Mới đây, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xét xử vụ án giết người đối với bị cáo Võ Quốc Phong (SN 1983, ngụ thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Trong suốt phiên tòa, phía đại diện hợp pháp gia đình bị hại bức xúc yêu cầu tòa xử tăng hình phạt đối với bị cáo chỉ vì người nhà bị hại bực tức cho rằng “bên gia đình bị cáo vô cảm đến mức không thể chấp nhận được”.
“Huynh đệ tương tàn” chỉ vì bãi nước bọt
Nơi xảy ra vụ án mạng đau lòng là một vùng ven ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Một ấp từ lâu được tôn vinh là ấp an ninh trật tự, bao lâu nay người dân vẫn sống trong cảnh thanh bình. Vậy mà cách đây chưa đầy một năm kể từ ngày vụ án em giết anh họ xảy ra tại nơi này đã làm cho người dân ở đây không khỏi bàng hoàng trước nghịch cảnh anh em chém giết nhau, một mất một còn.
Được biết, Võ Quốc Phong và anh Võ Văn Châu vốn là hai anh em họ hàng sống cùng xóm với nhau ở ấp 2, xã Trung An. Tuy là anh em chú bác ruột, Châu là con nhà bác, Phong là con nhà chú nhưng không hiểu vì lý do gì mà từ lâu anh em họ không thể thuận thảo với nhau. Hai bên luôn bất hòa nên ra đường đụng mặt, chẳng ai thèm nhìn ai.
Trước đó, TAND tỉnh Tiền Giang chỉ xử phạt Phong 14 năm tù. Bản án đã không thuyết phục phía gia đình bị hại. Cho rằng mức án như vậy là chưa đủ để làm bài học răn đe với kẻ mất hết tính người, kể cả người anh họ hàng với mình cũng giết. Rất giận nên bà Trần Thị Đẹp là mẹ ruột của bị hại đã kháng cáo lên TAND Tối cao yêu cầu tòa xử tăng hình phạt đối với Phong.
Lần xử phúc thẩm thứ nhất cả hai phía đều không mời luật sư, mọi hình phạt đối với bị cáo bà Đẹp cho rằng cứ để tòa phán quyết. Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát cho rằng mặc dù mức án không bị kháng nghị nhưng phía bị hại đã kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo là có cơ sở để chấp nhận. Lý do, hành vi của bị cáo thuộc trường hợp giết người có tính chất côn đồ, từ đó kiểm sát viên đề nghị tòa phạt bị cáo từ 17 đến 18 năm tù. Cuối cùng, tòa cho rằng, do bị cáo bị đề nghị ở khoản 1 Điều 93 có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng bị cáo không có luật sư tham gia bào chữa. Vì vậy, tòa phải hoãn xử mời luật sư cho bị cáo để tránh vi phạm tố tụng.
Thương bị cáo, oán người thân
Vào giữa tháng 9, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở lại phiên xử. Hôm đó, vợ chồng bà Đẹp đến tòa từ rất sớm ngồi ở hàng ghế thứ hai. Lát sau, Phong được dẫn giải đến tòa. Gặp nhau chốn pháp đình, bác cháu họ đã không nhìn mặt nhau, họ đến tòa mỗi người một tâm trạng.
Đúng 8 giờ sáng, phiên xử bắt đầu, trước khi xét xử, tòa hỏi bà Đẹp có còn giữ nguyên kháng cáo tăng án đối với bị cáo không hay có thay đổi gì khác, dù sao bị cáo cũng là cháu ruột của bà. Tòa muốn nghe bà quyết định lại một lần nữa. Nghe tòa hỏi, bà Đẹp chắc giọng giữ nguyên kháng cáo.
Tòa bắt đầu xét xử vụ án. Đứng trước vành móng ngựa, Phong mắt rướm đỏ khai rõ sự tình, trước đó bị cáo nhiều lần bị anh Châu phun nước bọt vào mặt sỉ vả. Đem lòng thù tức nên bị cáo mới đoạt mạng anh mình. Nghe vậy, bà Đẹp dằn giọng phản bác: “Tôi phản đối việc bị cáo nói con tôi phun nước bọt vào mặt bị cáo, chuyện này không ai làm chứng, cũng không có chứng cứ gì chứng minh, toàn bộ chỉ do bị cáo khai. Sợ dĩ bị cáo đoạt mạng con tôi vì có mối thâm thù từ trước. Chúng nó vốn đã không thuận thảo với nhau, ganh ghét nhau nên mới giết người oan uổng như vậy”.
Nghe vậy, Phong cãi, bị cáo quả quyết có bị nạn nhân nhiều lần phun nước bọt vào mặt. Trước sự bất hòa giữa hai bên, tòa giải thích: “Cho dù anh của bị cáo có phun nước bọt vào mặt bị cáo đi chăng nữa thì tại sao không giải quyết mối bất hòa này bằng một cách khác mà phải đâm chết anh họ mình?”. Lúc đó, Phong mới không cãi nữa mà cúi đầu ăn năn nhưng sự việc đã rồi. Tòa hỏi, về việc bồi thường cho bên bị hại thì Phong cho biết nhà bị cáo rất nghèo, không có tiền để bồi thường. Nghe vậy, bà Đẹp bức xúc nói, đáng lẽ ra bà không kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo đồng thời cũng là đứa cháu kêu bà bằng bác ruột.
Bà Đẹp cũng cho biết, từ ngày xảy ra án mạng, Phong bị bắt tạm giam thì đã đành, bà không trách cháu nhưng người đáng trách hờn đó là gia đình bị cáo. Bà Đẹp uất hận nói: “Từ hôm xảy ra án mạng, người thân trong họ hàng có nói với gia đình bị cáo rằng, bằng mọi giá, hãy sang năn nỉ anh chị hai (tức vợ chồng bà Đẹp) cho ảnh chỉ nguôi giận mà tha thứ cho cháu nhưng họ cũng không đến thăm hay xin lỗi gì cả. Thậm chí, ngày nào họ cũng đi ngang nhà tôi mà không thèm ghé thắp cho cháu nó nén hương an ủi chứ nói gì đến chuyện bồi thường”.
Lý lẽ mà bà Đẹp đưa ra được tòa giải thích, đó là vấn đề đạo đức, là cách cư xử với nhau trong cuộc sống đời thường và là đạo lý làm người trong xã hội, tòa không ý kiến. Còn phía tòa chỉ xem xét đơn kháng cáo phía bị hại yêu cầu tăng án đối với bị cáo. Hôm xử phúc thẩm cũng chẳng có người thân nào của bị cáo đến dự phiên tòa. Tất cả họ đều vắng mặt.