Dân Việt

Tự Long - chàng bán kem dạo trở thành Phó Giám đốc Nhà hát

Huy Hoàng (Dòng đời) 04/10/2014 06:37 GMT+7
“Tôi là người khi muốn làm gì phải làm cho đến chết, phải làm bằng được. Chính vì vậy, tôi đã thử sức, khám phá mình bằng nhiều vai diễn khác nhau trong nghệ thuật chèo. Từ vai kép, đào, mụ, hề…đến vai chính diện, phản diện, nhân cách lớn tôi đều kinh qua và 10 năm không ngừng nghỉ cống hiến ấy là 10 huy chương vàng”, NSƯT Tự Long chia sẻ với Dòng đời ngay sau khi anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội.

Ngay sau khi hay tin NSƯT Tự Long được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, tôi đã đến chia vui và chúc mừng anh. Bởi hiếm có người nghệ sĩ nào vừa tự lập thân, đi lên từ vùng quê, hoàn cảnh nghèo khó lại đạt được thành tích như vậy. Tính đến nay, Tự Long đã có  10 huy chương, trong đó 7 huy chương vàng với một giải thưởng toàn quân và một giải thưởng toàn quốc và 3 huy chương bạc. Và gần nhất ngày 15.09.2014 vừa qua anh tiếp tục gặt hái thành công khi nhận được quyết định bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội. Nhưng ít ai biết sau những thành công, những giải thưởng đó, NSƯT Tự Long đã từng có những ngày tháng đói nghèo, vất vả cơ cực và thiếu đi tình thương, sự chăm sóc của bố mẹ từ khi anh còn chưa tròn một tuổi.

Duyên bán kem dạo

NSƯT Tự Long chia sẻ, ngày xưa ở quê với bà khổ lắm, từ lúc 9 tháng tuổi anh đã được mẹ cai sữa và cho về ở với bà nội ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Cả tuổi thơ của anh là bám váy và bú bà trong căn nhà tranh, vách đất. Mùa đông cũng như mùa hè, hai bà cháu cứ ôm nhau nằm ngủ trên chiếc giường tre duy nhất. Kể cả cho đến khi Tự Long 15 tuổi học lớp 7, được lên thị xã Bắc Ninh sống với bố mẹ, thì anh vẫn là đứa trẻ khổ nhất trong số những đứa trẻ ở khu tập thể ấy.

img Tự Long trong ngày nhận quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Nhà hát chèo quân đội. (Ảnh: Internet)

“Cứ đến kỳ nghỉ hè tôi lại về quê ở với bà nội và chú út. Ông đóng cho tôi một thùng kem và cho mượn chiếc xe đạp, 3 tháng ròng rã tôi bon bon trên khắp chặng đường ở quê đi rao bán kem” - NSƯT Tự Long nhớ lại.

Hỏi sao anh phải ở với bà thời gian dài đến vậy. NSƯT Tự Long cho hay, bố mẹ anh cũng làm nghệ thuật nên hay phải đi lưu diễn. Bố mẹ anh là diễn viên của Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh, ông bà một trong số những người đầu tiên đặt viên gạch cho đoàn. Những ca sĩ nổi danh như Thúy Hường, Quý Tráng, Thúy Cải… đều do ông bà đi tuyển về cho Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh. Tuy nhiên Tự Long không giận hờn trách cứ gì ông bà khi thời gian được sống với bố mẹ trong suốt tuổi thơ chỉ vỏn vẹn có 4 năm.

Chia sẻ về thu nhập bán kem, Tự Long cho biết, cũng có một số vốn kha khá là khoảng gần 20.000 đồng lận lưng vào những năm 1987-1988 để trang trải tiền học và mua sách vở, quần áo khi vào đầu năm học. Tự Long tiết lộ bí quyết bán kem thành công như thế bởi anh có một chiêu duy nhất đó là đi đến đâu cũng rao rất to, ngôn từ rất văn vẻ nên được chú ý. 
“Nhưng nói thật với bạn, lúc đầu đi bán kem tôi cũng rất ngại và xấu hổ lắm. Bởi dù sao mình cũng là trai phố, thị xã về quê chơi hè, thế mà lại dép lê đạp xe nhong nhong rao bán kem dạo” - NSƯT Tự Long tâm sự.

Mặc dù lớn lên ở mảnh đất quan họ, được thấm những giai điệu, vở chèo như “Quan âm Thị Kính”, “Trương Viên…”, được thừa hưởng gen nghệ thuật từ đằng ngoại, có chất giọng khá hay thì NSƯT Tự Long đến với nghệ thuật cũng khá muộn màng so với nhiều nghệ sĩ cũng được sinh ra trong môi trường nghệ thuật.

