Dân Việt

Ông nghị mê rừng và yêu... gấu

02/05/2011 07:33 GMT+7
(Dân Việt) - “Tôi giữ rừng nên phải hết lòng với rừng”- Đại biểu Quốc hội khoá XI và XII Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) - người được nhiều cử tri trìu mến gọi là ông nghị mê rừng và... yêu gấu chia sẻ với phóng viên Dân Việt.

Dành sự quan tâm cho rừng

Thưa ông, nhiều người nói, với khả năng và học vấn của mình, ông có thể tiến thân bằng nhiều nghề khác, vinh quang hơn và nhiều tài lộc hơn. Vậy mà ông vẫn đeo đuổi với rừng, gắn bó với rừng. Cơ duyên nào khiến ông đến với rừng thiêng nước độc Lò Gò Xa Mát (Tây Ninh)?

- Đúng là nhiều người có nói như thế và tôi thấy quả thực mình có cơ duyên với rừng. Tôi mới chỉ gắn bó với rừng 10 năm nhưng có lẽ cả cuộc đời của tôi cũng sẽ luôn nghĩ mình là người của rừng. Nhiều người thấy rừng tẻ nhạt, còn tôi luôn thấy ở rừng sự thú vị và đầy sức lôi cuốn.

img
Ông Nguyễn Đình Xuân (thứ hai từ trái sang) cùng lực lượng chức năng đi kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng ở Lò Gò Xa Mát (Tây Ninh).

Thẳng thắn mà nói, tôi lẽ ra nên theo theo nghiệp tài chính, ngân hàng của bố mẹ, nhưng không hiểu sao tôi lại đeo đuổi rừng, đam mê rừng. Tuổi thơ của tôi đã quá in đậm dấu ấn Thuyết tiến hoá của Darwin, những câu chuyện phiêu lưu, khám phá tự nhiên nên thiên nhiên ngấm vào máu thịt của tôi lúc nào không biết. Đến đại học, tôi cũng chọn ngành sinh thái và môi trường để được gần rừng.

Thế nhưng, cơ duyên với rừng thực chất chỉ đến với tôi vào giai đoạn 1998- 2000 khi tôi là đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh, đồng thời là chuyên viên của Sở TNMT tỉnh. Lúc đó, tôi phát hiện có một dự án lấy một phần khu đặc dụng Lò Gò Xa Mát làm khu dân cư, sản xuất nông nghiệp. Tôi thấy không hợp lý vì đây là rừng có nhiều loại động, thực vật quý hiếm, có hệ sinh thái đặc thù khu vực Đông Nam Bộ; có căn cứ địa cách mạng, có tiềm năng về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và du lịch sinh thái.

img
ĐB Quốc hội khoá XI và XII Nguyễn Đình Xuân

Tôi làm một kiến nghị lên cấp trên với nhiều tài liệu sưu tập được, yêu cầu hủy bỏ dự án và chuyển khu đặc dụng này thành Khu bảo tồn thiên nhiên Lò Gò Xa Mát. Rất may, tỉnh và Bộ NNPTNT ủng hộ và trình Thủ tướng phê duyệt. Biết tôi đã nghiên cứu kỹ về khu rừng này trong luận văn thạc sĩ, lãnh đạo tỉnh đã chuyển tôi về công tác tại đây ngay ngày đầu thành lập Vườn quốc gia (hiện ông là Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát).

Gắn bó với rừng tại sao ông lại chỉ chăm chăm bảo vệ… gấu, trong khi có nhiều loại động vật quý cũng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng?

- Ngay nhiệm kỳ đầu ở Quốc hội khoá XI, tôi đã hứa với cử tri sẽ dành sự ưu tiên cho bảo vệ rừng, môi trường và đa dạng sinh học. Trong suốt những năm ở Quốc hội, tôi đã đeo đuổi mục tiêu đó mà rõ nhất là nỗ lực để bảo vệ loại gấu. Nói chung, tôi quan tâm đến tất cả các loại động vật quý hiếm nhưng do loại gấu có tính chất biểu tượng, là loại động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Tôi đã sắp xếp chuyến giám sát 5 trại gấu ở tỉnh Quảng Ninh và chứng minh được vi phạm pháp luật bảo vệ động vật hoang dã. Sau đó, tôi đã có đơn đến các cơ quan chức năng Việt Nam và cả Bộ Môi trường Hàn Quốc (nước có nhiều du khách thường hay mua mật gấu).

