Dân Việt

Tấm ảnh dự báo ngày hòa bình

30/04/2011 06:42 GMT+7
(Dân Việt) - Bức ảnh hai người lính - một cộng hòa, một giải phóng - đứng khoác vai nhau đầy hòa hữu tại chốt giáp ranh vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973, là dấu hiệu cho thấy ngày hòa bình không còn xa.

Cái nhìn của phóng viên ảnh

Năm 1973, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành khi đó đang là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, được cơ quan giao nhiệm vụ vào Quảng Trị ghi lại những hình ảnh của cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Dưới cái nhìn của một phóng viên ảnh chiến trường, chàng trai 29 tuổi khi đó đã có rất nhiều bức ảnh lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử đầy chân thực và cảm động.

img
Bức ảnh “Thoát khỏi ngục tù” chụp tại sông Thạch Hãn, Quảng Trị năm 1973.

Có lẽ chưa bao giờ không khí tại sông Thạch Hãn lại trở nên sống động với tràn ngập nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc thăng hoa đến vậy. Đó là khi những tù binh từ bên bờ phía Nam được trở về đoàn tụ trong vòng tay rộng mở đón chào của những người đồng đội ở bên bờ Bắc. Họ là những người lính cách mạng và cả những người dân vừa thoát khỏi cảnh tù đày nơi các nhà tù trên khắp miền Nam như Phú Quốc, Côn Đảo, Chí Hòa…

Ống kính Chu Chí Thành đã khắc họa lại cảnh những con người từ bóng tối trở về ấy vứt bỏ những bộ quần áo tù, cởi trần chạy như bay về phía tự do vẫy gọi. Ngược lại, ở chiều trao trả tù binh trở về phía Nam, một cảnh tượng khá lạ khi những người lính Sài Gòn bịn rịn chia tay bộ đội giải phóng trước khi đi và nhận lại những cái vẫy tay tiễn đưa thân ái…

Đệm vào giữa không khí sôi động và đa sắc thái – khi hòa hữu, lúc căng thẳng – của cuộc trao trả tù binh ấy là những ngày tạm nghỉ giữa hai bên, trong lúc chờ đợi từng đợt tù binh ở phía Nam được tiếp tục đưa tới. Tại Quảng Trị, tranh chấp giữa hai bên không diễn ra ác liệt bằng khi đi sâu vào phía trong như ở Kiên Giang, Tây Nguyên. Nhờ vậy mà ngay tại chốt giáp ranh vùng giải phóng Quảng Trị đó, người phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam đã có cơ hội ghi lại những khoảnh khắc bất ngờ thú vị của cuộc chiến tranh dường như đang đi vào hồi kết...

img
 Nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà báo Chu Chí Thành chia sẻ với phóng viên Dân Việt những kỷ niệm một thời không quên. Ảnh: K.Linh

“Hòa bình không còn xa”

Vào ngày tạm nghỉ trao trả tù binh, phóng viên Chu Chí Thành đã không khỏi bất ngờ khi chứng kiến những người lính ở hai bên ra hiệu, nói chuyện với nhau và thậm chí là… mời nhau sang uống nước, chuyện trò.

Khi những người lính cộng hòa sang “giao lưu” với chiến sĩ giải phóng, dù đó có thể là hành động thân thiện vô tư hay là âm mưu thăm dò tình báo, nhưng một sự thật mà người phóng viên ảnh chiến trường khi đó đã nhìn ra, chính là: Tất cả họ đều là những người Việt Nam đứng cùng nhau, không phân biệt ranh giới giữa ta và địch.

img
Bức ảnh “Hai người lính” chụp tại chốt giáp ranh vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973.

Trong số những bức ảnh khắc họa cuộc “giao lưu” hòa hữu và lạ lùng này, có một bức ảnh vô cùng đặc biệt, chụp hai người lính – một giải phóng, một cộng hòa – khoác vai nhau. Chính anh lính cộng hòa trong trang phục rằn ri dữ tợn đã chủ động xin được chụp một kiểu ảnh làm kỷ niệm với anh lính giải phóng.

Bấm xong bức ảnh đó, tác giả Chu Chí Thành thấy trào dâng một niềm vui sướng khi cảm nhận được rõ nét rằng trong cuộc chiến này, phía bên kia đã muốn thân thiện với bên mình – một dấu hiệu chứng tỏ hòa bình không còn xa.

Đứng chung trong bức ảnh, hai người lính đã không còn có sự thù địch. Họ vốn là những người con của Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử mà bị đẩy vào hai chiến tuyến khác nhau.

Trong tâm tưởng người lính Sài Gòn đã muốn trở về với đất nước, muốn hòa bình. Và dưới mắt nhìn của người phóng viên ảnh chiến trường, đây chính là thời khắc chín muồi để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chụp từ năm 1973, bức ảnh “Hai người lính” được lưu giữ mãi đến năm 2007 mới được đưa ra giới thiệu trong triển lãm ảnh “Những thời khắc không thể quên” của nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà báo Chu Chí Thành tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, cùng với gần 100 bức ảnh khác được rút ra từ hàng ngàn bức ảnh thuộc chủ đề chiến tranh do tác giả chụp ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1967 - 1973.