Dân Việt

Những tuổi thơ giữ biển: Ngóng khói bếp nhà

31/08/2012 07:20 GMT+7
(Dân Việt) - Trẻ con Hà Nội lên cấp II, đứa nào biết giúp mẹ rửa bát là dạng “kiệt xuất”, nhưng ở đảo Lý Sơn, ở tầm tuổi ấy chúng phải tự lo hết cho mình vì đã phải đi trọ học...

Trọ học trên đảo

Đảo nhỏ An Bình có gần 50 em phải sang trọ học bên đảo Lớn (huyện lỵ - đảo An Vĩnh), trong số ấy thì có tới hơn 30 em thuộc dạng “vắt mũi chưa sạch” đang học cấp II. Trên Lý Sơn lại chưa có khu nội trú cho học sinh nên những em nhỏ này phải ở nhờ nhà dân, ba bốn em ở chung phòng chia nhau đi chợ nấu cơm giặt giũ.

Ở cái tuổi mới trên 10, ở đất liền phải có bố mẹ nhắc thì mới ăn, bố mẹ gọi mới biết dậy đúng giờ đi học, nhưng trẻ em Lý Sơn đã biết tự lo liệu cho mình. Cậu bé Nguyễn Văn Hùng kể: “Ở bên nhà thì chúng cháu cũng quen với việc cơm nước, giặt giũ rồi, nhưng chỉ sợ nhất là có bạn nào bị bệnh. Lúc ấy thì sợ lắm, không biết làm sao cả”.

img
Trẻ em Lý Sơn phải lao động từ rất sớm.

Chiều chiều, lũ nhỏ trọ học thường lang thang ngoài bến tàu Lý Sơn, ra đó mỗi khi thuyền cá về, phụ giúp các bà, các cô chuyển cá cũng được các cô cho dăm lạng cá cơm hoặc đôi con cá nục, coi như đủ thức ăn trong ngày - Nhưng chúng ra cầu cảng phần nhiều không phải bởi lý do ấy, chúng ra cầu cảng để ngóng về nhà. Từ đảo Lớn ngó sang đảo Bé chỉ hơn hải lý, những ngày trời quang đãng, từ bên này có thể nhìn rõ khói bếp chiều của nhà mình bốc lên từ phía đảo Bé. Dưới làn khói lững thững buổi chiều tà ấy là ba mẹ, là anh chị em, là mâm cơm chiều đầy ấm cúng… gần ngay trong gang tấc mà sao không thể về nhà.

Mỗi ngày lũ trẻ ở đảo Bé An Bình lại bị nỗi nhớ nhà giày vò mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Ở Phòng Giáo dục huyện đảo, ai cũng bảo: “Giá có khu nội trú cho lũ trẻ nhỏ thì còn đỡ, đứa lớn trông nom đứa nhỏ, các thầy cô còn có thể gần gũi chỉ bảo cho chúng bởi ở cái tuổi “dở dở, ương ương” ấy là lúc lũ nhỏ cần sự chỉ bảo nghiêm túc nhất. Nhưng quan trọng là có khu nội trú, lũ trẻ sẽ được sống trong không khí gia đình. Trẻ nhỏ phải xa gia đình sớm thì tội lắm”. Nhu cầu thì đã rõ, đề đạt cũng rất nhiều lần, nhưng khu nội trú mãi không thấy và lũ trẻ thì vẫn phải chịu cảnh xa nhà, bơ vơ ngay trên huyện đảo của mình.

Những giáo trình không thể hoàn thiện

Nguyễn Văn Bình mới 16 tuổi nhưng đã có “công ăn việc làm” đàng hoàng ngoài cầu tàu Lý Sơn. Cậu làm phụ giúp cho con tàu chở khách từ Lý Sơn vào đất liền và ngược lại. Mức lương 2,5 triệu đồng/tháng là khá lý tưởng với cậu. Hỏi sao lại nghỉ học sớm thế thì cậu đáp gọn lỏn: “Không học được thì nghỉ”.

Lát sau hết bận rộn cậu mới đến gần tôi bảo: “Anh là nhà báo à? Em thích làm nhà báo lắm, hồi đi học em chỉ mơ làm nghề này, được đi khắp nơi để biết được hết đất nước mình. Mà em học văn, học sử cũng giỏi lắm nghe”. Hỏi cu cậu rằng: “Thế sao không gắng học thêm nữa. Nhà không có tiền đóng học à?”, cu cậu cười buồn: “Tiền học đáng mấy đâu anh, có hơn 3 trăm ngàn một năm hà, chỉ tại má em không có tiền, với lại em còn phải đi làm phụ giúp ba mẹ, ba em có tuổi rồi, em không muốn ba đi biển xa nữa…”.

Về việc học sinh xã đảo được miễn 100% học phí, tôi biết từ lâu mà sao lũ trẻ ngoài này vẫn phải đóng tiền học? Về chuyện này, ông Sinh - Trưởng phòng Giáo dục huyện cười như mếu: “Đó! Thế mới thật khổ! Bắt trẻ đóng tiền học, chúng tôi cũng khó nghĩ lắm, nhưng nếu không đóng góp tiền xây dựng tu sửa nhỏ thì trường lớp xuống cấp nhiều quá, không tu sửa thì sao mà học nổi”.

Vào nửa đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn tổ chức Hải đội Hoàng Sa lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp, qua đó đã khẳng định chủ quyền của dân tộc ta trên quần đảo này.

Đảo chật chội nên các lớp học cũng phải chung cảnh chật chội, các ngôi trường thì ngoài phòng học ra không có các khu vui chơi, hoạt động chức năng nên gọi các ngôi trường ngoài Lý Sơn là những “phòng ngồi học” thì đúng hơn. Ngôi trường mới được xây dựng bên xã đảo An Hải gồm 8 “phòng ngồi học” nhưng là đảo nghèo nên nó được tận dụng là nơi tránh thiên tai cho người dân vùng này (ngôi trường này có tên gọi là Công trình công cộng phòng tránh thiên tai).

Không có điện nên việc triển khai môn tin học cũng hoàn toàn tê liệt, vì trong giáo trình phải có nên môn tin học được đưa vào một trong các môn tự chọn (dù biết không có đứa học trò nào chọn cả), an ủi cho các bậc cha mẹ Lý Sơn trước thiệt thòi này là: Không sợ con cái mình sa vào chat chit, mê chơi game… như vấn nạn đang hành hạ các bậc cha mẹ ở trên đất liền (!?). Về việc học sinh cấp III bỏ học nhiều thì ông Sinh giải thích đơn giản :“Tất cả cũng vì nghèo. Đến tuổi đó có thể đi biển giúp ba mẹ được rồi, mà đi biển thì sao còn học được”.

Ngoài Trường Sa lớn các lớp học rộng mênh mông nhưng mỗi lớp chỉ có một vài học sinh, ở Lý Sơn học sinh lại phải chen chúc nhau. Hoàng Sa và Trường Sa đều là máu thịt của đất Việt, không lẽ lại khác nhau đến thế!