Chiều 1.10, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh họp toàn thể dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, chiều 1.10. Ảnh: VGP/Đình Nam.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá quá trình triển khai Nghị quyết 19 về năng lực cạnh tranh đã góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực: Khởi sự, bảo vệ nhà đầu tư, giảm thời gian thực hiện thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận điện năng...
Cụ thể, theo Bộ KH&ĐT, dự kiến theo Luật Doanh nghiệp sửa đổi thì thời gian khởi sự kinh doanh giảm từ 34 ngày xuống 17 ngày; bảo vệ nhà đầu tư tăng lên vị trí 60 từ hạng 157 theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới; thời gian nộp thuế còn 201,5 giờ; BHXH còn 108 giờ; tiếp cận điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn 18 ngày so với 60 ngày hiện nay...
“Kinh nghiệm rút ra ở đây là có miêu tả cụ thể, có công cụ thì sẽ đo lường được mức độ tiến bộ trong quá trình cải cách”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận xét.
Đứng từ góc độ DN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng không chỉ cải thiện về môi trường kinh doanh mà Nghị quyết 19 còn đề cập đến một số vấn đề cơ bản, rất cốt lõi như: Cải cách thể chế, hạ tầng, nhân lực...
“Hiệu quả của việc cải tiến, rút ngắn thời gian, giảm các thủ tục hành chính cần phải được đo đếm từ phản hồi trực tiếp của chính DN đã giảm được bao nhiêu chi phí, công sức dành cho việc khai thuế, hải quan, BHXH chứ không chỉ ghi nhận từ phía cơ quan quản lý”, bà Phạm Chi Lan góp ý.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Cùng với những đóng góp để tăng hiệu quả thực hiện Nghị quyết 19, Hội đồng đã thảo luận về tiêu chí, vấn đề nóng liên quan đến nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong thời gian tới.
Điển hình là vấn đề xử lý điểm nghẽn để nâng cao năng suất lao động.
Theo bà Phạm Chi Lan, một số nghiên cứu của quốc tế cho thấy tốc độ năng suất lao động ở Việt Nam do chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đến điểm nghẽn. Chúng ta muốn tăng trưởng GDP 7-8%/năm thì phải tăng năng suất lao động lên gấp 1,5 lần hiện nay.
Để giải quyết vấn đề này, cần phải xác định được những điểm nghẽn của năng suất lao động, từ đó đưa ra những khuyến nghị trước mắt cũng như dài hạn tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao; tạo động lực để DN đổi mới KHCN nhờ đơn giản hóa chính sách thuế, tín dụng; đào tạo lao động...
Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình khẳng định bên cạnh ngành CNTTT có thể cạnh tranh ở cấp độ quốc tế, Việt Nam còn có tiềm năng rất lớn từ du lịch, nông nghiệp.
“Chúng ta có thể tháo gỡ trước những nút thắt đối với ngành kinh tế có năng lực cạnh tranh ngang tầm khu vực và quốc tế, tạo được nhiều giá trị gia tăng nhất; áp dụng công nghệ mới, giải quyết giáo dục đào tạo thì chỉ số năng suất lao động sẽ lên và có thể tạo ra đột phá”, ông Bình đề xuất.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bên cạnh việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19, đồng thời lựa chọn, bổ sung thêm một số ngành, lĩnh vực có thể cải cách, cải thiện ngay, đem lại hiệu quả rõ ràng trong nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Sản phẩm của Hội đồng là những nghị quyết hoặc một phần nghị quyết của Chính phủ được ban hành trên cơ sở báo cáo chuyên đề về từng ngành, lĩnh vực cụ thể (ví dụ như: Thuế, logistic, chính sách đổi mới KHCN trong DN) được nêu trong nghị quyết về nâng cao năng lực cạnh tranh được ban hành từ đầu năm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng giao các bộ ngành cần phân tích các báo cáo về năng suất lao động để tập trung chỉ đạo, điều hành trọng tâm, trọng điểm cũng như có thông tin, giải thích rõ với dư luận xã hội.
Đồng thời, Hội đồng cần chủ động đề ra các giải pháp huy động nguồn lực, chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng được các báo cáo, khuyến nghị có chất lượng, giúp Chính phủ ban hành các chính sách cải thiện năng lực cạnh tranh trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể.