Không được bán vé, xác nhận đặt chỗ
Theo dự thảo thông tư, xe chở khách du lịch, xe hợp đồng chỉ được đón trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Để thêm quy định “siết” xe dù trá hình xe khách tuyến cố định, Bộ GTVT cũng đề xuất điểm mới là đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch không được đón, trả khách tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ xe. Đồng thời, các đơn vị hợp đồng đưa đón học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân đi làm theo tuyến cố định cũng phải báo cáo tuyến đường hoạt động, thời gian, điểm dừng đỗ.
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội đánh giá cần thiết phải có các quy định siết chặt xe dù “núp bóng” chạy tuyến cố định. Ông Liên lấy ví dụ tuyến Hà Nội – Lạng Sơn hiện có hàng trăm xe dạng hợp đồng chủ yếu là xe 16 chỗ ngồi bắt khách dọc đường, tuyến Hà Nội – Sơn Tây, tuyến Hà Nội – Việt Trì có cả xe trên 30 chỗ giả danh xe khách tuyến cố định. Thậm chí, có xe làm giả cả phù hiệu hợp đồng. Ông Liên cho rằng: “Thực ra chế tài có rồi nhưng cơ quan quản lý không làm đến nơi đến chốn. Chỉ cần dừng xe lại, kiểm tra hợp đồng, ai là người đứng tên hợp đồng là có thể xử lý được ngay. Chính vì không kiểm tra giám sát được mới để xảy ra lộn xộn”.
Ông Lê Trung Tính – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải LT&DL TP.HCM cũng đã đề nghị Bộ GTVT làm rõ việc được phép đón trả khách tại các điểm ghi trong hợp đồng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lợi dụng xe hợp đồng hoạt động vận tải ngoài luồng tuyến, bến bãi quy định.
Có vẽ thêm việc?
Ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định quy định không bán vé, xác nhận đặt chỗ chỉ áp dụng với xe chở khách du lịch, xe hợp đồng. Hành khách vẫn tiến hành mua vé trước, đặt chỗ đối với xe được cấp phép chạy tuyến cố định. Ông Quyền cho rằng: “Xe hợp đồng, xe du lịch phải thực hiện theo đúng tính chất loại hình kinh doanh. Lâu nay một số xe đăng ký kinh doanh hợp đồng du lịch nhưng lại phát hành vé hay phát giấy chứng nhận đặt chỗ. Rồi họ lấy điểm đỗ là khách sạn, quán cà phê. Nghĩa là kinh doanh theo hình thức xe khách tuyến cố định. Những hình thức như thế bây giờ là không được phép, phải chấm dứt”.
Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về tính khả thi của một số quy định mới. Như Hiệp hội Vận tải LT&DL TP.HCM đề nghị bỏ quy định trước khi thực hiện hợp đồng vận tải khách du lịch hay hợp đồng chở khách (với ô tô 10 chỗ trở lên) phải thông báo tới Sở GTVT hành trình, thời gian thực hiện hợp đồng bằng văn bản hoặc qua thư điện tử. Bởi quy định này thực chất chỉ làm tăng thêm khối lượng công việc của cả doanh nghiệp cũng như của cơ quan nhà nước.
Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng đây là quy định khó thực hiện, không dễ đi vào cuộc sống bởi cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đều phải bố trí thêm người. Ông Liên cho rằng: “Nếu nhà chỉ có 1 – 2 xe kinh doanh thì chỉ vẽ thêm việc cho vui chứ không giải quyết được vấn đề gì. Hơn nữa với hàng nghìn xe hợp đồng, xe du lịch Sở GTVT sẽ quản lý thế nào cho xuể. Chúng tôi ủng hộ sửa đổi Thông tư 18 vì đã bỏ đi nhiều điểm không hợp lý, nhưng lại đẻ ra nhiều biện pháp khác khó khả thi”.