác không còn đủ sức để làm lại cái chòi mô. Rứa mà các anh coi, bão xong bác lại đi chặt cây, đi nhặt những tấm bạt hỏng, những chiếc chiếu hỏng để dựng lại cái chòi và lại ở trong cái chòi có căn hầm trú ẩn đó…”.

Hiện là người nuôi dưỡng ông Đồng và có nhiều năm sống gần ông, bà Dứ có lẽ là người hiểu ông Đồng hơn cả. “Lúc đầu vợ chồng tui (chồng bà Dứ là ông Hoàng Trọng Đôn, em trai ông Hồng, cũng là một cựu chiến binh, đã mất cách đây 8 năm – NV) cũng hết lời khuyên bác ấy về đây mà ở. Nhưng nhiều lần quan sát tui thấy, hàng ngày dù đã ăn cơm ở đây, bác ấy vẫn lấy ở nhà tui 2 lon gạo về chòi tự nấu cơm. Nấu rồi, bác ấy bới cơm ra nhiều chiếc lá, sắp một hàng trên một tấm ván và thắp hương. Tui nghĩ, chắc bác ấy đang cúng cơm cho đồng đội của bác ấy…Cũng từ đó, vợ chồng tui không khuyên bác về nhà ở nữa. Tui nghĩ, có lẽ chỉ ở trong căn chòi đó, bác ấy mới tìm thấy được sự bình yên, thanh thản của cuộc đời…” – bà Dứ tâm sự.

 Gia đình tui đã rất nhiều lần khuyên bác Đồng về nhà ở cùng, thậm chí thằng Trung đã nhiều lần châm lửa chốt chòi của bác cũng vì rứa… Nhưng có lẽ chỉ ở trong căn chòi đó, bác ấy mới tìm thấy được sự bình yên, thanh thản của cuộc đời. Năm nay bác Đồng đã 70, cũng yếu rồi có lẽ không sống được bao lâu nữa. Thôi thì tui thay chồng tui, lo cơm nước cho bác được ngày nào hay ngày đó” - Bà Lê Thị Dứ

Cuộc đời bi thương của một người đàn ông “đa tài”

Bà Dứ kể rằng, khi bà về làm vợ ông Đôn (em trai ông Đồng) thì ông Đồng cũng vừa mới trở về từ chiến trường miền Nam với triệu chứng lúc tỉnh, lúc mê của một thương binh nặng. Ngày đó cả làng Văn La đều nghèo khổ nhưng gia đình chồng bà có lẽ là cực khổ nhất. Bố chồng bà bị mất khi chồng mà vẫn đang nằm trong bụng mẹ. Một mình mẹ chồng bà tần tảo nuôi 3 người con trai khôn lớn. Lớn lên khi đất nước còn chiến tranh nên cả 3 người con trai của mẹ chồng bà Dứ đều xung phong đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở các mặt trận ác liệt nhất.

Ông Đồng chiến đấu ở chiến trường B, người anh thứ 2 là ông Hoàng Huy Tông, chiến đấu ở chiến trường C (nước bạn Lào) và hy sinh ở đó, đến nay gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Còn chồng bà Dứ là ông Hoàng Trọng Đôn, cũng là một cựu chiến binh trở về từ mặt trận Vĩnh Linh (Quảng Trị). “Trong 3 anh em trai của chồng tui, mẹ chồng tui và bà con lối xóm vẫn thường nhắc đến bác Đồng như một người thanh niên “đa tài”, học giỏi, nhưng số phận lại rất bi thương…” – bà Dứ hồi tưởng.

img

Ông Đồng trong túp lều có hầm trú ẩn trước căn nhà khang trang. 

Mất cha, là anh cả trong gia đình, ông Đồng phải phụ mẹ làm rất nhiều việc nuôi em. Thế nhưng, ông Đồng là một người ham học và học rất giỏi. Ngày đó, ở khu vực gần làng Văn La không có trường cấp 3, ông Đồng và những người bạn cùng trang lứa của ông phải đi bộ gần 20 km về tận vùng Cộn (Đồng Hới) để học. Là dân “làng lên phố” đi học, nhưng ông Đồng là một trong những người đứng đầu lớp về học tập.

Ông Nguyễn Quang Hợp, một người hàng xóm, cũng là bạn học của ông Đồng nhớ lại: “Thằng Đồng học rất giỏi, nhiều bài toán khó chúng tôi đều phải nhờ hắn giải dùm. Đặc biệt, Đồng có rất nhiều tài vặt: Đánh đàn, thổi sáo…món nào cũng giỏi. Đồng có nhiều bạn gái, chắc các cô ấy mê các tài vặt đó của nó”.

“Có rất nhiều bạn gái, nhưng có lẽ Đồng chưa kịp sâu đậm với cô nào thì nó đã làm đơn đi bộ đội khi chưa kịp tốt nghiệp cấp 3. Ở chiến trường được 3 năm thì Đồng  trở về với tình trạng nửa tỉnh, nửa mê cho đến bây giờ” – ông Hợp nhớ lại những kỷ niệm với người bạn cùng trang lứa.

Cũng theo lời ông Hợp, cuộc sống gần 40 năm qua của ông Đồng hằn sâu trong tiềm thức với mỗi nỗi ám ảnh từ cuộc chiến tranh ác liệt đã qua. Ngoài việc làm cái chòi lá với cái hầm trú bom, thì người làng Văn La đã rất nhiều lần chứng kiến cảnh ông Đồng cầm cây sắn (trong tư thế của người cấm súng) miệng hô xung phong đến khản cả cổ. Trong sinh hoạt hàng ngày, ông Đồng chỉ thích mặc áo quần bộ đội, mà thích nhất vẫn là những chiếc áo trấn thủ làm bằng bông. Đi đứng thì luôn thẳng hàng, vuông góc như cách mà bộ đội hành quân, tập đội hình đội ngũ.

Hàng ngày, ngoài 3 bữa cơm ở nhà người em dâu, ông Đồng cũng hay ra chợ để xin ăn. Tuy nhiên, ông chỉ xin những tấm bánh ướt, bánh đa, bánh rán và chỉ xin đủ ăn thôi, ai cho nhiều ông không lấy. Biết ông Đồng thích hút thuốc, nhiều người cũng mời nhưng thuốc thì mỗi lần ai mời ông lấy 3 điếu, không lấy ít hơn hoặc nhiều hơn. Nhiều người gặng hỏi ông về điều này, ông chỉ cười mà không trả lời. Chỉ biết ở căn chòi của ông, nhiều người vẫn thấy rất nhiều cái tàn thuốc được cắm vào những cái que hương…

Bây giờ đã 70 tuổi thì đã có hơn 40 năm ông Đồng sống trong căn chòi lợp bằng lá đó với những tiềm thức của một quá khứ ác liệt. Vì sao ông Đồng trọng căn chòi lá của mình hơn bất cứ ngôi nhà kiên cố nào; điều này thì chỉ có một mình ông Đồng biết, vì đó là cuộc đời ông, cuộc đời của một người mắc “di chứng ám ảnh”.