Dân Việt

Đầu hè, mất ăn mất ngủ vì muỗi

30/04/2011 06:01 GMT+7
Hai tuần nay, vì nhà bỗng nhiên có quá nhiều muỗi, nên cứ tối đến, dù nóng, chị Lưu (đường K3, Cầu Diễn, Hà Nội) vẫn phải mặc quần áo dài cho con rồi vừa cho bé ăn, vừa cảnh giác xem bé có bị muỗi châm không.

Cậu con trai chị bị muỗi đốt nhiều, ngứa ngáy, hay gãi khiến các nốt càng đỏ, sưng. Bản thân chị, dù tối ngủ đã buông màn nhưng sáng ra tay chân vẫn chi chít nốt. Lo lắng, cuối tuần vừa rồi, vợ chồng chị mua thuốc diệt muỗi về phun, và đưa con sang nhà người chị ở gần đó tá túc hai ngày vì sợ thuốc ảnh hưởng không tốt đến bé.

img
Thời tiết bắt đầu vào hè, với nhiệt độ không quá cao, muỗi phát triển nhanh, gây không ít phiền toái cho người dân ở nhiều nơi. Xịt thuốc là cách được nhiều gia đình lựa chọn. Ảnh minh họa: Nam Phương.

Dù ở tận tầng 12 của một tòa nhà chung cư ở Mỹ Đình nhưng gia đình chị Kiều cũng mệt mỏi vì có nhiều muỗi.

"Thời gian này mọi năm nhà mình ở cao vậy không hề có muỗi, quanh năm không phải mắc màn, năm nay không hiểu sao lại có. Chúng rất dạn, đuổi không đi, dùng vợt muỗi có vẻ không ăn thua, mà bôi thuốc chống muỗi cho con nhiều sợ không tốt, nên hôm rồi ông xã phải đi sắm cái máy bắt muỗi", chị Kiều kể.

Theo tiến sĩ Hồ Đình Trung, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thì sự tăng nhiệt độ môi trường trong thời gian gần đây (có thể một phần do tác động của biến đổi khí hậu) là một trong những yếu tố rút ngắn vòng đời của muỗi, dẫn đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của các loài muỗi nhanh, khiến mật độ loài này tăng cao.

Tiến sĩ Trung cho biết thêm, vòng đời của muỗi có 4 giai đoạn: trứng, bọ gậy, quăng và muỗi trưởng thành. Cũng như các loài côn trùng khác, sự phát triển của các giai đoạn trong vòng đời của muỗi rất nhạy cảm với biến đổi nhiệt độ. Nhiệt độ môi trường thích hợp cho muỗi phát triển là khoảng trên dưới 25 độ C. Nhiệt độ càng cao (nhưng không quá 35 độ C thì vòng đời phát triển của muỗi càng ngắn.

Hiện tại, ở nhiều nơi, mật độ muỗi rất cao, do đang giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ vừa phải, có những cơn mưa nhỏ đầu hè góp phần hình thành nhiều ổ nước, thích hợp cho nhiều loài muỗi đẻ trứng.

Muỗi có khả năng truyền một số bệnh nguy hiểm cho người như bệnh sốt xuất huyết, giun chỉ, viêm não Nhật Bản, sốt vàng da... Muỗi cũng được "kết tội" là thủ phạm giết người khủng khiếp nhất trên trái đất, khi số người tử vong vì nhiễm bệnh do muỗi truyền có thể lên tới hàng triệu trong một năm. Nhiều loài muỗi không truyền bệnh nhưng khi đốt người cũng gây nhiều phiền toái, khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của cộng đồng.

Tiến sĩ Trung cũng cho biết người dân có thể dùng biện pháp phòng chống muỗi sau:

- Xua, diệt muỗi bằng hóa chất: Phun thuốc diệt muỗi trong và xung quanh nhà, không gian sống, đốt hương muỗi.

- Dùng thiên địch để diệt muỗi: Thả cá vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt bọ gậy. Cách này có ưu điểm là không gây độc hại cho người và môi trường sống.

- Cải tạo môi trường sống: Nạo vét cống rãnh, vũng nước. Phát quang bụi rậm. Sử dụng bồn chứa nước sinh hoạt kín.

- Sử dụng đèn bẫy muỗi: Đèn bẫy muỗi được chế tạo với một đèn phát ánh sáng hấp dẫn muỗi và côn trùng tụ tập đến, bao quanh bởi lưới kim loại có hiệu điện thế thấp. Khi muỗi và côn trùng sa vào lưới, dòng điện nhỏ sẽ phóng qua và tiêu diệt chúng. Phương pháp này sử dụng được trong nhà và ngoài trời.

- Dùng vợt điện: Vợt được thiết kế như vợt bắt muỗi cầm tay, chỉ gồm lưới kim loại có điện thế, chạy pin. Vợt này đòi hỏi kỹ thuật sử dụng của người bắt muỗi, có thể có ích trong nhà, nhưng hiệu quả không cao.

- Buông màn: Cách này dùng đơn giản, hiệu quả, có thể sử dụng cả ban ngày (ngủ trưa) và ban đêm (ngủ buổi tối).

- Lưới chống muỗi: Sử dụng lưới cửa, là các lưới kim loại có lỗ nhỏ, không cho muỗi hay các loại côn trùng vượt qua và xâm nhập vào nhà ở, nhưng vẫn đảm bảo thoáng khí và ánh sáng.

Cách này không độc hại, hiệu quả chống muỗi tốt, nhưng có nhược điểm là chi phí cao, không phù hợp với tất cả thiết kế nhà.

- Dùng thuốc xua muỗi: Thuốc bôi lên da để xua muỗi không cho muỗi đậu lên da, tiện dụng khi đi du lịch đến vùng đất nhiều muỗi. Những thuốc này thường chứa các hóa chất như deet, tinh dầu bạc hà mèo, nepetalactone, tinh dầu xả hay tinh dầu bạch đàn (còn gọi là dầu khuynh diệp)...

- Máy phát siêu âm xua muỗi: Các máy này được chế tạo nhỏ như đồng hồ, đeo ở tay, chạy pin, phát ra sóng siêu âm khiến muỗi không muốn lại gần, nhưng tai người không nghe thấy gì. Tiện dụng khi đi du lịch các vùng đất nhiều muỗi.

Theo tiến sĩ Hồ Đình Trung, tùy từng hoàn cảnh, không gian sống mà người dân có thể sử dụng một hoặc kết hợp các biện pháp phòng chống muỗi trên. Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến tư vấn của những cá nhân, tổ chức có chức năng và được phép hoạt động trong lĩnh vực phòng chống côn trùng để lựa chọn một biện pháp hiệu quả.

Ngoài ra, bạn chỉ nên sử dụng các hóa chất, chế phẩm, dụng cụ... diệt muỗi đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong y tế và gia dụng (thông tin này được in trên nhãn chai lọ, gói đựng hóa chất). Phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc an toàn khi sử dụng hóa chất, chế phẩm... diệt côn trùng ghi trên nhãn. Ngoài ra, không nên lưu trữ các hóa chất này trong nhà vì rất nguy hiểm nếu trẻ em lấy được, vì vậy, chỉ nên mua đủ dùng mà thôi.

Theo VnExpress