Dân Việt

Khi nghệ sĩ vào vai... nông dân

03/05/2011 13:24 GMT+7
(Dân Việt) - Với đông đảo khán giả truyền hình, các nghệ sĩ như Hán Văn Tình, Hồng Sơn, Minh Châu... được yêu mến không chỉ bởi tài năng diễn xuất mà còn vì họ vào vai nông dân rất “ngọt”.

Diễn viên Hán Văn Tình: Cơ hội được nhớ, thương và... ghét

img
Diễn viên Hán Văn Tình

Tôi được cái may mắn là đã tham gia rất nhiều vai diễn nông dân. Cũng có thể do tôi trông giống một ông nông dân thực thụ hơn là một diễn viên. Sau mỗi lần hóa thân thành nông dân, tôi đều có chung một cảm nhận, đó là đôi chút khác biệt so với những vai diễn khác.

Chúng ta ai chẳng phải lớn lên từ cây lúa, từ củ khoai, củ sắn được làm từ chính những giọt mồ hôi của những người nông dân mà thành. Vì thế khi đóng vai nông dân điều quan trọng là phải có được một sự trân trọng.

Là diễn viên, dù có giỏi đến mấy, có diễn hay đến mấy, nhưng nếu khi hóa thân trở thành một người nông dân mà không có được sự trân trọng dành cho những con người quanh năm đồng áng, chân lấm tay bùn thì vai diễn đó coi như thất bại.

Nói về các vai diễn, không chỉ riêng những vai diễn nông dân mà cả nghiệp diễn của tôi thì vai Chu Văn Quềnh trong bộ phim “Đất và người” vẫn là vai tôi ấn tượng nhất. Đúng như “lời cảnh báo” của nhiều người rằng khi tôi là anh nông dân “Chu Văn Quềnh” người ta sẽ quên mất tên tôi.

Thậm chí cho đến bây giờ, sau mấy năm bộ phim “Đất và người” được phát sóng, nhiều người khi gặp tôi ngoài đường vẫn gọi tôi là “Bác Chu Văn Quềnh”. Đó là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao đối với bất cứ diễn viên nào.

Có lẽ cũng do may mắn và có thể là cả duyên số nữa đã đưa tôi đến với vai “Quềnh”, một anh nông dân “phổi bò”, chân thật, hồn hậu và dễ bị kẻ khác lợi dụng. Người xem không khỏi ấn tượng bởi mấy câu: “Đã phân công lao động rồi”, “không thể hoãn cái sự sung sướng ấy lại được”. Cũng chính từ anh nông dân này, tôi đã có cơ hội để khán giả nhớ, thương và… ghét.

Diễn viên Hồng Sơn: “Chất” nông dân nằm trong máu

img
Diễn viên Hồng Sơn

Nếu nói về các vai nông dân, tôi cũng mới chỉ đóng hai vai chính là vai Bạch Vân trong phim “Cây bạch đàn vô danh” và vai Dỏ trong phim “Ma làng”. Nếu để so sánh việc hóa thân thành một ông nông dân với việc hóa thân thành con người khác thì thật không dễ vì mỗi vai đều có những điểm khác biệt riêng và khi một ai đó đã dấn thân vào nghiệp diễn thì dù là diễn bất cứ một vai nào cũng phải toát lên được cái hồn của vai diễn.

Nhưng có một điều tôi cảm nhận được khi đóng vai nông dân chính là sự gần gũi, sự quen thuộc. Như mọi người đã biết, chúng ta cho dù được sinh ra ở nông thôn hay thành thị thì cũng đều có gốc gác từ nông dân cả. Cái chất nông dân đều nằm trong máu của mọi người vì thế trong mỗi vai diễn về nông dân, chắc chắn người diễn viên cũng sẽ ít nhiều có sự ảnh hưởng.

Như vai Dỏ trong phim “Ma làng”, tôi đã cảm nhận được một cách rõ ràng nhất về Dỏ. Đó là một con người mang đôi chút khù khờ, thậm chí là hồn nhiên một cách đáng thương. Nhưng ở đâu đấy trong Dỏ là đức tính mang đậm chất nông dân. Nó nằm ở sự chân chất, mộc mạc nhưng cũng rất thẳng thắn và có khi hơi lỗ mãng.

