Dân Việt

Người Mường năng nghĩ, dám làm

Lê San 02/10/2014 09:03 GMT+7
“Cuộc sống của 3 dân tộc Kinh, Dao, Mường ở 7 xã miền núi của huyện Ba Vì bây giờ đã đổi khác so với trước nhiều lắm. Cùng với hỗ trợ của Nhà nước, chính bà con các dân tộc nơi đây là những chủ thể làm thay đổi diện mạo ở vùng đất này” - anh Lê Khắc Nhu - Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì (TP.Hà Nội) cho hay. 

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh (Ba Vì) Phạm Đình Hùng đưa chúng tôi đi thăm các hộ dân nuôi bò sữa, có hộ nuôi tới cả chục con, cho thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Cũng là một trong những người nuôi bò đầu tiên trên mảnh đất Tản Lĩnh này, anh Hùng kể: “Chúng tôi nuôi bò đã lâu lắm rồi, từ những năm 1995, khởi đầu từ nông trường bò sữa của Anh hùng Hồ Giáo. Từ năm 2005 phong trào nuôi bò sữa phát triển mạnh, cho đến nay thì hầu như 90% người dân trong xã đều nuôi bò sữa. Hộ ít thì có 2 -3 con, hộ nhiều gần 10 con. Xã Tản Lĩnh có gần 25% hộ là người dân tộc Mường, các hộ này cũng đều có thu nhập khá từ bò sữa. Họ còn rất chịu khó học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nuôi bò cho tốt, tăng sản lượng sữa”.

Vào thăm nhà anh Bùi Thanh Hà, dân tộc Mường, ở thôn Ké Mới, lúc anh đang bận bịu với việc làm nhà mới. Gia đình anh vừa mới bán 4 con bê được hơn 170 triệu đồng để xây nhà, hiện nay trong chuồng vẫn còn 3 con bò cho sữa hàng ngày. Anh Hà cho biết: “Trước đây gia đình chủ yếu nuôi gà, lợn nái. Nhưng vì giá cả cũng bấp bênh, thu nhập không ổn định, nên năm 2007, vợ chồng mình bán tất cả để chuyển sang tập trung nuôi bò. Từ 2 con bò làm vốn đầu tiên, đến nay nhà mình đã có 7 con. Với giá sữa 10.000 – 10.500 đồng/lít và đầu ra ổn định như hiện tại, thu nhập từ bò sữa cũng đủ để hai đứa con đi học và sắm sửa trong gia đình”. Khu chuồng nuôi bò sữa của anh được thiết kế đủ rộng cho 10 con bò lấy sữa, có hệ thống làm mát, máy cắt cỏ, máy bơm nước tắm cho bò. Mỗi năm anh đều tham gia các lớp tập huấn để bổ sung kiến thức nuôi bò sữa.

Vượt khó vươn lên

Ba Trại là một trong những xã có hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc, chủ yếu người Mường. Bà Nguyễn Thị Son – Chủ tịch UBND xã cho hay, đến nay Ba Trại đã có những đổi thay rõ rệt, xuất hiện rất nhiều những tấm gương đồng bào DTTS tự vượt khó, làm ăn kinh tế giỏi.

Năm 2009, khi mọi người trong thôn vẫn đang loay hoay với những cây chè đã bị thoái hoá cằn cỗi do trồng đã lâu, những ruộng ngô cho năng suất thấp vì không có nước, ông Đinh Công Định - người Mường ở thôn 3, xã Ba Trại lại mạo hiểm mang sổ đỏ của nhà mình đi vay 250 triệu để làm kinh tế trang trại, nuôi gà, chuyển đổi trồng ngô sang trồng cây ăn quả. Ông Định kể: “Lúc ấy, xung quanh đây ai cũng nghèo như nhau. Nhưng chẳng có ai nghĩ ra cách gì để thoát khỏi nghèo khó. Tôi liều một phen trước, nhưng vừa làm vừa run, sơ sẩy một tí là mình chẳng có nhà để mà ở. Trước khi bắt tay vào làm, tôi nghiên cứu rất kỹ từ cách thức đến kỹ thuật, vừa làm vừa rút kinh nghiệm dần dần. May sao 2 năm nuôi gà thành công đã giúp tôi trả được nợ ngân hàng, đến năm thứ ba, đàn gà lại bị dịch mất trắng. Cả nhà tôi lại khốn khó một thời gian”.

Không để cho nghèo khó bó buộc mình, ông lại chuyển sang đầu tư trồng thử cây vải, hồng, ổi. “Một lần tôi xuống nhà người quen ở huyện Thạch Thất, thấy người ta chỉ trồng có 30 gốc ổi giống Đài Loan mà mỗi năm thu nhập cũng được 60 triệu đồng, tôi nghĩ tại sao mình không thử mang trồng giống cây cho thu nhập cao như vậy ở vườn nhà. Thế là tôi bắt đầu trồng...”. Sự kiên trì của ông đã cho ra quả ngọt. Hơn 1.000m2 đất trồng ổi, mỗi năm cho 3 - 4 tấn quả đã mang lại thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm cho gia đình. Cùng với việc mỗi năm chăn nuôi từ 3.000 – 3.500 con gà thịt, cộng thêm 6 sào chè và 3 sào ổi, hằng năm gia đình ông Định có thu nhập hơn 100 triệu đồng.

  Theo báo cáo, trong 5 năm (tính đến tháng 8.2014), tổng số dự án thuộc các chương trình được đầu tư xây dựng tại huyện Ba Vì là 170, tăng 125 dự án so với năm 2009, với tổng mức đầu tư là 1.251 tỷ đồng.