Việc bảo vệ gấu tôi muốn truyền đạt thông điệp rằng, phải thực thi nghiêm túc pháp luật bảo vệ động vật hoang dã. Nếu chúng ta không chống lại việc khai thác mật gấu thì việc tương tự cũng sẽ xảy đến với voi, hổ, báo và các loại động vật quý khác.

Cái gì muốn giữ sẽ không thể mất

Nhiều người nói, cứ làm quản lý rừng là giàu có bởi rừng mang lại nhiều nguồn lợi? Cá nhân ông thì sao?

- Người ta ví rừng là vàng và đúng nó là vàng thật. Rừng có rất nhiều gỗ, nhiều đất, muông thú, cây thuốc ngày càng có giá trị. Thế nhưng cứ theo quan điểm làm nghề nào sẽ ăn nghề ấy là sai lầm. Đừng nghĩ chúng tôi là những người có rừng nên có thể “ăn” được đất rừng, khai thác gỗ và các loại động vật quý.

Tôi nghĩ, mỗi nghề đều có đạo đức của nó, chúng ta không thể lẫn lộn trắng đen. Bản thân tôi tự nguyện nhận bảo về rừng, bảo vệ thiên nhiên nên tâm niệm sẽ phải làm thật tốt, không được xâm phạm vào rừng. Ngay cả khi bố mẹ tôi xây nhà cũng không hề có một mét khối gỗ rừng nào được sử dụng cả, dù là hợp pháp hay không. Rồi các quan chức, khách sang đến rừng của tôi cũng không bao giờ được chiêu đãi bằng thịt thú rừng.

Nghe nói, ông cũng từng bị lâm tặc khủng bố, dọa nhét đất vào mồm. Những lúc như vậy, ông có thấy nản chí hay sợ hãi gì không trong cuộc chiến bảo vệ rừng?

- Trong thời gian ở Khu bảo tồn quốc gia Lò Gò Xa Mát đúng là thi thoảng chúng tôi có nhận đôi lời hù doạ, nắn gân gián tiếp. Tuy nhiên, nói thật là chưa ai bị đe doạ nghiêm trọng cả. 9 năm nay, chỗ chúng tôi chưa xảy ra một vụ việc đau lòng nào. Chủ yếu do chúng tôi không có móc nối hay ăn chia với lâm tặc nên không gây thù oán cá nhân.

Thứ nữa, chúng tôi phối hợp tốt với ngành chức năng triệt hạ lâm tặc từ gốc, không để hình thành các băng đảng như ở nơi khác. Không có ăn chia, không có băng đảng thì những hiểm hoạ về phía người giữ rừng đã ít nhiều được loại trừ.

Ai cũng biết phá rừng là nguy hại cho đất nước, săn bắt động vật trái phép làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Vì sao việc đó vẫn xảy ra? Ở góc nhìn của nhà quản lý, ông lý giải điều này thế nào, có phải pháp luật của ta có vấn đề?

- Pháp luật của chúng ta hiện đã rất nghiêm. Tôi lấy ví dụ như ngay ở tỉnh Tây Ninh này, vừa rồi TAND tỉnh xử 6 tháng tù giam một đối tượng chỉ vì bắt một con gà lôi chưa đến 1 kg. Hay một đôi vợ chồng bắt con rắn hổ mang chúa chỉ to bằng ngón chân cái mà cũng lĩnh 30 tháng cải tạo. Pháp luật của ta như thế là nghiêm minh. Vấn đề quan trọng là chúng ta có muốn làm hay không.

