Dân Việt

“Hai lúa” lập thư viện

02/05/2011 10:23 GMT+7
(Dân Việt) - Đi qua Khu Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang, chúng tôi tìm đến được thư viện sách thì cũng là lúc ông vừa đi dự Hội nghị “Sơ kết mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng” từ Hà Nội về.

Chủ thư viện Tư Hưng tên thật là Huỳnh Tấn Hưng (SN 1961), ngụ ấp 8, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long.

Nhà nghèo, trước đây ông Tư Hưng làm nghề sửa máy, sau đó chuyển qua làm công tác đoàn thể của ấp một thời gian rồi nghỉ. Mặc dù nhà chỉ có 4 công ruộng và 3 công vườn, nhưng ông và vợ phải làm lụng nuôi đến 7 miệng ăn. Nhưng nghĩ rằng: “Có tri thức là có tất cả”, nên cả 7 người con đều được ông bà cho ăn học đàng hoàng.

img
Ông Tư Hưng đang lau chùi các bằng khen để treo trong thư viện sách nhà mình.

Ở cái ấp vùng sâu, vùng xa này, muốn tìm được một tờ báo hay quyển sách rất khó, mà muốn mua cũng đâu phải chuyện dễ. Nhưng với niềm đam mê đọc sách và luôn mơ ước có được thật nhiều sách của ông thì lúc nào cũng “cháy bỏng”. “Từ tháng 6.1988, tủ sách đi vào hoạt động với vốn sách ban đầu vỏn vẹn chỉ có 49 bản sách pháp luật của Phòng Tư pháp huyện, 36 bản sách pháp luật phổ thông và 165 tạp chí, Báo Sài Gòn Giải Phóng. May mà Thư viện huyện Tam Bình luân chuyển mỗi quý thêm 300 bản sách, trong đó có 100 bản sách thiếu nhi” - ông Hưng kể lại. Lúc đó, mỗi ngày chỉ có khoảng 8 lượt người đến đọc và mượn sách...

Năm 2003, gia đình ông đồng ý hiến 77m2 đất để xây dựng điểm đọc sách và trạm truyền thanh của ấp. Cũng năm đó, đoàn công tác của Quỹ Bình đẳng giới Thụy Điển - Đan Mạch xuống ấp để hỗ trợ nông dân nghe về tủ sách gia đình nhà ông nên sau đó đã tài trợ 1 tủ sách, 86 bản sách.

Tiếp đến năm 2005, Thư viện tỉnh Vĩnh Long tặng 300 bản sách trị giá gần 4 triệu đồng. Hàng tháng Phòng Tư pháp huyện cấp công báo trung ương, công báo của UBND tỉnh, tin tư pháp, còn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân xã Mỹ Lộc hỗ trợ thêm Báo Đại Đoàn Kết và Báo Nông Thôn Ngày Nay.

Thư viện sách của ông nằm lọt thỏm xung quanh bốn bề chỉ toàn là đồng ruộng, nhưng nhiều năm nay đã trở thành một địa điểm quen thuộc với hầu hết mọi người trong ấp. Ông Tư Hưng hớn hở khoe: Vừa mới mua 4 bộ bàn đá để cho mấy đứa nhỏ đọc truyện tranh thiếu nhi thay bàn ghế nhựa hết 800.000 đồng.

Vợ ông - bà Nguyễn Thị Lài cho biết: “Do tủ sách nằm gần 2 trường tiểu học và trung học lại giáp ranh với 2 xã Hậu Lộc và Lộc Hòa nên thuận tiện cho người dân và học sinh đến mượn sách”. Những xã giáp ranh đều có chỗ cho thuê sách nhưng tính tiền, nên ngày càng có nhiều học sinh tìm đến Thư viện Tư Hưng này để đọc.

Cháu Đỗ Thị Tường Vy - tươi cười: Ngày nào con và chị cũng đến tủ sách của ông bà Tư để mượn truyện đọc. Ở đây sướng nhất là đọc khỏi tốn tiền lại được ông bà Tư thương mến thường xuyên cho bánh kẹo, uống nước dừa cũng miễn phí.

Năm 2008, Thư viện Tư Hưng được Thư viện tỉnh chọn tham gia cuộc thi tủ sách gia đình lần II tổ chức tại TP.HCM và tủ sách của ông được ban giám khảo chấm giải đặc biệt, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cũng tặng bằng khen “Thư viện tư nhân Huỳnh Tấn Hưng đã có thành tích xuất sắc trong việc phục vụ sách báo cho cộng đồng”. Ngoài ra, ông còn được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh, huyện vì góp phần nâng cao dân trí cộng đồng…