Trước khi bước chân vào giảng đường Trường Văn hóa nghệ thuật Bắc Giang và làm ở Đoàn Chèo tỉnh Bắc Giang, NSƯT Tự Long đã có mấy năm đi học Trung cấp xây dựng để chờ tuyển đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Sau năm 1999, NSƯT Tự Long đầu quân về Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, truân chuyên từ những vai cầm cờ chạy hiệu mà đi lên. Anh vẫn thường trả lời rằng, sự xuất hiện trên sàn diễn của mình bắt đầu từ những vai chỉ chạy qua sân khấu rồi được dừng lại nói hai ba câu cho đến khi kịch bản có đến mười phút thoại. Tự Long tự hào kể: “Trời cũng không phụ người, nhờ kiên trì học và chờ đợi, cơ hội rồi cũng đến. Khán giả biết đến, nhớ tên, yêu quý tôi từ các chương trình Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm... Và với nghề chèo mà tôi vẫn xác định là cái đích phấn đấu cho mình, tôi cũng đã có những thành công như Huy chương vàng vai Chúa Trịnh trong “Chuyện người xưa” Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2005; Giải nhì Tài năng trẻ 2007; Huy chương vàng vai Hoàng Trọng Vinh trong “Đêm trắng”, Hội diễn toàn quân 2008, vở “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời”, “Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong  như ngọc một con người”...

Đã làm là làm đến tận cùng

Chia sẻ trong việc đầu quân về Nhà hát Chèo Quân đội, Tự Long cho biết, anh về đây cũng rất vất vả chứ không sung sướng như mọi người nghĩ. 2 năm sau đầu thử việc, đến năm 2003 được chuyển sang ký hợp đồng và được gọi là công nhân viên quốc phòng, từ đây Tự Long mới chính thức là người của quân đội. Khi được hỏi anh có ngại khi mọi người vẫn thường nói về những nghệ sĩ lên làm lãnh đạo, đằng sau người diễn viên giỏi là một người quản lý tồi. 

 

NSƯT Tự Long lắc đầu: “Tôi không lo sợ, cho dù biết những đúc kết của dân gian thường là không sai. Ngay cả cụ Tào Mạt đã từng nói, đã làm quan thì thôi làm hề, mà đã làm hề thì thôi làm quan. Bởi nếu làm cả hai thì quan dở mà hề nhạt. Tuy nhiên, trong cuộc sống điều gì cũng có ngoại lệ của nó, có những người diễn viên giỏi nhưng chưa chắc họ quản lý đã tồi”. 

img NSƯT Tự Long và con trai. (Ảnh: Internet)

“Tôi nghĩ câu nói ấy có thể đúng với môi trường này, với người này nhưng lại không đúng với môi trường khác và người khác. Tôi được biết rất nhiều vị lãnh đạo bước lên từ diễn viên nhưng họ chỉ giỏi về một mặt về chuyên môn diễn xuất, còn họ không có kinh nghiệm về mặt quản lý và tổ chức. Nhiều người thậm chí không biết tổ chức một buổi kết nạp đảng viên, tổ chức một đại hội cần phải có quy trình ra sao” - NSƯT Tự Long nói.

Quan điểm
img
Nghệ sĩ Tự Long • Vừa được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội
  Tôi không lo sợ, cho dù biết những đúc kết của dân gian thường là không sai. Ngay cả cụ Tào Mạt đã từng nói, đã làm quan thì thôi làm hề, mà đã làm hề thì thôi làm quan. Bởi nếu làm cả hai thì quan dở mà hề nhạt. Tuy nhiên, trong cuộc sống điều gì cũng có ngoại lệ của nó, có những người diễn viên giỏi nhưng chưa chắc họ quản lý đã tồi... 
Làm lãnh đạo giống như làm diễn viên, cần có tố chất và tài năng, có những người diễn viên cả đời trên sân khấu hay trên màn ảnh chỉ đóng được một dạng vai. Nhưng cũng có những người lại đóng được rất nhiều vai khác nhau.

“Tôi đã từng đóng rất nhiều thể loại, từ cầm cờ chạy qua sân khấu, đến các loại vai táo khác nhau trong chương trình gặp nhau cuối năm. Trong chèo, tôi được đóng từ vai kép, đào, mụ, hề... nhưng ở thể loại nào tôi cũng cố gắng làm tốt và tránh trộn lẫn khi làm nghề ở hai mảng. Vì một là bên diễn sinh hoạt đời thường, một bên lại là khuôn vàng thước ngọc được đúc kết hàng trăm năm. Tôi cho rằng, đó là hạnh phúc của người làm nghề, làm nghệ thuật, được trải nghiệm qua nhiều loại vai diễn” - NSƯT Tự Long trải lòng.

Tự Long cho biết, lúc đầu khi thầy Doãn Hoàng Giang cùng một vài người ê kíp trong đoàn trao trọng trách cho mình vai diễn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong vở “Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong  như ngọc một con người”, có nhiều ý kiến cho rằng, Tự Long quen đóng các vai hề, hài, quen cung cách diễn bắng nhắng sao có thể vào vai chính diện, đi, đứng, ăn nói, các cử chỉ có thể đàng hoàng đĩnh đạc cho được. 

“Thế nhưng tôi đã hoàn toàn nhập vai, thoát xác với vai diễn đến mức khi ra sân khấu. Lúc đầu khán giả ồ lên, không tin đấy là Tự Long, không tin tôi có thể vào vai bởi họ chỉ nhìn thấy tôi bắng nhắng, nhảy nhót, hát hò nhí nhố trong chương trình Gặp nhau cuối năm. Sau một vài một phút, mà nói đúng hơn là sau một phân cảnh, khán giả đã hoàn toàn quên mất đó là Tự Long, diễn viên hài, mà lúc ấy họ chỉ nhìn thấy một Nguyễn Chí Thanh - một nhân cách lớn” - Tự Long tâm sự.