Bài học đầu tiên mà người dân dạy tôi khi về với rừng là cái gì mình đã muốn giữ thì không thể mất được. Tôi cũng nhắc với anh em, nếu muốn giữ rừng thì không thể mất rừng, còn đã mất rừng chủ yếu do chúng ta không muốn giữ, do thiếu trách nhiệm hay thông đồng với kẻ xấu.

Dành hết sức cho Quốc hội

Có phải vì gắn bó với rừng, nên ông hiểu được tác hại của việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê rừng? Việc có nhiều ý kiến tại Quốc hội về thực trạng đó, ông muốn truyền tải thông điệp gì?

- Không chỉ cho nước ngoài thuê rừng, mà cho doanh nghiệp trong nước thuê rừng đều là những vấn đề cần cảnh bảo, phải hết sức thận trọng. Rừng là tài nguyên vô giá của nhân dân, là phên giậu của Tổ quốc nên không thể biến thành mảnh vườn riêng của bất kỳ ai. Hay việc chuyển đổi ồ ạt các diện tích rừng để trồng cao su, cà phê là hết sức nguy hại.

img Chúng ta có nhiều chính sách về rừng, nhưng chưa đối xử thật tốt với lâm dân, tức những người sống bằng nghề rừng. Đây là đối tượng sống với rừng nhưng chịu nhiều thiệt thòi, còn nếu vì nghèo mà xâm phạm vào rừng thì sẽ bị quy là lâm tặc. Tôi nghĩ, một mặt phải tiếp tục các chương trình hỗ trợ lâm dân, mặt khác phải thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Dứt khoát, các đơn vị khi làm dịch vụ du lịch, thuỷ điện, cấp nước... đều phải trả phí cho người trồng rừng, giữ rừng. img

Tôi lo ngại rằng, với tốc độ cho thuê, chuyển đổi như hiện nay, chẳng bao lâu những cánh rừng sẽ dần biến mất. Trên Quốc hội, tôi phát biểu là muốn làm rõ trách nhiệm nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng này. Nếu không kiểm soát được tình trạng phá rừng như hiện nay sẽ rất nguy hiểm cho nhân dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.

Theo ông, điều cử tri hài lòng nhất ở ông tại nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua là gì?

- Có lẽ chỉ có cách hỏi cử tri mới biết rõ. Nhưng theo tôi nghĩ, cử tri đánh giá cao những phát biểu quyết liệt, không khoan nhượng của tôi về những vấn đề nóng bỏng của đất nước, trong đó có bảo vệ rừng, chống tham nhũng, xoá đói giảm nghèo.

Các phát biểu đó tôi nghĩ rất thẳng thắn, đã thay cử tri nói lên những điều mà họ cần nói, cần chia sẻ. Thái độ của tôi thể hiện rõ thái độ của cử tri. Cử tri bức xúc thì tôi phát biểu trên nghị trường không thể quá nhẹ nhàng.

Là người có kinh nghiệm nghị trường, ông có thể chia sẻ về những công việc, bí quyết làm việc của mình với những đại biểu lần đầu tiên làm đại biểu Quốc hội ở khoá XIII?

- Tuy đã hết nhiệm kỳ, nhưng là người có ít nhiều kinh nghiệm nghị trường qua 9 năm làm việc và cũng là một cử tri, tôi thấy rằng các đại biểu Quốc hội cần dành nhiều thời gian, công sức cho Quốc hội, phải xem đó là việc hết sức nghiêm túc, rất khó khăn và cần có bản lĩnh.

Tôi nghĩ Quốc hội là nơi cần những người có quan điểm, chính kiến rõ ràng, không thể nói thế nào cũng được. Tôi kỳ vọng các đại biểu khoá mới sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhiệm kỳ qua, dù đã nỗ lực, dành hết tâm sức nhưng do còn bận nhiều việc ở địa phương nên một số đề nghị, đơn khiếu nại của cử tri tôi chưa nghiên cứu kỹ, chưa giải quyết được trọn vẹn. Nếu có cơ hội, tôi ước mình sẽ làm tốt hơn thế.

Xin cảm ơn ông!