Khi còn đang đóng phim “Ma làng”, tôi có thói quen là ở lại nhà người dân ở đây sau mỗi ngày diễn. Phải cùng ăn, cùng ở với những người nông dân chân chất, chân lấm tay bùn. Phải đêm đêm hít mùi bùn ngầu, mùi phân trâu ngai ngái để thấm thía hơn về cuộc sống của người nông dân. Vào vai nông dân, khi đã hiểu được một cách sâu đậm nhất về vai diễn của mình thì con đường đến với trái tim người xem sẽ trở nên thật gần.

Nghệ sĩ ưu tú Minh Châu: Đôi khi phải làm mình xấu đi

img
Nghệ sĩ ưu tú Minh Châu

Niềm đam mê lớn trong cuộc đời của tôi chính là đam mê điện ảnh, đam mê được đóng phim. Tôi thích cảm giác được bận rộn ngoài phim trường, được khóc, cười cùng với những số phận nhân vật mà mình thể hiện. Tuy nhiên, với một diễn viên, tái tạo nhân vật là điều hết sức khó khăn, vì mỗi nhân vật đều có một đời sống, sắc thái riêng.

Mỗi vai diễn dù tốt hay xấu, giàu hay nghèo đều đòi hỏi người diễn viên có những trải nghiệm riêng trong cuộc sống. Đặc biệt với vai diễn người nông dân, đôi khi chúng tôi phải làm mình xấu đi để phù hợp với nhân vật.

Trong phim “Bí thư Tỉnh ủy”, tôi được nhiều khán giả ấn tượng với “màn biểu diễn” hút thuốc lào thuần thục dù bản thân tôi trước đó chưa bao giờ hoặc vào vai nhân vật nào có hút thuốc lào.

Theo tôi, diễn cho ra, lột tả đầy đủ một cách tự nhiên cái chất của người nông dân là khó nhất. Tôi phải cố gắng quan sát, học hỏi để làm sao hút thuốc lào thuần thục, diễn thật nhất. Khi nhận vai bà Thường (phim Bí thư Tỉnh ủy), tôi đã phải tìm hiểu rất kỹ về cuộc sống người nông dân đặc biệt là ở thời gian bao cấp và cả những người hút thuốc lào.

Tôi đã phải tự mày mò hình thức, nội dung và thể hiện. Với hình ảnh hút thuốc lào đã thật sự gây cú sốc cho khán giả. Bản thân tôi cũng rất thích hình ảnh đó!

Diễn viên Hoàng Hải: Phải yêu vai diễn

img

Vai nông dân hay vai nào cũng vậy thôi, phải quan sát kỹ và có sự hình dung để hóa thân vào vai một cách chân thực. Bởi, chẳng ai đóng vai nghiện lại “bắt” mình phải nghiện thật hoặc đóng vai nông dân mà “buộc” phải là một người nông dân chính hiệu. Tôi đã tham gia một số bộ phim về chủ đề nông dân, nông thôn và có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Theo tôi, vốn sống góp phần tạo nên bản năng cho diễn viên.

Như chính tôi, mỗi khi đi diễn hoặc không, nếu có dịp, thấy người nông dân làm gì, tôi đều tham gia làm thử, hòa mình vào cuộc sống của họ. Chẳng có gì là thừa, là vô ích bởi khi cần, chính những kinh nghiệm thực tế ấy giúp tôi nhập vai rất tốt và diễn có hồn, diễn tự nhiên hơn cho ra cái “chất” một anh nông dân. Ví dụ động tác “ba xoa hai đập”, gác chân lên ghế thì người thành thị có ai làm thế, nhưng với người nông dân thì quá đỗi bình thường và vô cùng thân thuộc.

Theo quan điểm của tôi, từ góc nhìn của một diễn viên, để đạt được thành công, tiêu chí hàng đầu là phải yêu vai diễn. Bất kể vai chính hay vai phụ, mỗi người diễn viên phải nhập vai thật tốt, phải tìm tòi để vừa sáng tạo, vừa diễn xuất thật tự nhiên. Như đóng vai người nông dân thì phải đóng làm sao cho đúng phom nông dân, nhưng vẫn thể hiện được nét riêng của bản thân, không lẫn với bất cứ ai. Phải yêu vai diễn thì mới tập trung thể hiện tốt chứ không thể có chuyện… làm cho vui mà lại thành công.

