Nhìn Hà Nội xanh-sạch-đẹp nhưng ít ai nghĩ rằng, hiện nay bãi chôn lấp rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tiếp nhận khoảng 3.500 tấn rác/ngày. Với tốc độ tăng khối lượng rác trung bình hàng năm 10% thì năm 2018, thủ đô Hà Nội sẽ không còn nơi chôn lấp rác. Bên cạnh đó còn là những khó khăn trong việc phòng chống và khắc phục các vấn đề về môi trường.
Lễ khởi động Dự án 3R tại Hà Nội ngày 18.6.2007. |
Trong 3 năm từ 2006 đến 2009, với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, TP. Hà Nội đã thực hiện Dự án "Thực hiện sáng kiến 3R ở TP. Hà Nội để phát triển xã hội bền vững (gọi tắt là Dự án 3R-HN), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) là đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện dự án.
Mục tiêu của dự án là thiết lập hệ thống 3R (Giảm thiểu - Tái sử dụng -Tái chế) hài hòa dựa trên các chương trình phân loại rác thải tại nguồn; khuyến khích việc phân loại rác thải ngay tại nhà nhằm nâng cao năng lực quản lý và xử lý rác thải hiệu quả; thí điểm phân loại chất thải tại nguồn và xây dựng một kế hoạch hành động để có thể mở rộng các dự án thí điểm cho toàn thành phố; nâng cấp cải tạo Nhà máy chế biến phế thải Cầu Diễn và tái chế rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh; thực hiện các hoạt động về truyền thông và giáo dục môi trường về 3R với tinh thần chống lãng phí; xây dựng các văn bản để cải thiện hệ thống thu gom chất thải rắn đô thị với các chương trình phân loại rác tại nguồn. Sau 3 năm triển khai thí điểm, Dự án 3R đã đạt được những tiêu chí chính sau:
1/ Sự thích hợp: Dự án phù hợp với các chính sách quốc gia về môi trường của Chính phủ VN và chính sách hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản về khía cạnh phát triển 3R. Đáp ứng chính xác các nhu cầu của Chính phủ Việt Nam thông qua việc thực hiện các dự án thí điểm về phân loại rác tại nguồn, chế biến phân hữu cơ và giáo dục môi trường và kiểm tra tính hiệu quả của các cấu phần trên. Dự án đã cung cấp các kiến thức kỹ thuật và kỹ năng thực hành các dự án thí điểm. Nó cũng mang lại lợi ích đáng kể về các mặt môi trường, kinh tế, xã hội tới cộng đồng dân cư trong các khu vực thí điểm và một phần Tp.Hà Nội.
2/ Hiệu quả: Dự án đã thành công trong việc chứng minh hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn, chế biến phân hữu cơ, giáo dục môi trường và sự tham gia của quần chúng thông qua việc thực hiện các dự án thí điểm. Câu lạc bộ Tình nguyện viên 3R được thành lập và trở thành động lực khuyến khích người dân tham gia một cách chủ động vào dự án. Những ngôi sao 3R cũng là một nhân tố đóng góp, có tác động tích cực đến hiệu quả, làm cho kế hoạch hành động, quy định về quản lý chất thải rắn của Hà Nội sửa đổi. Chiến lược cho nhiều người tham gia vào dự án thí điểm thông qua các hoạt động tương tác thường xuyên đã góp phần khuyến khích họ tham gia dự án một cách tích cực hơn.
Hơn nữa, việc cử các chuyên gia Nhật Bản tham gia dự án, đặc biệt là thuộc các lĩnh vực chuyên môn như giáo dục môi trường, truyền thông và giám sát đã giúp khuyến khích người dân tham gia vào các dự án thí điểm. Đây cũng có thể được coi là các nhân tố đóng góp có ảnh hưởng đến hiệu quả chung của dự án một cách rõ ràng. So sánh với khoảng thời gian trước khi bắt đầu, môi trường chính sách đã được ưu tiên một cách đáng kể đối với 3R.
Cụ thể, Chiến lược quốc gia về giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác đến năm 2020 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng. Việc xây dựng quy hoạch tổng thể về quản lý chất thải rắn tại TP. Hà Nội do Sở Xây dựng thực hiện phải gắn chặt với quy hoạch tổng thể chung tại TP. Hà Nội đang được xây dựng bởi Bộ Xây dựng. Xu thế nói trên giúp UBND TP. Hà Nội sửa đổi quy định về quản lý chất thải rắn. Ngày 1.3.2010, Tp. Hà Nội đã ban hành quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn (Quy định 11). Đây là công cụ đắc lực hỗ trợ công tác quản lý chất thải rắn.
3/ Hiệu suất: Ban Quản lý dự án và các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ tiến độ của các hoạt động đã góp phần vào việc thực hiện thuận lợi dự án. Cán bộ địa phương của dự án cũng là nhân tố đóng góp đặc biệt quan trọng. Họ chuyển tải sự liên hệ giữa các chuyên gia Nhật Bản và các thành viên Ban quản lý dự án.
4/ Tác động: Mối quan hệ giữa người dân tại các khu vực thí điểm và công nhân thu gom của URENCO đã được cải thiện, vị thế của các công nhân thu gom của URENCO đã được nâng cao. Dự án cũng đã mang lại cho CLB Tình nguyện viên 3R các phong trào hoạt động thúc đẩy sâu rộng, tạo được tiếng vang lớn đối với các thành phố khác của cả nước. Một số thành phố đã tới tham quan học tập các kinh nghiệm của dự án để nhân rộng mô hình toàn quốc. Công tác phân loại rác tại nguồn và sản xuất phân hữu cơ đã có ảnh hưởng tích cực tới chiến lược quốc gia về 3R do Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng như là một phương pháp quản lý chất thải hiệu quả.
5/ Sự bền vững: Dự án đã mang lại những thay đổi tích cực tới định hướng quản lý chất thải rắn của TP. Hà Nội bằng quy định về quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP.Hà Nội đã được ban hành. Các cơ quan chức năng thuộc UBND TP.Hà Nội như Sở Xây dựng, URENCO, … đã cố gắng mở rộng hiệu quả của dự án. Kỹ thuật và kỹ năng được chuyển giao từ dự án là bền vững vì các cơ quan chức năng liên quan đã nhận thấy tác dụng và phê chuẩn kế hoạch hành động.
Nhờ những nỗ lực to lớn của Việt Nam và Nhật Bản, Dự án 3R giai đoạn 1 tại thủ đô Hà Nội đã thành công trong việc vận động nhiều người tham gia và chứng minh hiệu quả của các dự án thí điểm về phân loại rác tại nguồn, chế biến phân hữu cơ, giáo dục môi trường và sự tham gia của dân cư. Dự án cũng giúp tạo ra chính sách ưu đãi và pháp luật môi trường nhằm duy trì môi trường của thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp. Và nếu thực hiện thành công việc phân loại rác tại nguồn khi Dự án 3R giai đoạn 2 được thực hiện sẽ giảm ít nhất 30% nhu cầu bãi chôn lấp, giảm gánh nặng cho công tác xử lý, cải thiện vệ sinh môi trường và tiến tới xây dựng một xã hội tuần hoàn vật chất.
Mai Hương - Tài Dũng