Dân Việt

Nỗi buồn trên cánh đồng “thu tô”

02/05/2011 06:44 GMT+7
(Dân Việt) - Trong khi đời sống các hộ dân khác ở quanh vùng tương đối ổn định thì cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong vùng “phát canh thu tô” vẫn khổ, khi không thể tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Từ tháng 7.2010, Báo NTNN phanh phui vụ “phát canh thu tô” trá hình ở Đồng Tháp Mười của Công ty TNHH Đồng Tháp 1 và sau đó, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo thanh tra, làm rõ... Thế nhưng, giờ đây trở lại, cuộc sống của hàng nghìn người dân trong cánh đồng “phát canh thu tô” vẫn khốn khổ như trước.

Chỉ thay đổi về mặt hành chính

img

Những nông dân ở xã Hưng Điền đang làm “tá điền” trên đất của Công ty Đồng Tháp 1.

Như NTNN đã liên tục phản ánh trong rất nhiều số báo, Công ty Đồng Tháp 1 được UBND tỉnh Long An giao hơn 1.000ha đất lúa ở huyện Tân Hưng, nhưng sau đó “giao khoán” lại cho dân không đúng luật. Bỏ ít vốn mà muốn nhiều lời, công ty này đã ép dân phải ký lại hợp đồng giao khoán mới với mức khoán cao hơn gấp nhiều lần, đồng thời rút ngắn thời gian giao khoán lại.

Ép dân là vậy, nhưng với hàng chục cán bộ từ huyện tới tỉnh thì công ty này lại giao hơn 200ha theo kiểu “biếu không”. Nhiều cán bộ không canh tác mà cho nông dân thuê lại để hưởng lợi, thậm chí “bán luôn” đất công…

Theo kết luận thanh tra, công ty này đã giao khoán đất cho 569 hộ với 825ha, nhưng trong số này có tới 354 hộ không đúng đối tượng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần đông hộ dân “không đúng đối tượng” chủ yếu là người dân nghèo ở tỉnh Đồng Tháp do thiếu đất sản xuất nên sang huyện Tân Hưng nhận khoán để canh tác (theo quy định, nông dân có hộ khẩu ở Long An mới được nhận khoán).

Trong số này, nhiều người đã nhầm việc “giao khoán” giống như “mua bán” nên đã mua lại quyền nhận khoán thấp hơn hoặc tương đương giá thị trường ở thời điểm giao khoán. Mãi cho đến khi 5 hộ dân ở Nông trường Đồng Tháp 1, vì không đồng ý mức “nộp tô” quá cao, nên bị công ty đưa ra tòa để đòi tiền, nhiều người dân mới bàng hoàng khi biết mình cũng sẽ có nguy cơ trắng tay vì mua nhầm đất công.

Tuy nhiên cuối cùng, kết luận thanh tra lại yêu cầu những hộ dân có hộ khẩu Đồng Tháp chuyển hộ khẩu về… Long An để việc nhận khoán “đúng thủ tục”. Như vậy, mới chỉ có thay đổi về mặt hình thức giấy tờ, còn về bản chất thì cuộc sống người dân vẫn không thể thay đổi khi mức khoán vẫn rất cao so với đầu tư của công ty.

Người dân vẫn khổ

Ông Dương Quốc Xuân - Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo kiểm điểm UBND thị trấn Tân Hưng do xác nhận khống cho một số hộ, rằng không phải là cư dân của thị trấn để vào nông trường nhận đất; kiểm điểm Sở TNMT và Sở NNPTNT Long An do có sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất công. Ngoài ra, công ty cho các hộ này nhận khoán đến hết năm 2024, trong khi phương án giao khoán chỉ được tỉnh duyệt đến năm 2019. Tuy nhiên, cho đến nay việc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh vẫn còn nhùng nhằng. Theo các sở, việc sai phạm chủ yếu do lớp lãnh đạo cũ (nay đã nghỉ hưu) nên họp kiểm điểm phải mời được những người này có mặt.

Cũng theo kết luận thanh tra, đối với những trường hợp giao khoán không đúng đối tượng - chủ yếu là cán bộ, UBND tỉnh chỉ đạo thu hồi. Tuy nhiên, việc thu hồi sẽ chỉ diễn ra trên giấy vì rất nhiều cán bộ khi nhận đất khoán đã “sang tay” cho dân để lấy tiền mua đất bên ngoài để được cấp giấy đỏ.

Ngay như trường hợp ông Nguyễn Hữu Nghĩa - hiện là Bí thư huyện Vĩnh Hưng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, khi nhận 4ha đất vào năm 2006 đã lấy lý do “làm ăn thua lỗ” để sang tay cho một nông dân với giá 300 triệu đồng.

Hay trường hợp ông Uông Sĩ Ban - Phó Chi cục Thuế huyện Tân Hưng cũng từng “rao bán” đất khoán với giá 120 triệu đồng/ha… Theo hồ sơ, số đất do ông Vũ Ngọc Bần - Giám đốc Công ty Đồng Tháp 1 “giao khoán” cho… vợ và con cũng được sang tay cho những nông dân khác với hình thức “chuyển quyền nhận khoán”…

Và dù bản án phúc thẩm tuyên 5 nông dân (do không chịu nộp “tô”) phải trả lại đất cho Công ty Đồng Tháp 1 có hiệu lực đã 2 năm nay, nhưng Chi cục Thi hành án huyện Tân Hưng vẫn chưa thể thi hành các bản án này. “Nhiều lần, cán bộ thi hành án xuống địa phương, nhìn cảnh khổ của nông dân, họ lại ngậm ngùi đi về mà không thi hành được” - một cán bộ xã Hưng Điền B nói.

Trong khi đời sống các hộ dân khác ở quanh vùng tương đối ổn định thì cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong vùng “phát canh thu tô” vẫn khổ, khi không thể tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bà Phan Thị Phới - người nông dân đã “cả gan” viết thư kể khổ với Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, nông dân đang canh tác trong Nông trường Đồng Tháp 1 gần như sống trong một lãnh địa riêng.

“Ở bên ngoài, người dân được vay vốn làm ăn, đường bê tông thì xã làm khang trang, sạch đẹp, trong khi chúng tôi vẫn đi những con đường đất nắng bụi mưa bùn. Hơn 1.000ha đất ở đây, Công ty Đồng Tháp 1 nắm giấy đỏ nên chỉ có họ mới có thể vay tiền ngân hàng. Còn người dân muốn sản xuất phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao hơn”.

Vậy là, mọi việc chỉ xử lý nửa vời, và nhiều nông dân vùng này vẫn hoài công vô vọng. Họ vẫn “có” đất, vẫn làm ra hạt gạo, nhưng thực ra khác gì họ là người làm thuê trên chính mảnh đất mà có lúc, họ tưởng rằng của họ.

Và những “địa chủ tân thời” vẫn ung dung, ngồi không ăn xén đồng tiền kiếm được từ những giọt mồ hôi của những nông dân nghèo khổ.