Nhà văn Vân Thảo: Quan trọng nhất là vốn sống

img
Nhà văn Vân Thảo

Theo góc nhìn của tôi, để tạo nên một bộ phim hay về nông dân, nông thôn, vốn sống là điều quan trọng hàng đầu. Cảm hứng là cần thiết bởi nếu thiếu nguồn cảm hứng, bất cứ diễn viên nào cũng có thể trở thành robot và rất cứng nhắc. Nhưng nếu không có vốn sống thì sự nhập tâm với đam mê và công việc của bất cứ người làm nghệ thuật cũng vô cùng khó khăn.

Lấy ví dụ bản thân, khi tham gia quá trình thực hiện bộ phim “Bí thư Tỉnh ủy”, dù ở trên Vĩnh Phúc 4 tháng để tìm hiểu, ghép nối chất liệu, song tôi luôn có cảm giác thật sự gần gũi, thoải mái nhờ vốn sống hàng chục năm ở thôn quê trước đó. Ngày xưa, tôi đã từng đóng quân ở nhà dân, thậm chí tôi vốn là một anh nông dân chính hiệu. Bởi vậy, việc tạo nên cảm xúc, cảm hứng nghệ thuật là tương đối dễ dàng.

Làm một bộ phim về đề tài nông dân, nông thôn nói riêng và các đề tài khác nói chung thực ra không khó, cái khó là làm thế nào để hay, sinh động và mang hơi thở cuộc sống. Bởi vậy, tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại là, điều quan trọng nhất chính là vốn sống. Bên cạnh đó, với bất cứ người làm nghệ thuật nào, ngoài tài năng thì sự tâm huyết với nghề là yếu tố cần thiết để thể hiện hấp dẫn, thuyết phục công việc, chủ đề mà họ theo đuổi, đam mê.

Diễn viên Quang Lâm: Vừa dễ, vừa khó

img
Diễn viên Quang Lâm

Khi thực hiện một bộ phim, người đạo diễn nắm tinh thần và thể hiện quan điểm để truyền đạt ý tưởng tới tất cả mọi người. Về chủ đề nông dân, nông thôn, theo tôi, bắt chước dễ mà không dễ, khó mà không khó bởi ở thế hệ của tôi về trước, ai mà chẳng có họ hàng là nông dân.

Những năm tháng là người nông dân đích thực hoặc tiếp xúc với nông dân mang lại nhiều kinh nghiệm bổ ích, quý giá, là chất liệu tuyệt vời để mỗi diễn viên diễn xuất thuần thục, tự nhiên hơn khi tham gia các bộ phim về đề tài nông dân, nông thôn.

Tôi trông… lành thế mà chẳng hiểu vì sao lại rất hay “được” đóng những vai nông dân phản diện (cười). Thú thực, theo quan điểm của tôi, nên để nhân vật phía phản diện “nói” điều quan trọng nhất trong mỗi bộ phim bởi nếu “phe” chính diện nói thì vấn đề ấy vừa thiếu sức nặng vừa không có sức hút.

Hiện nay, trong “phong trào” tham gia đóng phim của nhiều người mẫu, diễn viên, ở góc hẹp về chủ đề nông dân, nông thôn, tôi thấy họ không hợp với vai diễn và bản thân những diễn viên như thế này cũng không thực sự mặn mà với chủ đề nông dân, nông thôn. Nhưng điều đó không có nghĩa là với thế hệ đạo diễn, diễn viên trẻ, chủ đề này sẽ trở nên nhàm chán hay đi vào lối mòn.

Có không ít người dù còn trẻ nhưng khá tâm huyết như đạo diễn Bùi Thọ Thịnh chẳng hạn. Bắt tay làm một bộ phim sẽ nảy sinh nhiều vấn đề và được sống với số phận nhân vật, được diễn với cái đáng thương và cả đáng yêu cũng vô cùng quan trọng.

Vào vai nông dân dễ mà không dễ là ở chỗ đó. Dễ bởi đất nước mình, phần đa là nông dân, khó là ở chỗ, diễn sao cho đúng là người nông dân “thật” mà vẫn tạo được nét riêng.