Cuộc trùng tu không xin phép
Chùa Trăm Gian có tên gọi cổ thời Lý là Quảng Nghiêm, được xây dựng cùng thời với chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang). Chùa được xây dựng bằng gỗ, trải qua biết bao năm mưa nắng và chiến tranh nên đã được trùng tu nhiều lần, kiến trúc chuẩn thuở sơ khai đã không còn sử sách nào ghi lại.
Những cây cột của chùa cũ đã bị rỗng ruột hoàn toàn. |
Lần phục dựng gần như hoàn toàn diễn ra vào năm 1987 chỉ còn giữ lại được một số pho tượng La Hán và 10 bức phù điêu (được làm từ thời Nguyễn). Hệ thống tượng ở đây đầy đủ cho một Phật điện thông thường, từ Tam Thế đến Hộ Pháp. Đặc biệt pho Tuyết Sơn tương tự bố cục pho Tuyết Sơn chùa Tây Phương, song các đường gân và mạch máu lại nổi lên rất rõ, làm bằng gỗ mít sơn đen.
Lần trùng tu năm 1987, chùa được sửa chữa rất nhiều hạng mục nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc thời Nguyễn (các họa tiết và phù điêu đều mang hình rồng thời Nguyễn). Chùa được trùng tu đúng vào thời điểm kinh tế đất nước khó khăn nên vật liệu dựng lại chùa không phải là gỗ quý, hai cây cột cái to nhất chùa sau khi dỡ bỏ đã bị phát hiện rỗng ruột hoàn toàn.
Trước tình trạng chùa bị xuống cấp, năm 2009, Bộ VHTTDL có văn bản thỏa thuận cho phép trùng tu nhưng không biết huy động kinh phí từ đâu nên việc trùng tu chưa được tiến hành. Ngày 1.6 (âm lịch) tức ngày 19.7.2012 vừa qua, khi chùa đang làm lễ, một thanh xà vì mục nát đã bị gãy. Sau đó, với lý do đảm bảo an toàn cho bà con đến làm lễ, toàn bộ ngôi chùa bị dỡ bỏ và được xây dựng lại bằng nguồn đóng góp từ các phật tử hảo tâm.
Tuy nhiên việc xây dựng, tu sửa lại chùa chưa được báo cáo với chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền, chức năng chưa có sự tham gia vào phương án thiết kế. Chính vì vậy, công trình đã bị đình chỉ thi công vào ngày 24.8.
Mong sớm có hướng xử lý
Sau nhiều thời gian bị báo chí coi là “né tránh dư luận”, sư thầy Thích Đàm Khoa - trụ trì chùa đã gặp phóng viên Báo NTNN và “xin phép có ý kiến trước”: “Chùa bị hỏng thì phải xây lại để có nơi cho phật tử cầu Phật, điều ấy có gì sai? Còn xin trùng tu thì chúng tôi đã xin và được sự cho phép của Bộ VHTTDL từ năm 2009, nhưng lúc đó kinh phí không có. Từ khi chùa được xây dựng lại hơn tháng nay cũng không thấy có đoàn nào đến đặt vấn đề tham gia tư vấn về thiết kế, chúng tôi cũng mong cấp trên giúp đỡ về việc này lắm chứ. Trên thực tế thì thiết kế chùa đang xây dựng vẫn lấy nguyên từ kiến trúc cũ, có điều là cột gỗ to hơn mà thôi”.
Tuy nhiên, dư luận không chỉ lên tiếng về cách xây dựng mới ngôi chùa mà còn về việc sơn sửa lại tượng Phật và bộ tranh Thập điện Diêm Vương. Không biết sau khi trùng tu, nó liệu có phải là đồ nguyên gốc? Sư thầy Thích Đàm Khoa cho biết: “Rất nhiều người đã có ý kiến nghi ngờ về việc thật - giả của những bức tượng Phật và tranh mộc bản sau khi tu sửa. Thậm chí nhiều người dân còn vào chùa đòi xem tận mắt, tay sờ những bức tượng để kiểm tra, việc này rất không nên”.
Về việc xác định xem những cổ vật chùa Trăm Gian có còn là cổ vật thật hay không, theo sư thầy thì rất đơn giản với trình độ khoa học hiện nay. Sư thầy Thích Đàm Khoa khẩn thiết mong muốn Bộ VHTTDL có đoàn công tác về tận nơi để tư vấn, kiểm tra và cho phương hướng về việc xây lại chùa (nhưng đến tận bây giờ điều đó vẫn chưa xảy ra mà chỉ có quyết định đình chỉ như vừa qua). Ông Đặng Đình Bát - chủ tế chùa Trăm Gian cho biết: “Bà con phật tử chúng tôi mong muốn cấp trên có phương hướng xây dựng sớm để bà con có nơi sinh hoạt tôn giáo. Nhà chùa thì cũng mong sớm có đoàn công tác đến kiểm tra các cổ vật để lấy lại thanh danh cho nhà chùa”.
Tuấn Lệ