Khi Kiều Trinh “sụp đổ”
Trong quá khứ, tuyển nữ Việt Nam đã thua Hàn Quốc 2 lần ở vòng bảng ASIAD 2006 (1-3) và ASIAD 2010 (1-6). Và việc các cô gái Việt Nam có thể cầm hòa 0-0 sau 45 phút thi đấu đầu tiên đã là một bất ngờ. Đó là lúc những Ngọc Anh, Tuyết Dung, Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Muôn… còn đủ thể lực đeo bám đối thủ. Đặc biệt, những pha cản phá xuất thần của thủ môn Kiều Trinh cộng với may mắn khi xà ngang từ chối bàn thắng của đối phương đã giúp chúng ta đứng vững.
Nhưng thực tế, Kiều Trinh chẳng phải siêu nhân và may mắn không phải lúc nào cũng đồng hành cùng thầy trò HLV Mai Đức Chung mãi được. Sau giờ nghỉ, chỉ trong khoảng 3 phút từ 55 đến 57, Hàn Quốc có 2 bàn dẫn trước do công Kwon Hahnul và Jung Seolbin. Phút 67, Park Hee Young ấn định chiến thắng 3-0, mang về tấm HCĐ cho đội chủ nhà. Đáng tiếc là 2 bàn thua sau do sai lầm “chết người” của thủ môn Kiều Trinh.
Thua trận, tuyển nữ Việt Nam vẫn xứng đáng được ngợi khen sau tất cả những gì họ đã thể hiện ở ASIAD 2014. Vấn đề còn lại là phía trước, nền bóng đá nữ Việt Nam sẽ được định hướng thế nào để phát triển bền vững, xứng với tiềm năng?
Nói ít, làm nhiều
Như một trong những động thái trả lời câu hỏi nêu trên, mới đây, VFF đã có công văn nhắc nhở một cơ quan báo chí phải đính chính thông tin khi cho rằng VFF không ngó ngàng tới đội tuyển nữ. VFF đồng thời khẳng định đây là thông tin thiếu khách quan, không có cơ sở, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của cơ quan quản lý và điều hành bóng đá Việt Nam!
Đằng sau câu chuyện này, có lẽ chỉ chính VFF mới biết rõ nhất mình đã đầu tư cho bóng đá nữ tới đâu và đã dành nhiều tâm huyết hay chưa? Riêng với người hâm mộ, chỉ riêng chuyện VFF nói chắc nịch không hề “bỏ rơi” các cô gái đã là vui rồi. Trong một lần tâm sự với NTNN mới đây, cựu tuyển thủ Đỗ Thị Ngọc Châm cũng cho rằng bóng đá nữ thời điểm này đã được quan tâm nhiều hơn. Bằng chứng là đã có đội dự tuyển U13, U16, U19 được tập trung ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Mỹ Đình, còn thời của Châm chỉ có đội U19.
Nhưng nói gì thì nói, trong tương quan với bóng đá nam, chị em vẫn còn thiệt thòi nhiều lắm. Trong quá khứ, các nữ tuyển thủ đã phải bươn chải mưu sinh đủ đường để giữ “lửa” đam mê. Chưa ai quên Thúy Nga từng đi bán lông gà, lông vịt, Kim Hồng bán bánh mì, Minh Nguyệt dạy thêm thể dục… Khổ lắm, nhưng lứa nữ cầu thủ còn mang danh “hoa học trò” ấy chỉ nói về sự khó khăn trong cuộc sống của họ mang tính chia sẻ chứ tuyệt nhiên không có lời than vãn nào.
Thực tế, với đam mê chơi bóng, các tuyển thủ nữ sẵn sàng bỏ qua tất cả, từ chế độ đãi ngộ cho tới tuổi xuân cứ trôi dần đi theo thời gian. Với sự hy sinh thầm lặng đó, trong lòng người hâm mộ, các nữ VĐV luôn là những “cô gái vàng”.
Nói vậy và hy vọng VFF với sự quyết đoán của Chủ tịch Lê Hùng Dũng sẽ có thật nhiều quyết định hợp tình, hợp lý, mang lại cho các cô gái thêm thật nhiều nụ cười rạng rỡ!