Dân Việt

Nông dân “cầm tay chỉ việc” cho nông dân

Lê San 01/10/2014 06:23 GMT+7
“Nhờ được hướng dẫn theo cách cầm tay chỉ việc mà mình đã học được cách ủ phân vi sinh. Thầy giáo lại là người của bản mình, nên hiệu quả nhìn thấy rõ rệt” - anh Hà Duy Ngôi (xã Côn Minh, huyện Na Rì, Bắc Kạn), nói. 

Khi nông dân là giảng viên

Năm 2010, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) thuộc Dự án 3PAD tỉnh Bắc Kạn phối hợ Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Sở NNPTNT… tỉnh Bắc Kạn triển khai các nhóm tiết kiệm và tín dụng, mô hình “Nông dân dạy nông dân” đã góp phần xoá đói giảm nghèo một cách bền vững cho bà con nông dân vùng cao, vùng DTTS... Đặc biệt sau 3 năm triển khai các mô hình này, việc dạy nghề cho đồng bào DTTS đã có hiệu quả rõ rệt.

Anh Ngôi cho hay: “Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi theo tập quán cũ, lợn chậm lớn, thời gian nuôi lâu hơn. Gia đình chỉ nuôi được 1- 2 lứa/năm và cũng chưa biết cách ủ chua thức ăn, nên mất rất nhiều thời gian nấu cám và rất tốn củi. Sau khi được tham gia vào 3 lớp hướng dẫn của chương trình, gia đình tôi đã chăn nuôi được từ 2 – 3 lứa lợn mỗi năm. Hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt, mức thu nhập bình quân của gia đình đạt hơn 10 triệu đồng/khẩu/năm”.

Điều đáng nói là chính những người dân tham gia vào những lớp tập huấn của dự án lại trở thành những giảng viên hướng dẫn lại cho chính đồng bào mình. Anh Võ Ngọc Dương ở xã Nhạn Môn, huyện Pắc Nặm kể: Năm 2011, tôi được tham gia lớp học nghề kỹ thuật sản xuất phân vi sinh của Trung tâm Dạy nghề công nông nghiệp Bắc Kạn. Sau hơn 2 tháng, tôi nắm vững kiến thức về ủ phân vi sinh và áp dụng vào sản xuất tại gia đình, đem lại hiệu quả cao. Kết hợp với những kiến thức có được từ khóa tập huấn nâng cao năng lực cho “giảng viên nông dân”, tôi đã áp dụng hướng dẫn cho bà con trong thôn bản ứng dụng rộng rãi vào sản xuất. Năm 2013, tôi đã ký hợp đồng làm “giảng viên” hướng dẫn cho bà con và tới nay tôi đã trực tiếp hướng dẫn 12 lớp cho 220 hộ. “Điều tôi tâm đắc nhất là dự án đã cho tôi thêm kiến thức, nâng cao năng lực, nghị lực để vượt qua rào cản của cuộc sống, tự giúp chính mình và giúp được cho những người khác” - anh Dương bày tỏ.

Hơn 7.600 hộ hưởng lợi

Ông Lưu Văn Quảng – Chủ tịch Hội ND Bắc Kạn, đơn vị chủ trì mô hình “Nông dân dạy nông dân” của Dự án 3PAD, cho biết: “Qua thực tế theo dõi tại địa phương, chúng tôi nhận thấy mô hình tập huấn “Nông dân dạy nông dân” có các ưu điểm là các giảng viên là đồng bào các dân tộc ở tại thôn bản đó sẽ chủ động được thời gian, sử dụng ngôn ngữ địa phương (nếu cần thiết); xây dựng bộ tài liệu với từng địa phương dễ hiểu, gần gũi và phương pháp cầm tay chỉ việc dễ làm, dễ hiểu và dễ vận dụng, khi học viên có những thắc mắc trong quá trình thực hiện mô hình tại gia đình cũng dễ dàng trao đổi với giảng viên; ngoài ra, các giảng viên tại chỗ này không ngại việc, không sợ bẩn, nhất là trong việc thực hành ngoài đồng ruộng, chuồng trại” – ông Quảng nói.

Các “giảng viên tại chỗ” này chủ yếu lên lớp tập huấn các nội dung kỹ thuật đơn giản như: Ủ phân vi sinh; ủ chua thức ăn cho gia súc; chăn nuôi lợn gà, vỗ béo trâu bò, nuôi cá ruộng; trồng mận, chuối tây, ngô lai, nấm… Ông Quảng chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho giảng viên là nông dân, là bà con các dân tộc về kỹ năng lên lớp; cách soạn bài giảng; nâng cao năng lực để các giảng viên này ngày càng đáp ứng được yêu cầu của dự án”.

Qua 3 năm triển khai mô hình “Nông dân dạy nông dân”, dự án 3PAD Bắc Kạn đã mở được 404 lớp với 7.610 hộ đồng bào vùng cao tỉnh Bắc Kạn hưởng lợi.